Những lưu ý trong dinh dưỡng, sinh hoạt dành cho người tiểu đường dịp Tết

Những ngày lễ Tết và dịp gặp mặt đầu xuân luôn là khoảng thời gian khó khăn dành cho những bệnh mạn tính nhất là những người mắc bệnh lý rối loạn chuyển hóa. Nhiều người không hưởng được cái niềm vui trọn vẹn khi hội ngộ bàn bè chỉ vì phải ăn kiêng quá nhiều thứ. Vậy người bị tiểu đường nên ăn uống như thế nào để không làm bệnh nặng thêm mà vẫn có thể vui vẻ cùng bạn bè người thân. Chuyên gia tư vấn sức khỏe sẽ giải đáp thắc mắc này cho bạn.

1. Những lưu ý trong sinh hoạt của người bệnh tiểu đường

Một điều vô cùng quan trọng là người bệnh tiểu đường phải nhớ uống thuốc/tiêm thuốc đầy đủ và đúng giờ. Dẫu biết việc tham gia các hoạt động vui xuân, lễ hội sẽ làm xáo trộn lịch trình sinh hoạt của bạn. Nhưng để đảm bảo bạn không gặp phải các tình trạng như tăng đường máu đột ngột dẫn đến các biến chứng nguy hiểm thì bạn nên chủ động mang theo thuốc điều trị và sử dụng đúng giờ.

Cần duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao. Đây là yếu tố quan trọng giúp tiêu hao nguồn năng lượng dư thừa từ chế độ ăn những dịp Tết và lễ hội, họp mặt… Mỗi ngày nên dành ra 30 phút tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng. Khi đi chúc Tết, du xuân, với những địa điểm gần nhau bạn nên đi bộ thay vì di chuyển bằng xe. Điều này sẽ giúp bạn không phải mất thêm 30 phút cho các bài tập. Kết hợp tập luyện với việc thăm hỏi bạn bè và du xuân là một hình thức vừa tiết kiệm lại hiệu quả.

Đừng vì vui hội ngộ mà đi ngủ muộn. Giấc ngủ đối với người bệnh tiểu đường là rất quan trọng. Bạn có thể dậy sớm để tham gia các hoạt động trong ngày nhưng đừng ngủ muộn. Theo các chuyên gia thì ngủ không đủ giấc sẽ làm ảnh hưởng đến huyết áp, khả năng đề kháng insulin, tăng phản ứng viêm, đồng thời tác động mạnh đến khả năng cơ thể sử dụng glucose làm tăng lượng đường máu.

2. Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh tiểu đường

Dịp cuối năm đầu xuân là khoảng thời gian cho những bữa tiệc thịnh soạn. Đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cao mất kiểm soát lượng đường trong máu ở các bệnh nhân tiểu đường. Không chỉ với bệnh nhân tiểu đường, đối với những người có bệnh rối loạn chuyển hóa nói chung thì yếu tố cân bằng là quan trọng nhất. Chế độ dinh dưỡng cân bằng góp phần hạn chế các biến chứng nguy hiểm và duy trì một nền tạng sức khỏe tốt.

Chữa bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn uống (Ảnh internet)
Chữa bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn uống (Ảnh internet)

Dịp lễ tết đa phần đều là các món ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều chất béo ngậy. Đây là những thực phẩm mà ngày thường người bệnh tiểu đường phải hạn chế ăn. Để hạn chế các nguy cơ từ các thức ăn giàu dinh dưỡng này, người bệnh tiểu đường nên ăn gia tăng các thực phẩm giúp tăng chuyển hóa. Người bệnh tiểu đường nên thực hiện tốt 4 nguyên tắc

– Giảm chất gluxit (đường bột). Điều này nghĩa là bạn nên hạn chế ăn các món như bánh đa, miến, bánh trưng, bún, phở…

– Tăng vừa phải lượng protit (đạm) và lipid (béo) để bù lại năng lượng do giảm gluxit. Tuy nhiên, không nên tăng quá nhiều vì sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa.

– Tăng cường sử dụng thức ăn có nhiều vitamin, muối khoáng, yếu tố vi lượng, chất xơ như rau, củ, quả ít ngọt.

– Không kiêng khem quá chặt chẽ hoặc giảm lượng ăn một cách thái quá để tránh tình trạng hạ đường huyết. Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường sẽ gây ra những nguy hiểm thậm chí có thể tử vong.

Chế độ ăn hợp lý dành cho người tiểu đường dịp lễ Tết

– Tuyệt đối không bỏ bữa để tránh tình trạng hạ đường máu. Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Điều này khá phù hợp với ngày tết khi mà đa phần đều không có bữa ăn cố định, cứ gặp bạn bè là lại ngồi vào bàn ăn uống.

– Trong mâm cỗ ngày Tết thường có nhiều món chiên xào, đồ nếp (bánh chưng, bánh tét, xôi…). Mọi người nên bổ sung nhiều món rau xanh và sử dụng các loại hoa quả ít đường để tráng miệng (cam, quýt, bưởi…).

– Mứt, bánh kẹo và nước ngọt có ga được sử dụng khá nhiều trong những ngày Tết là những thực phẩm có hàm lượng đường cao. Người bệnh tiểu đường tốt nhất không nên ăn nhóm thực phẩm này. Cân nhắc sử dụng chất thay thế đường khi sử dụng cafe hoặc trà. Nên dùng nước lọc hoặc trà thay thế cho nước ngọt có ga.

– Rượu bia ngày tết là điều khó tránh khỏi xong đây lại là nguyên nhân gây tăng đường máu do rượu bia làm ngăn cản quá trình tổng hợp glycogen qua đó ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa của gan. Theo các chuyên gia khuyến cáo, người tiểu đường chỉ nên sử dụng 200ml rượu vang mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó nên ăn thực phẩm tinh bột khi uống rượu để tránh hạ đường máu. Tuyệt đối không uống rượu nếu không ăn. Sau khi uống rượu khoảng 1 giờ nên kiểm tra lượng đường trong máu bằng test nhanh que thử để biết mình có nguy cơ tăng hay hạ đường máu không. Tuyệt đối không uống thuốc tiểu đường cùng với rượu. Có một số loại thuốc phải kiêng hoàn toàn rượu bia người bệnh nên nghiêm túc thực hiện. Đối với các trường hợp đang tiêm insulin, sau khi uống rượu người bệnh nên kiểm tra đường máu trước khi đi ngủ, nếu thấy đường máu thấp hơn 6mmol/l phải ăn nhẹ bổ sung.

– Các nhóm thực phẩm bao gồm: rau củ như súp lơ, cà rốt, rau xanh, ớt, cà chua, khoai tây, ngô và đậu xanh; trái cây bao gồm cam, dưa, quả mọng, táo, chuối và nho; ngũ cốc: nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt như ngũ cốc, lúa mì, gạo, yến mạch, bột ngô, lúa mạch và quinoa; protein như thịt nạc, gà hoặc gà tây đã loại bỏ da, cá, trứng, các loại hạt và đậu phộng, đậu phụ; sữa không béo hoặc ít béo, sữa hoặc sữa không lactose nếu bạn không dung nạp đường sữa, sữa chua, phô mai. Ngoài ra, người bị bệnh tiểu đường nên ăn thực phẩm có chất béo có lợi cho tim như quả bơ, các loại hạt, các cá tốt cho sức khỏe như cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu canola và dầu ô liu.

– Một số thực phẩm đặc trưng ngày tết

  • Bánh chưng, bánh tét là những món sử dụng nếp chứa rất nhiều tinh bột trong một miếng nhỏ. Nếu muốn ăn hãy xem bảng quy đổi để tránh việc ăn quá mức. Nên ăn ít hơn số lượng cho phép một chút. Những món như bún khô, bún tươi, bánh tráng được xem tương đương cơm. Ngày Tết mọi người thường có thói quen ăn thịt, trứng cuốn bánh tráng với cả bún khô hoặc bún tươi. Khi tính toán khẩu phần ăn cần tính cả 2 món. Cụ thể 1 chén cơm tương đương 1 chén bún khô trụng, 1 chén cơm tương đương 14 cái bánh tráng loại nhỏ. Như vậy nếu bữa đó không ăn 1 chén cơm có thể đổi thành 7 cái bánh tráng cuốn với ½ chén bún kèm đồ ăn.
  • Lạp xưởng, giò thủ, chả lụa được xếp vào nhóm chất đạm. Một cây lạp xưởng tương đương 50g thịt nạc nhưng do lạp xưởng chứa lượng mỡ quá lớn và quá nhiều muối, không tốt cho người có bệnh đái tháo đường nên lượng ăn cho phép là không quá ½ cây. Giò thủ, chả lụa cũng vậy, số lượng ăn 1 lần nên khoảng 50-100g. Tất cả các món trên chỉ nên ăn 1-2 lần trong dịp Tết.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng trong dịp Tết dành cho người bị tiểu đường, bệnh nhân cần dùng thuốc, thực hiện chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Ngoài ra, cần chú ý kiểm soát cân nặng; nên dùng các loại carbonhydrat hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kĩ như gạo lứt, bánh mì đen, nui còn chứa nhiều chất xơ…; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; vận động thể lực đều đặn, vừa phải (khoảng 30 – 60 phút/ngày). Đồng thời, cần hạn chế thức ăn có nhiều chất béo bão hòa (mỡ động vật, phủ tạng động vật…), chất béo chuyển hóa, thức ăn chế biến sẵn, nước ngọt. Tuyệt đối không hút thuốc, không nên uống rượu, bia.

Thầy thuốc Việt Nam

 

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận