Vi khuẩn HP có thực sự nguy hiểm với những người bệnh dạ dày

Bạn bị bệnh lý đau dạ dày, viêm loét dạ dày? Bạn đã từng nghe danh vi khuẩn HP? Nhưng một loài vi khuẩn “tí hon” như thế liệu có thể làm nên gì khi mà dạ dày của bạn là một biển acid ???

1. Vi khuẩn HP làm thế nào để sống trong dạ dày?

Hẳn là không đâu được cung cấp dinh dưỡng liên tục và phong phú như dạ dày. Nên “mảnh đất phì nhiêu” này thực sự là nơi lý tưởng cho các loại vi khuẩn sinh trưởng. Thật may, trên thực tế dạ dày lại là mồ chôn của các loại vi khuẩn. Do môi trường trong dạ dày có dung dịch acid đậm đặc có thể phá hủy mọi thứ. Tuy nhiên có một loại vi khuẩn chẳng hề sao đó chính là vi khuẩn Helicobacter pylori – vi khuẩn HP.

viêm loét dạ dày
Vi khuẩn HP sống trong lớp chất nhầy bề mặt tế bào biểu mô dạ dày, là nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày và các bệnh khác (ảnh minh họa)

Sản phẩm chuyển hóa của HP có tính kiềm giúp trung hòa lượng acid đậm đặc vây xung quanh thân chúng. Chúng luôn lẩn trốn trong lớp chất nhầy đặc quánh như gelatine phủ lên bề mặt tế bào biểu mô dạ dày – nơi nó sẽ được bảo vệ khỏi acid dạ dày.

2. Có những phương pháp nào để tìm ra vi khuẩn HP?

Ngày nay việc xét nghiệm tìm HP ở bệnh nhân có bệnh lý dạ dày đã trở thành 1 thước đo trong chẩn đoán. Và là điều kiện cần để đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp nhất. Y học càng phát triển thì càng có nhiều cách để tìm ra vi khuẩn HP. Đơn cử có xét nghiệm máu, nội soi sinh thiết, test urease, xét nghiệm phân, test hơi thở. Trong các xét nghiệm này có lẽ test hơi thở khá ưu việt. Đây là phương pháp xét nghiệm không xâm lấn; không gây đau đớn; độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao; áp dụng được cho phần lớn các đối tượng.

viêm loét dạ dày
Quy trình xét nghiệm vi khuẩn HP bằng test thở để tìm thủ phạm gây viêm loét dạ dày

Xét nghiệm rất đơn giản, bạn chỉ cần “uống, chờ và thở” – thật không có gì dễ dàng hơn.

3. Vi khuẩn HP có lây không?

Có 1 sự thật mà không hẳn ai cũng biết đó là chúng ta và vi khuẩn HP đã sát cánh bên nhau hơn 50.000 năm. Cùng nhau tiến hóa, cùng chia sẻ nguồn thức ăn mà con người lấy được. Vi khuẩn HP cũng giống như bao loại vi khuẩn khác, hoàn toàn có thể lây từ người bệnh sang người lành.

viêm loét dạ dày
Con đường lây nhiễm của vi khuẩn HP – thủ phạm gây viêm loét dạ dày và các bệnh dạ dày khác (ảnh minh họa)

Rất nhiều người đã diệt vi khuẩn HP – thủ phạm gây bệnh viêm loét dạ dày và các bệnh dạ dày khác, song một thời gian sau lại tái nhiễm bởi hình thức lây lan của chúng khá đơn giản. Đó là lý do vì sao mà trên khắp thế giới này vi khuẩn HP đâu đâu cũng có mặt.

Tình hình nhiễm vi khuẩn HP trong cộng đồng
Tình hình nhiễm vi khuẩn HP – thủ phạm gây bệnh viêm loét dạ dày và các bệnh dạ dày khác trong cộng đồng

4. Vi khuẩn HP tốt hay xấu? Chúng gây bệnh viêm loét dạ dày và các bệnh dạ dày khác bằng cách nào?

Thực tế đã chứng minh HP là kẻ xấu. Chúng xâm nhập vào lớp niêm mạc dạ dày của chúng ta. HP làm suy yếu lớp màng bảo vệ. Hậu quả là acid dạ dày không chỉ tiêu hóa đồ ăn mà còn tiêu hóa luôn cả chính dạ dày. Dạ dày có 1 đội quân tế bào gốc liên tục sản xuất ra tế bào mới thay thế các tế bào chết. Nhưng khi nhà máy sản xuất này phải làm việc không ngừng nghỉ thì thật khó để không xảy ra lỗi. Và hậu quả chính là sản xuất ra các tế bào ung thư.

  Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày

Khoảng 1% số người mang vi khuẩn HP sẽ bị ung thư dạ dày. Nghe thì có vẻ ít và hẳn bạn sẽ nghĩ mình nằm trong số 99% còn lại. Nhưng đừng vội mừng vì có tới hơn một nửa nhân loại đang có vi khuẩn HP. Chúng ta đã chung sống với một loại sinh vật nguy hiểm này suốt nhiều thế kỷ.

Một nghiên cứu trên diện rộng về vi khuẩn HP và các ảnh hưởng của nó đã cho ta một kết luận mới. Dựa trên thực nghiệm 12 năm quan sát 10.000 người tình nguyện. Các nhà khoa học kết luận: “Những người mang vi khuẩn HP có nguy cơ cao ung thư dạ dày. Song nguy cơ chết vì ung thư phổi hoặc đột quỵ lại thấp hơn một nửa so với người không có vi khuẩn HP”. Trong một nghiên cứu khác cho thấy người bị nhiễm vi khuẩn HP (nhất là chủng cagA) thì tỷ lệ bị hen, viêm mũi dị ứng và eczema giảm đi. Còn người không nhiễm vi khuẩn HP tỷ lệ bệnh dị ứng tăng lên.

5. Nên hay không nên diệt vi khuẩn HP?

Hãy diệt vi khuẩn HP khi bạn bị bệnh lý dạ dày hoặc có người thân mắc bệnh dạ dày. Bởi tại hội thảo quốc tế ở Dubluin – Irland đã kết luận: vi khuẩn HP đóng vai trò chủ yếu trong nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng. Trong điều trị, kết hợp diệt vi khuẩn HP thì tỷ lệ liền sẹo cao hơn; thời gian liền sẹo ngắn hơn; tỷ lệ bệnh tái phát giảm nhiều hơn. Nhưng kể cả khi đã tiêu diệt vi khuẩn HP tận gốc thì cũng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ khỏi bệnh dạ dày. Vì có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý dạ dày. Bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa để có lời khuyên.

BS Uông Mai

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận