Xử trí táo bón ở người lớn

Tại Việt Nam, các bệnh về đường tiêu hóa luôn đứng hàng đầu trong nhóm bệnh nội khoa. Táo bón là một trong những bệnh có tỉ lệ lưu hành cao nhưng lại ít được quan tâm. Theo số liệu thống kê, cứ khoảng 5 người lớn thì có 1 người mắc bệnh táo bón trong vòng 03 tháng khảo sát. Mặc dù táo bón không gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nhưng bệnh gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nguy hiểm hơn, theo thời gian, những người bị táo bón mạn tính có nhiều nguy cơ bị trĩ, viêm đại tràng mạn… Trong bài viết này GS.TS Nguyễn Khánh Trạch chia sẻ cách xử trí táo bón ở người lớn.

1. Nguyên nhân táo bón ở người lớn

Nguyên nhân gây táo bón
                                                                      (Ảnh internet)

Táo bón là vấn đề thường gặp. Bệnh nhân thường “quên” đi tiêu với số lần đi tiêu ít hơn 3 lần trong một tuần, hoặc đi tiêu mỗi ngày với cảm giác tiêu khó khăn, phân cứng và đôi khi kèm đau vùng bụng dưới.

Nguyên nhân gây táo bón thường do:

– Chế độ ăn ít chất xơ.

– Bệnh nhân uống không đủ nước.

– Tác dụng phụ của một số dược phẩm (các loại thuốc giảm đau chứa codein, thuốc trung hòa acit chứa nhôm, thuốc chống trầm cảm amitriptyline, viên sắt…).

– Liên quan với một số bệnh lý (suy giáp, hội chứng ruột kích thích thể táo bón…).

– Đang mang thai (do thay đổi nội tiết tố và chèn ép cơ học của bào thai làm giảm nhu động ruột).

– “Nhịn” do bận việc.

Ngoài ra, có một số trường hợp táo bón không rõ nguyên nhân và được xếp vào nhóm táo bón chức năng với tỷ lệ mắc bệnh ưu thế ở giới nữ.

Xem thêm: 9 thực phẩm ‘vàng’ giúp trị táo bón

2. Làm gì khi bị táo bón?

– Đa số trường hợp, người bệnh có thể tự mua thuốc nhuận tràng uống để điều trị.

– Tuy nhiên một số trường hợp người bị táo bón được khuyến cáo nên đi khám bệnh để thầy thuốc chỉ định làm các xét nghiệm (xét nghiệm phân, nội soi trực đại tràng bằng ống mềm…) giúp xác định nguyên nhân

+ Tình trạng táo bón mới xảy ra trong vòng 6 tuần mặc dù bệnh nhân tuân thủ lối sống đúng (thể dục đều đặn, uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ…).

+ Táo bón nặng không đáp ứng với thuốc nhuận tràng.

+ Đi tiêu kèm theo nhày mũi, máu, sụt cân, tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh ung thư đại tràng, hoặc bệnh viêm đại tràng mạn (viêm loét trực đại tràng, bệnh Crohn).

Xem thêm: Các cách làm mềm phân tự nhiên

3. Hướng dẫn điều trị táo bón ở người lớn

Cách trị táo bón
                                                                  (Ảnh internet)

3.1. Điều trị bằng thuốc

Thuốc nhuận tràng có 3 nhóm chính sau:

– Nhóm giúp tăng lượng phân là các thuốc cung cấp chất xơ, sợi như Psyllium, Methylcellulose, Calcium Policarbophil, Wheat dextrin. Khi dùng thuốc cần uống kèm nhiều nước (1-2 lít). Dùng lâu thường gây tình trạng trướng hơi và đầy bụng.

– Nhóm kích thích (bisacodyl, dantron, docusate, glycerol, senna và sodium picosulfate), thuốc kích thích sự tăng co bóp của ruột giúp đẩy phân ra ngoài; tác dụng phụ có thể làm đau bụng và gây tình trạng lệ
thuộc khi dùng kéo dài.

– Nhóm thuốc tạo lực thẩm thấu: Macrogol được lựa chọn phổ biến vì hiệu quả, an toàn và không gây đầy bụng, khó tiêu, trung tiện. Lactulose có thể gây đầy bụng, trướng hơi. Thuốc có tác dụng hút nước vào trong lòng ruột làm phân mềm. Một số loại muối Magiê (Mg) như Hydroxit Magiê, Citrat Magiê (hoạt động theo cơ chế tăng áp lực thẩm
thấu) có tính nhuận tràng mạnh, thường dùng trước khi phẫu thuật.

3.2. Nên uống thuốc nhuận tràng khi nào và trong bao lâu

Tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân (thời gian, tiện lợi, kinh tế) hoặc theo chỉ định của thầy thuốc.

Nguyên tắc chung trong việc lựa chọn loại thuốc nhuận tràng

– Nên dùng thuốc làm tăng lượng phân trước tiên.

– Nếu không hiệu quả, dùng thuốc tăng áp lực thẩm thấu có thể kết hợp thêm thuốc tăng lượng phân.

– Nếu bệnh nhân còn cảm giác tiêu khó, có thể dùng nhóm thuốc kích thích nhuận tràng.

Thuốc nhuận tràng và cách dùng

– Thuốc nhuận tràng chỉ nên dùng thời gian ngắn. Ngay khi tái lập được tình trạng đi tiêu bình thường, người bệnh cần thực hiện các phương pháp phòng ngừa táo bón.

– Điều cần lưu ý là việc sử dụng thuốc phải chỉnh liều theo từng cá thể sao cho đại tiện dễ nhưng không gây ra tiêu chảy (mất nước, rối loạn điện giải, mất Kali, …).

– Thuốc nhuận tràng được bào chế dưới nhiều dạng: viên uống, viên đặt hậu môn hay dạng thụt tháo. Xét về hiệu quả thì dạng đặt hậu môn và thụt tháo là thuốc nhuận tràng tác dụng tại chỗ cho hiệu quả nhanh chóng hơn, nhưng bất tiện.

– Cần tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng thuốc

3.3. Các loại thuốc nhuận tràng không nên dùng

– Các dạng thuốc làm mềm phân sản xuất từ dầu khoáng (mineral oil) vì tác dụng phụ nhiều trong khi hiệu quả không tốt hơn các thuốc nhuận tràng đã đề cập ở phần trên.

– Thuốc nhuận tràng tự nhiên: được quảng cáo là tự nhiên nhưng không nên dùng vì một số các thuốc đó có chứa các chất nhuận tràng đã đề cập ở phần trên. Không những vậy, liều và độ tinh khiết của các sản phẩm này không được quản lý.

– Một số thuốc nhuận tràng “tự chế tại nhà” như: nước xà phòng, Hydrogen peroxide, thuốc tẩy… rất có hại với niêm mạc ruột và do đó không được dùng.

– Các trường hợp nghi bán tắc ruột / tắc ruột.

4. Cách phòng bệnh táo bón

Cách phòng bệnh táo bón
         Cách phòng bệnh táo bón (Ảnh internet)

– Để phân mềm, tạo phản xạ đi tiêu rõ ràng, bạn hãy tạo thói quen đi tiêu đúng giờ, tập thể dục thường xuyên, uống đủ nước và ăn nhiều chất xơ (20-35 g/ngày).

– Có một số loại trái cây giúp dễ đại tiện mà bạn nên biết như: đu đủ, thanh long, xoài, mận, cam, chanh, quýt, …

– Lưu ý là nếu đột ngột ăn một lượng chất xơ quá nhiều, bạn có thể bị đầy bụng, trung tiện nhiều. Để tránh tác dụng phụ này, bạn nên tăng dần lượng chất xơ ăn vào.

– Có thể uống thêm thuốc nhuận tràng sorbitol (một loại đường tự nhiên, không hấp thu vào máu và có tính rút nước vào lòng ruột giúp phân mềm). Sorbitol có nhiều trong các trái cây: táo, nho, lê, đậu, mận và dâu tây.

– Nếu sau tất cả những cố gắng trên mà chứng táo bón vẫn không giảm, thì bạn có thể dùng thêm thuốc nhuận tràng.

TS.BS. Lê Thành Lý
Trưởng Khoa Nội Tiêu Hóa – Bệnh viện Chợ Rẫy

Xem thêm: Viêm đại tràng thể táo bón – Nguyên nhân và Các cách điều trị

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận