Phụ huynh cần biết: Tâm lý trẻ khi nằm viện*

Đời sống ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại hóa, cũng là lúc con người vào guồng quay cơm áo gạo tiền. Các bậc cha mẹ ngày càng bận rộn hơn với công việc của mình để nuôi sống gia đình. Chính bởi vậy khó tránh khỏi việc các cha mẹ không còn nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc cho con cái và tìm hiểu những thay đổi về mặt tâm lý của trẻ. Đặc biệt là đối với trẻ bị bệnh thì lại cần sự quan tâm, chăm sóc và chia sẻ nhiều hơn. Bởi mỗi cá thể con người là tổng thể gồm các yếu tố có ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau về mặt Sinh học, Xã hội, môi trường sống và Tâm lý.

Tâm lý trẻ em khi nằm viện
Phụ huynh cần biết: Tâm lý trẻ nằm viện

Bệnh tật gây tổn thương đến các chức năng của cơ thể, đây là thay đổi về mặt sinh học. trẻ bị bệnh phải nằm viện thì làm thay đổi về môi trường sống và mối quan hệ xã hội. Sự thay đổi của 2 yếu tố trên, tất yếu sẽ làm thay đổi ít nhiều về yếu tố tâm lý. Sự thay đổi tâm lý của mỗi cá nhân thể hiện ở các mức độ khác nhau về nhận thức, cảm xúc, hành vi và phương thức ứng phó của cả cha mẹ và bệnh nhi.

Đặc biệt trẻ em là người đang hình thành và phát triển về mọi mặt nên rất dễ bị tổn thương về tâm lý, cảm xúc. Khi bị bệnh phải nằm viện trẻ khó thích ứng với môi trường bệnh viện hơn người lớn, nên ảnh hưởng về tâm lý là điều khó tránh cộng thêm việc bị lây lan cảm xúc lo âu của cha mẹ vì vậy tổn thương tâm lý của trẻ sẽ mạnh hơn.

Một số rối loạn tâm lý trẻ thường gặp khi nhập viện mà phụ huynh có thể tham khảo để hiểu con mình hơn đó là:

-Rối loạn lo âu: Khi nằm viện trẻ cảm nhận được sự nguy hiểm nên tâm lý trẻ thường hoảng sợ, liên tưởng đến sự sống còn, sợ người lạ, sợ các thiết bị y tế, sợ đau, sợ bệnh không khỏi, sợ bị bỏ học….

-Rối loạn hành vi: Một số trẻ sẻ có hành vi né tránh, thu mình, ít tham gia các vận động thường ngày, từ chối ăn uống, đòi hỏi mọi thứ nếu có thể.

Để hiểu hơn về con mình, mỗi phụ huynh có thể tham khảo về tâm lý trẻ qua các lứa tuổi được thể hiện cụ thể như sau:

-Bệnh nhi dưới 1 tuổi: Trẻ bắt đầu sợ người lạ, sợ môi trường lạ, nằm viện làm thay đổi nhịp sinh học, trẻ phản ứng với sự khó chịu và khóc nhiều, từ chối bú, rối loạn giấc ngủ.

-Bệnh nhi từ 1 đến 3 tuổi: Trẻ hay cáu gắt, khóc, hung tính hoặc thu mình, sợ người lạ quá mức, sợ nhân viên y tế, bám chặt lấy người thân, mất tính tự chủ, trẻ thường bị rối loạn đại tiểu tiện, từ chối bú, rối loạn giấc ngủ.

-Bệnh nhi từ 3 – 5 tuổi: Trẻ rất sợ tách khỏi người thân, sợ đau và chấn thương cơ thể, trẻ nghĩ bị bệnh và tiêm, lấy máu xét nghiệm là bị trừng phạt, thường mất tự chủ, thoái lùi tâm lý do bị hạn chế các hoạt động.

-Bệnh nhi từ 6 – 11 tuổi: Trẻ bắt đầu hiểu về bệnh của mình và việc phải nằm viện, có thể tách được người thân trong một khoảng thời gian trong ngày nhưng vẫn có những giải thích sai về bệnh ( bị bệnh là bị trừng phạt hoặc tại bố mẹ) các em thường hay lo lắng nhiều về học tập, lo phải nghỉ học, thường hay chống đối khi không vừa lòng, cảm giác đau tăng quá mức khi bị tiêm và làm xét nghiệm.

-Bệnh nhi tuổi vị thành niên: Thường hay lo thực sự về hậu quả của bệnh, quan tâm đến các chuẩn đoán, kết quả  xét nghiệm, và điều trị lo âu về sự phát triển không bình thường của cơ thể, lo sợ mất khả năng tham gia các hoạt động ưa thích, lo về học tập, kinh tế gia đình không đủ, có thể tăng dấu hiệu trầm cảm, thu mình nằm nhiều, cảm giác thất bại, thua kém bạn bè với các trẻ bệnh nặng có trẻ có ý định tự tử hoặc sợ chết, hoảng sợ cấu gắt.

Để hỗ trợ giúp tâm lý trẻ ổn định khi nằm viện, các bậc phụ huynh cần:

Tạo môi trường bệnh viện gần với môi trường sống bình thường bằng cách, tổ chức các hoạt động vui chơi trong bệnh viện: vui chơi chính là nhu cầu, là hoạt động chủ đạo, vui chơi giúp trẻ nằm viện quên đi bệnh tật, làm chủ được những khó chịu và đau do bệnh tật và điều trị.

Cũng thông qua vui chơi nhân viên y tế dễ dàng tiếp xúc với trẻ, hiểu được nhu cầu và phản ứng của trẻ hơn, cha mẹ giảm bớt được lo âu, và công việc chăm sóc con hơn. Hoạt động chơi có thể tổ chức tại phòng bệnh, hoặc sân chơi ngoài trời. Trò chơi có thể là vui nhộn, vận động, mô phỏng các thủ thuật y tế, lắp ghép, các trò chơi trí tuệ và sáng tạo phù hợp với lứa tuổi và tình trạng bệnh của trẻ.

Tổ chức các hoạt động học văn hoá, âm nhạc trị liệu, xem ti vi, xem phim, đọc truyện, sách báo, vẽ tranh, trẻ sẽ cảm thấy môi trường bệnh viện bớt xa lạ hơn.Trang trí phòng bệnh bằng  những nhân vật hoạt hình mà trẻ em yêu thích, khuyến khích cha mẹ trang trí xung quanh giường nằm của trẻ.

Mong rằng với bài chia sẻ này các bậc phụ huynh có thể hiểu con mình hơn, qua đó hỗ trợ con tốt trong quá trình điều trị bệnh.

Chu Văn Thành – P.CTXH

Bệnh viện Nhi Đồng 1

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận