Viêm cầu thận cấp và cách phòng ngừa

Bệnh viêm cầu thận cấp cũng đang rình rập và đe dọa sức khỏe trẻ nhỏ. Để đối phó với căn bệnh này, các phụ huynh nên trang bị cho mình kiến thức để phòng bệnh cho trẻ.

Viêm cầu thận cấp có thể do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn. Bệnh rất hiếm trước hai tuổi, thường gặp ở trẻ từ 3 đến 8 tuổi, trẻ nam thường gặp hơn nữ (tỷ lệ nam/nữ = 2/1). Ở người lớn ít gặp hơn so với trẻ em.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm cầu thận cấp

Khi trẻ nhỏ có những biểu hiện sau đây thì phụ huynh nên cho bé đi khám ngay.

Bệnh thường gặp ở trẻ em và xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn cổ họng hoặc ngoài da từ 7 – 15 ngày. Nhiễm khuẩn ở ngoài da thường ủ bệnh dài ngày hơn, thường bệnh có hai giai đoạn phát triển:

Sốt ở trẻ em cũng là dấu hiệu của Viêm cầu thận cấp
Bé bị sốt ( Ảnh: Internet)

– Giai đoạn khởi phát:

Thường là đột ngột nhưng có thể có dấu hiệu báo trước với: Toàn thân mệt mỏi, sốt 38 – 390C hoặc nhẹ hơn. Đau vùng thắt lưng hai bên, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đau bụng, buồn nôn. Cũng có thể bệnh nhân đến viện vì còn viêm họng, viêm da.

– Giai đoạn toàn phát:

Trong giai đoạn toàn phát, cơ thế bệnh nhân sẽ xuất hiện những biểu hiện sau:

+ Phù: Lúc đầu thường xuất hiện ở mặt, như nặng mí mắt, phù có thể khỏi nhanh, nhưng cũng có thể lan xuống chi rồi phù toàn thân. Phù trong viêm cầu thận cấp có đặc điểm: Phù mềm, trắng, ấn lõm để lại dấu ngón tay. Phù quanh mắt cá, mặt trước xương chày, mu bàn chân.

Có thể phù nặng với phù toàn thân như tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù phổi cấp, phù não. Phù trong viêm cầu thận cấp phụ thuộc vào chế độ ăn uống.

+ Đái ít hoặc vô niệu: Xuất hiện sớm, nước tiểu chỉ được 500 – 600ml/24giờ. Khi có thiểu niệu (nước tiểu dưới 500ml/24giờ) hoặc vô niệu (nước tiểu dưới 100ml/24giờ) là biểu hiện suy thận cấp.

+ Tăng huyết áp: Tăng huyết áp cả tối đa lẫn tối thiểu, thường rõ ở hai tuần đầu. Trên 60% viêm cầu thận cấp có tăng huyếp áp. Phù phổi cấp trong viêm cầu thận cấp là tai biến thường gặp do tăng huyết áp, phù và suy tim trái.

+ Đái máu: Ít khi đái máu đại thể, nếu có thường xuất hiện sớm cùng với phù, nước tiểu đỏ hay sẩm màu ( khi đó hồng cầu niệu trên 300.000/phút). Thường gặp hơn là đái máu vi thể. Hồng cầu méo mó dễ vỡ. Trụ hồng cầu là dấu hiệu có giá trị nhất, chứng tỏ hồng cầu từ cầu thận xuống. Đái máu đại thể thường khỏi sớm nhưng đái máu vi thể thì kéo dài, hồng cầu niệu có khi 3-6 tháng mới hết.

Nguyên tắc ăn uống với những bệnh nhân viêm cầu thận cấp là ăn nhẹ và ăn nhạt. Nếu tiểu ít hoặc vô niệu thì bỏ hẳn hoa quả.

Phòng ngừa bệnh viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp
Viêm cầu thận cấp ( Ảnh: St)

– Vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt.

– Tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh viêm cầu thận.

– Khi có biểu hiện của nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng da hay các biểu hiện của viêm cầu thận nên tới các cơ sở y tế khám, đặc biệt cần nghỉ ngơi, cách ly theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

– Người viêm cầu thận cấp cần hạn chế ăn muối, khi có suy thận cần chế độ ăn giảm đạm, kali và nghỉ ngơi tuyệt đối khi có tăng huyết áp.

Thầy thuốc Việt Nam tổng hợp

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận