Bệnh ung thư máu cấp tính có chữa được không?

Bệnh ung thư máu là một trong 10 căn bệnh ung thư phổ biến nhất Việt Nam hiện nay. Mỗi năm, ước tính có gần 5000 người chết vì ung thư máu ở Việt Nam. Vậy, bệnh ung thư máu cấp tính có chữa được không? Hãy cùng tìm hiểu về các phương pháp điều trị bệnh ung thư máu cấp tính hiện nay.

1. Ung thư máu cấp tính là gì?

Ung thư máu cấp tính hay còn gọi là bệnh máu trắng, bệnh Leukemia cấp. Đây là bệnh ác tính của hệ tạo máu.

Đặc trưng của bệnh ung thư máu cấp tính là sự tăng sinh vô hạn độ của các tế bào máu non, gọi là các tế bào blast. Các tế bào blast ác tính sinh ra từ tủy xương. Sau đó được giải phóng vào máu và xâm nhập vào khắp các cơ quan trong cơ thể.

Ung thư máu cấp tính là bệnh ung thư không có khối u nguyên phát. Tuy nhiên những tế bào ác tính đi khắp cơ thể gây nên các triệu chứng ở mọi cơ quan trong cơ thể.

Các triệu chứng nổi bật của bệnh ung thư máu cấp tính là:

  • Đau nhức xương.
  • Hội chứng thiếu máu: mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt, hoa mắt, nhịp tim nhanh…
  • Hội chứng xuất huyết: biểu hiện chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da, chảy máu nội tạng, hoặc chảy máu não.
  • Hội chứng nhiễm trùng: nhiễm trùng họng miệng, nhiễm trùng da, viêm phổi…
  • Tế bào ác tính xâm nhiễm vào các cơ quan, đặc biệt là xâm nhiễm thần kinh trung ương gây đau đầu, liệt.

Khi có những biểu hiện trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để khám làm các xét nghiệm ung thư máu.

Chảy máu chân răng là một trong những triệu chứng của ung thư máu cấp.
Chảy máu chân răng là một trong những triệu chứng của ung thư máu cấp (Ảnh Internet)

2. Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư máu cấp tính

  • Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi: nhằm xác định số lượng bạch cầu trưởng thành và số lượng tế bào non trong máu ngoại vi.  Đồng thời còn cho thấy mức độ thiếu máu và nguy cơ chảy máu của bệnh nhân.
  • Xét nghiệm tủy xương (tùy đồ) là xét nghiệm ung thư máu dùng để chẩn đoán. Khi số lượng tế bào blast chiếm từ 20% trở lên trong số các tế bào có nhân trong tủy thì có thể chẩn đoán xác định bệnh ung thư máu cấp tính. Ngoài ra, trên tủy đồ còn thấy các dòng tế bào hồng cầu, bạch cầu hạt, tiểu cầu bị tế bào blast lấn át.
  • Sinh thiết tủy xương được thực hiện trong trường hợp xét nghiệm tủy đồ không thể chẩn đoán xác định bệnh do tủy nghèo tế bào.
  • Xét nghiệm dấu ấn miễn dịch tế bào ác tính.
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể và gen để phát hiện các bất thường trong nhiễm sắc thể và gen gây bệnh.
Phương pháp lấy tủy xương làm tủy đồ
Phương pháp lấy tủy xương làm tủy đồ (Ảnh Internet)

3. Các phương pháp điều trị ung thư máu cấp tính:

Bệnh ung thư máu có chữa được không, ung thư máu sống được bao lâu là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Câu trả lời là: bệnh ung thư máu cấp có thể chữa khỏi được.

Tuy vậy, ung thư máu cấp là bệnh cần được điều trị chuyên sâu. Do đó, chỉ có thể điều trị ung thư máu cấp ở những cơ sở y tế chuyên khoa về bệnh máu. Các cơ sở khám chữa bệnh khác chỉ có thể chẩn đoán bệnh.

Các phương pháp đang được áp dụng trong điều trị bệnh ung thư máu cấp tính là:

3.1. Điều trị triệt căn bằng đa hóa trị liệu.

Đa hóa trị liệu là phương pháp kết hợp từ hai loại hóa chất trong phác đồ điều trị. Đây là phương pháp điều trị chính của ung thư máu cấp tính.

Tùy vào từng thể ung thư máu cấp, từng cá nhân người bệnh mà sử dụng các phác đồ hóa chất khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì điều trị hóa chất trong ung thư máu cấp trải qua các giai đoạn là:

  • Giai đoạn tấn công: Sử dụng phác đồ hóa chất đủ mạnh để tấn công vào tế bào ung thư. Mục đích tạo ra thời kỳ lui bệnh hoàn toàn.
  • Giai đoạn duy trì, củng cố: sử dụng phác đồ hóa chất để kéo dài thời gian lui bệnh hoàn toàn. Mục đích là đảm bảo khỏi bệnh hoàn toàn, hạn chế tái phát.
  • Trong quá trình điều trị ung thư máu cấp tính, bệnh nhân phải trải qua giai đoạn suy tủy thì mới đảm bảo tiêu diệt hết tế bào ung thư.

Mặc dù hóa chất có thể tiêu diệt tế bào ung thư và chữa khỏi bệnh. Nhưng đồng thời nó cũng tiêu diệt các tế bào lành khác. Một số tác dụng không mong muốn của điều trị hóa chất là:

  • Buồn nôn, nôn, mất cảm giác ngon miệng. Triệu chứng này có thể khắc phục bằng các thuốc hỗ trợ trước và sau khi dùng hóa chất.
  • Rụng tóc. Sau khi dừng điều trị hóa chất, bệnh nhân có thể mọc lại tóc.
  • Thiếu máu, nhiễm trùng, chảy máu…là các biến chứng nặng, có thể dẫn tới tử vong. Do đó người bệnh cần được theo dõi sát và điều trị bằng các phương pháp điều trị hỗ trợ sẽ được nêu dưới đây.
Điều trị ung thư máu cấp bằng hóa chất.
Điều trị ung thư máu cấp bằng hóa chất. (Ảnh Internet)

3.2. Điều trị đích:

Đây là phương pháp khá mới nhưng cho kết quả điều trị khả quan. Các thuốc điều trị đích sẽ nhận diện tế bào ung thư qua các dấu ấn chỉ riêng tế bào ung thư mới có. Do đó, thuốc điều trị đích tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại tới tế bào lành.

Chỉ định dùng thuốc điều trị đích phụ thuộc vào xét nghiệm dấu ấn sinh học và xét nghiệm nhiễm sắc thể và gen của bệnh nhân. Không phải tất cả các thể bệnh ung thư máu cấp đều có thể điều trị bằng thuốc đích.

3.3. Ghép tế bào gốc tạo máu

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị củng cố cho điều trị hóa chất. Phương pháp này giúp hồi phục khả năng tạo máu của bệnh nhân. Đồng thời nó góp phần ức chế dòng tế bào ác tính còn sót lại giúp kéo dài thời gian lui bệnh hoàn toàn.

Hiện nay có 2 phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu là: ghép tủy tự thân và ghép tủy đồng loại.

Ghép tế bào gốc tạo máu có tỷ lệ thành công cao. Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho tới nay đã thực hiện trên 300 ca ghép tế bào gốc tạo máu. Tỷ lệ thành công của phương pháp này trên 80%.

Bệnh nhân ghép tế bào gốc tạo máu có thể gặp một số biến chứng: nhiễm trùng, thải ghép, viêm tắc tĩnh mạch… Bệnh nhân cần được theo dõi sát sau khi ghép và tái khám định kỳ sau khi ra viện.

Ghép tế bào gốc tạo máu
Ghép tế bào gốc tạo máu (Ảnh Internet)

3.4. Các phương pháp điều trị hỗ trợ khác:

Đây là các phương pháp điều trị hỗ trợ cho điều trị triệt căn, giải quyết các triệu chứng của bệnh nhân.

  • Chống thiếu máu: điều trị bằng nâng cao thể trạng, nâng cao dinh dưỡng cho bệnh nhân. Nếu thiếu máu nặng có thể truyền máu, sử dụng thuốc lích thích tăng trưởng hồng cầu.
  • Chống chảy máu: truyền khối tiểu cầu.
  • Chống nhiễm trùng: đảm bảo các thủ thuật vô trùng, sử dụng kháng sinh hợp lý.
  • Nâng cao thể trạng, đảm bảo vệ sinh cho bệnh nhân.

Ung thư máu cấp tính là bệnh có thể chữa được. Bằng các tiến bộ của y học hiện đại, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư máu cấp đã được tăng lên. Hãy gạt bỏ băn khoăn ung thư máu sống được bao lâu. Hãy đương đầu với bệnh tật bằng niềm tin và niềm vui sống. Tinh thần lạc quan chính là bí quyết quan trọng giúp bạn chiến thắng mọi bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư máu.

BS. Hồng Hạnh

 

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận