Vấn đề ăn uống khi bị viêm gan – Lời khuyên từ PGS.TS Bùi Hữu Hoàng

Gan là tổ chức thải độc lớn nhất cơ thể. Khi bị tổn thương mà phổ biến nhất là viêm gan sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Chế độ ăn uống là một trong các nguyên nhân dẫn đến các tổn thương tại gan. Chính vì vậy khi bị các bệnh về gan trong đó có viêm gan thì chế độ ăn và sinh hoạt càng đóng vai trò quan trọng trong điều trị. Vậy khi bị viêm gan nên ăn gì kiêng gì??? Hãy lắng nghe lời khuyên từ PGS.TS Bùi Hữu Hoàng – PCT Hội Gan Mật TP. Hồ Chí Minh.

1. Ý nghĩa của chế độ dinh dưỡng với bệnh nhân viêm gan

Gan được ví như một “nhà máy” chế biến thực phẩm mà chúng ta ăn vào để biến đổi thành các chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, các bệnh về gan, đặc biệt là viêm gan, có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống hoặc ngược lại. Dinh dưỡng không đúng cách có thể làm cho bệnh gan bị nặng thêm. Do đó, khi bị bệnh, việc ăn uống đúng cách cũng được xem là một phương pháp điều trị không dùng thuốc.

Việc ăn uống đúng cách được xem là một phương pháp điều trị không dùng thuốc đối với người bệnh viêm gan
Việc ăn uống đúng cách được xem là một phương pháp điều trị không dùng thuốc đối với người bệnh viêm gan

Dinh dưỡng hợp lý khi bị viêm gan là thực hiện một chế độ ăn uống cân đối giữa các thành phần chất đường, chất béo, chất đạm và các vitamin, khoáng chất. Ngoài ra, cũng cần kết hợp các biện pháp nghỉ ngơi, điều tiết làm việc, sinh hoạt thể lực sao cho phù hợp để tăng cường sức lực, chống chọi với bệnh tật giúp người bệnh mau hồi phục.

2. Dinh dưỡng khi bị viêm gan cấp

Trong viêm gan  cấp, tế  bào gan  bị phá hủy cấp tính. Các hoạt động bình thường của gan có thể bị xáo trộn, thường biểu hiện bằng các triệu chứng như mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa: chán ăn, ăn không tiêu, sình bụng, tiêu chảy nhất  là  hay  bị  nôn ói.

Khi bị viêm gan cấp, chúng  ta cần áp dụng một chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý. Không kiêng ăn quá mức mà cần phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ năng lượng. Năng lượng này rất cần để gan hồi phục nhanh và cơ thể mau lấy lại sức.

Nên chọn nhóm thực phẩm dễ hấp thu và tiêu hóa như gạo, ngũ cốc, đường, mật ong, hoa quả ngọt, các chất bột – đường. Vì vậy, bệnh nhân thường được khuyên ăn nhiều trái cây ngọt như chuối, nhưng  không có nghĩa là “ăn chuối để chữa bệnh viêm gan”.

Đối với nhóm chất đạm

  • Nên chọn các loại có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng (không ăn lòng đỏ trứng), các loại thịt cá nạc, sữa không béo, đậu hũ.
  • Lượng đạm cần cung cấp đầy đủ như một người bình thường (tức là 50 – 70g mỗi ngày).
  • Tuy nhiên, nếu bị viêm gan quá nặng, bắt đầu có triệu chứng lơ mơ báo hiệu tình trạng sắp bị hôn mê thì phải giảm lượng đạm < 40g mỗi ngày vì các chất như amôniắc (NH3) sinh ra từ chất đạm không được gan đào thải, sẽ tích tụ trong máu gây ảnh hưởng đến hoạt động của não.

Đối với chất béo

  • Nên giảm bớt chứ không kiêng ăn hoàn  toàn.
  • Không ăn các thức ăn có nhiều cholesterol như óc, tim, gan, lòng heo, lòng đỏ trứng vì sự bài tiết mật có thể bị giảm nên không tiêu hóa hết các chất béo.
  • Chất béo chỉ sử dụng khoảng 10% tổng năng lượng (15g mỗi ngày).

Đặc biệt, ăn nhiều rau quả tươi sẽ cung cấp chất khoáng và các vitamin như vitamin A, B, C, E… rất cần thiết để gan hoạt động bình thường trở lại vì các chất này giúp cho các chuyển hóa ở gan được tốt hơn.

Một số lưu ý khác

  • Một vấn đề hết sức quan trọng cần phải tuân thủ, đó là ngưng hẳn rượu bia và các thức uống có cồn cho đến khi gan hồi phục hoàn toàn.
  • Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc vì một số thuốc có thể gây độc cho gan như thuốc an thần, các thuốc giảm đau – chống viêm, ngay cả paracetamol. Không tự ý sử dụng bất cứ một loại thuốc nào khi chưa tham khảo ý kiến thầy thuốc.

Nếu bệnh nhân bị nôn ói liên  tục hoặc tiêu chảy nhiều cần được nhập viện để truyền dịch và nuôi ăn bằng đường truyền tĩnh mạch. Trong trường hợp bệnh nhân chỉ buồn nôn nhẹ có thể điều trị ở nhà bằng cách dùng một số thuốc chống nôn thông thường.

Nên chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn từng ít một, đừng ăn một lần quá no. Bệnh nhân viêm gan thường hay bị chán ăn và nôn ói vào buổi chiều nên có thể cho ăn nhiều hơn vào buổi sáng, ăn nhẹ hoặc uống sữa vào chiều tối để tránh tình trạng đầy bụng và nôn sau khi ăn. Khi gan hồi phục hoàn toàn, có thể ăn uống trở lại như bình thường.

3. Dinh dưỡng khi bị viêm gan mạn

Khi gan bị viêm mạn tính, hầu hết các bệnh nhân đều không có triệu chứng gì đặc biệt. Vì vậy, họ vẫn cảm thấy bình thường dù gan có thể đã bị hư hại ngày một nặng hơn. Một số bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi và ăn uống kém đi.

Chế độ ăn vẫn phải cân đối giữa các chất đường, đạm, béo và cung  cấp đầy đủ năng lượng. Việc ăn uống đủ chất và năng lượng sẽ giúp cho bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn và cơ thể có đủ sức chống chọi với tình trạng nhiễm trùng cũng như các tác dụng phụ do quá trình điều trị gây ra.

Khi vẫn còn cảm giác ăn uống và tiêu hóa bình thường, nhất là chưa bị phù, bệnh nhân không cần thiết phải kiêng ăn quá mức. Chính vì ăn kiêng quá mức và đặc biệt là thức ăn quá nhạt nhẽo sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy chán ăn. Ăn uống kém càng làm cho người bệnh bị mệt mỏi, thiếu sức để hoạt động và bệnh gan bị nặng hơn.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần hạn chế sử dụng những thức ăn quá nhiều gia vị và dầu mỡ sẽ gây khó tiêu.

Nên chọn các loại đạm có giá trị dinh dưỡng cao mà dễ tiêu hóa như đậu nành, đậu hũ…

Ở bệnh nhân viêm gan mạn tính, chất glycogen (một loại đường dự trữ ở gan) sẽ bị giảm, vì vậy cần cung cấp đều đặn chất bột – đường như bánh, trái cây ngọt; nếu không, bệnh nhân dễ bị những cơn mệt lả, vã mồ hôi do giảm lượng đường trong máu.

Dù bị bệnh gan mạn tính do bất kỳ nguyên nhân nào thì bệnh nhân cũng không nên uống rượu bia nhiều vì sẽ làm cho tình trạng viêm gan bị nặng hơn. Bệnh nhân có thể uống mỗi ngày một viên thuốc bổ để cung cấp thêm các vitamin và khoáng chất cần thiết cho hoạt động bình thường của gan.

Nếu viêm gan mạn do nghiện rượu, cần phải bổ sung thêm các  vitamin nhóm B và acid folic. Không kiêng khem quá mức khi gan chưa bị suy nặng. Tiếp tục chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ năng lượng. Nên ăn nhiều chất đạm từ  thực vật, chất bột – đường và rau quả tươi. Hạn chế bớt mỡ dầu và gia vị

Nếu bị viêm gan virút C mạn tính, không nên ăn các thực phẩm chứa nhiều chất sắt hoặc các thuốc bổ có chứa sắt.

Tránh uống rượu

Nên uống thêm thuốc bổ đa sinh tố và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc.

Sinh hoạt bình thường. Tập thể dục, chơi thể thao vừa sức. Tránh các công việc quá nặng nhọc.

PGS.TS Bùi Hữu Hoàng

Phó Chủ tịch – Hội Gan Mật TP Hồ Chí Minh

Trích Tạp chí “Sống khỏe” số 2 – Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận