Điều trị viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, do virút viêm não Nhật Bản B gây ra. Virus viêm não Nhật Bản truyền sang người do muỗi đốt. Vật chủ chính mang virus là lợn và một số loài chim. Bệnh không truyền trực tiếp từ người sang người. Bệnh có biểu hiện lâm sàng là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng cùng với sự phát triển của viêm não tuỷ nặng và tỷ lệ tử vong cao.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị viêm não Nhật Bản đặc hiệu. Do vậy, nội dung điều trị  là chống phù nề não, điều trị triệu chứng và chống bội nhiễm…

1. Chống phù não.

– Truyền các dịch ưu trương để làm tăng áp lực thẩm thấu, rút nước ở tổ chức, tế bào và khoang gian bào vào lòng mạch. Manitol 20%, liều từ 1-2 g/kg thể trọng, truyền với tốc độ lớn (có thể cho chảy thành dòng). Nên cho sớm, khi có biểu hiện phù não như đau đầu, nôn, rối loạn ý thức.
– Trong những trường hợp phù não nặng có co giật thì dùng Corticoid để giúp bình thường hoá sự thẩm thấu của mạch máu, chống lại sự tích luỹ nước và muối ở tổ chức não. Có thể dùng dexamethason, solumedrol.

2. An thần cắt cơn giật.

Diazepam 0,5mg/kg tiêm bắp hoặc Diazepam 0,2 – 0,3mg/kg pha loãng với 5 – 10ml dung dịch đẳng trương tiêm chậm tĩnh mạch (chỉ thực hiện ở cơ sở có điều kiện hồi sức vì có thể gây ngừng thở).
Nếu co giật không hết, có thể dùng thêm hoặc phenobacbital (gardenal) 5 – 8mg/kg/24h chia 3 lần hoặc aminazin 0,5 – 1mg/kg tiêm bắp.

3. Hạ nhiệt khi sốt

Áp dụng các biện pháp hạ sốt cho trẻ
Áp dụng các biện pháp hạ sốt cho trẻ (ảnh sưu tầm)

– Nới lỏng quần áo, cho bệnh nhân nằm phòng thoáng mát, chườm mát vào bẹn, nách, cổ… Có thể dùng các thuốc hạ nhiệt bằng đường uống qua sonde, thụt giữ qua trực tràng, truyền tĩnh mạch.
– Khi sốt 38,5 độ C: Paracetamol 15mg/kg/lần uống hoặc đặt hậu môn, có thể nhắc lại sau 6 giờ. Không dùng quá 60mg/kg/24h.

4. Chống suy hô hấp

Thở oxy để tránh suy hô hấp
Thở oxy để tránh suy hô hấp (ảnh sưu tầm)

Thở oxy, lau hút đờm rãi, sẵn sàng hô hấp viện trợ khi rối loạn nhịp thở nặng hoặc ngừng thở.

5. Hồi sức tim mạch

Bổ sung nước điện giải kịp thời theo hematocrit và điện giải đồ. Dùng thuốc trợ tim mạch, khi cần thiết có thể dùng các thuốc vận mạch như aramin, noradrenalin, dopamin…

6. Chăm sóc, ngăn ngừa bội nhiễm

– Chăm sóc

+ Hút đờm dãi, vỗ rung
+ Chống loét : nằm đệm chống loét, thay đổi tư thế.
+ Vệ sinh toàn thân : răng, miệng, da…

– Chống bội nhiễm

+ Dùng kháng sinh phổ rộng như ampixilin hoặc Cephalosporine thế hệ 3 tuỳ theo trọng lượng cơ thể.
+Thường xuyên lau rửa da, vệ sinh răng miệng, đặt vòi đái, dùng đệm cao su bơm hơi để vào các điểm tì hoặc nằm đệm nước và thường xuyên thay đổi tư thế cho bệnh nhân.

7. Cân bằng nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan

Dung dịch Ringerlactat 30 – 50ml/kg, tốc độ 20 – 30 giọt/phút sau mỗi lần truyền Manitol.
Nếu không có Ringerlactat thì thay bằng dung dịch đẳng trương Natriclorua 9 %o và Glucoza 5% mỗi thứu 1/2.
Dựa vào điện giải đồ và đường máu để điều chỉnh nếu có rối loạn.
Nếu có điều kiện đo các thông số về khí máu để điều chỉnh thăng bằng toan – kiềm.

8. Dinh dưỡng

Dinh dưỡng cho trẻ đang điều trị viêm não Nhật Bản
Dinh dưỡng cho trẻ đang điều trị viêm não Nhật Bản (ảnh sưu tầm)

Ăn thức ăn dễ tiêu, năng lượng cao, đủ muối khoáng và Vitamin. Nếu bệnh nhân không ăn được thì cho ăn qua ống thông dạ dày, đảm bảo 1500 KCalo/ngày.

Bệnh viêm não Nhật Bản có nhiều biến chứng nguy hiểm. Bởi vậy việc chủ động phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản vẫn là phương án bảo vệ trẻ an toàn và hiệu quả.

BS Trần Hoài

BV Ung Bướu Nghệ An

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận