3 cách điều trị suy tim hiệu quả: Cập nhật phác đồ mới nhất
Mặc dù suy tim là bệnh lý mạn tính và ngày càng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nhưng bệnh vẫn có thể được điều trị ổn định. Ngay cả khi cơ tim bị suy yếu nhiều, vẫn có một số cách điều trị suy tim giúp giảm các triệu chứng và làm chậm tiến triển của căn bệnh này.
Theo phác đồ điều trị suy tim của Bộ Y Tế mới nhất, hiện nay có 3 phương pháp chính giúp kiểm soát căn bệnh này bao gồm: Sử dụng thuốc, không dùng thuốc và phẫu thuật can thiệp ngoại khoa. Mỗi cách điều trị suy tim sẽ có ưu điểm và nhược điểm riêng. Lựa chọn tốt nhất cho người bệnh là kết hợp nhiều phương pháp theo từng giai đoạn bệnh.
Nội dung bài viêt
Điều trị suy tim bằng thuốc
- Dù suy tim nặng hay nhẹ, bác sĩ đều ưu tiên sử dụng thuốc điều trị
Sử dụng thuốc là giải pháp điều trị đầu tay trong mọi giai đoạn suy tim. Tuy nhiên lựa chọn thuốc nào sẽ tùy thuộc vào việc bạn mắc loại suy tim gì, ở độ mấy hoặc giai đoạn bệnh ra sao. Phân loại và phân độ suy tim thường được sử dụng nhất là:
- Phân loại theo phân suất tống máu: suy tim tâm thu (suy tim phân suất tống máu giảm) và suy tim tâm trương (suy tim bảo tồn phân suất tống máu)
- Phân độ theo NYHA: suy tim độ 1, suy tim độ 2, suy tim độ 3 và suy tim độ 4
- Phân giai đoạn theo ACC/AHA: suy tim giai đoạn A, suy tim giai đoạn B, suy tim giai đoạn C và suy tim giai đoạn D
Dưới đây là các loại thuốc điều trị suy tim thường dùng nhất và lưu ý khi sử dụng các loại thuốc này.
Các loại thuốc điều trị suy tim thường dùng
Thuốc ức chế men chuyển
Các thuốc ức chế men chuyển sẽ giúp những người bị suy tim tâm thu sống lâu hơn và cải thiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở, nặng ngực, mệt mỏi. Tác dụng này xuất phát từ cơ chế giãn mạch, mở rộng mạch máu để giảm huyết áp, cải thiện lưu lượng máu và giảm khối lượng công việc cho tim.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc ức chế men chuyển là ho khan, khó chịu (có thể xuất hiện ở 5-15% người sử dụng thuốc). Nếu tình trạng ho ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, bạn có thể báo cho bác sĩ để được chuyển từ thuốc ức chế men chuyển sang thuốc chẹn thụ thể angiotensin.
Ngoài ra, loại thuốc này cũng có thể khiến huyết áp của bạn giảm quá thấp và gây ra các vấn đề về thận. Do đó, chống chỉ định dùng thuốc ức chế men chuyển cho những người bệnh bị hẹp động mạch thận, creatinine máu >2,8 mg/dL [> 250 μmol/L] và có tiền sử phù mạch trước đó.
Các đại diện tiêu biểu trong nhóm thuốc ức chế men chuyển là Captopril (Capoten), Enalapril (Vasotec), Fosinopril (Monopril), Lisinopril (Prinivil, Zestril), Perindopril (Aceon), Quinapril (Accupril), Ramipril (Altace), Trandolapril (Mavik).
- Hình ảnh một loại thuốc điều trị suy tim nhóm ức chế men chuyển thường dùng
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II
Các thuốc thường dùng thuộc nhóm này bao gồm: Candesartan (Atacand), Losartan (Cozaar), Valsartan (Diovan).
Với người bệnh suy tim tâm thu, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II không mang lại nhiều lợi ích hơn thuốc ức chế men chuyển. Do đó, bác sĩ thường chỉ cân nhắc dùng nhóm này khi người bệnh dùng ức chế men chuyển gặp tác dụng phụ. Bởi thuốc chẹn thụ thể angiotensin II ít gây ho và phù mạch. Trường hợp bị suy tim tâm trương, bạn có thể được dùng thuốc này nếu mắc kèm tăng huyết áp, suy thận, đái tháo đường hoặc có microalbumin trong nước tiểu.
Tác dụng phụ của thuốc chẹn thụ thể angiotensin II là có thể khiến huyết áp xuống mức thấp và tăng lượng kali trong máu. Do đó cần đặc biệt lưu ý khi kết hợp thuốc này với các thuốc lợi tiểu giữ kali.
Thuốc chẹn kênh beta
Thuốc chẹn beta không chỉ làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp mà còn hạn chế hoặc đảo ngược một số tổn thương do suy tim tâm thu gây ra. Thuốc cũng giúp giảm các dấu hiệu, triệu chứng suy tim, cải thiện chức năng tim và giúp bạn sống lâu hơn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc chẹn beta còn làm giảm nguy cơ mắc một số nhịp tim bất thường và giảm nguy cơ tử vong bất ngờ. Nếu bạn bị suy tim do rối loạn nhịp tim, đây là một tác dụng rất có lợi.
Một số thuốc chẹn kênh beta thường dùng là Bisoprolol (Zebeta), Metoprolol succinate (Toprol XL), Carvedilol (Coreg), Carvedilol CR (Coreg CR) Toprol XL. Hầu hết người điều trị bằng các thuốc này thường ít hoặc gần như không gặp tác dụng phụ không mong muốn nếu dùng đúng cách. Chỉ một số người bị chóng mặt, mệt mỏi và mờ mắt.
Thuốc lợi tiểu
- Điều trị suy tim giai đoạn C có ứ dịch không thể thiếu thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu thường được chỉ định cho bệnh nhân suy tim khi có hiện tượng ứ huyết cũng như phù ngoại biên. Thường có 3 loại thuốc lợi tiểu chính được dùng là:
Lợi tiểu thiazid
Các thuốc lợi tiểu thiazid như hydrochlorothiazide, metolazone và chlorthalidone là lựa chọn đầu tay trong các trường hợp suy tim nhẹ, suy tim mạn tính. Với trường hợp suy tim nặng, bác sĩ thường kê đơn liều thấp trước khi chuyển hẳn sang dùng lợi tiểu quai hoặc có thể dùng đồng thời.
Thuốc thường ít được sử dụng khi bệnh nhân có kèm tình trạng suy thận, trừ trường hợp Metolazone có thể dùng.
Một số tác dụng phụ cần lưu ý của nhóm lợi tiểu thiazid là rối loạn điện giải (chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, chuột rút), tăng acid uric máu, tăng đường huyết hoặc rối loạn mỡ máu.
Lợi tiểu quai
Đây là nhóm có lợi tiểu rất mạnh nên thường được chỉ định trong các trường hợp suy tim nặng. Cũng chính vì tác dụng mạnh nên có thể gây mất điện giải (mệt mỏi, chuột rút, tiền hôn mê gan, hạ huyết áp). Ngoài ra, một số người dùng lợi tiểu quai có thể bị rối loạn kiềm toan, rối loạn nhịp tim, cơn tetani, điếc do tổn thương dây thần kinh VIII.
Một số thuốc thuộc nhóm lợi tiểu quai là furosemid, bumetanid và torsemide.
Lợi tiểu giữ Kali
Nhóm này còn được gọi là thuốc kháng aldosteron với các biệt dược tiêu biểu như Spironolactone (Aldactone) và eplerenone (Inspra).
Thuốc thường không dùng đơn độc mà thường phối hợp với các thuốc lợi tiểu khác. Nếu dùng lâu ngày có thể gây rối loạn sinh dục: chứng vú to ở nam, chứng rậm lông và rối loạn kinh nguyệt ở nữ. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa, viêm, xuất huyết dạ dày.
Thuốc tác động trên kênh If
- Ivabradine (Procoralan) là thuốc điều trị suy tim thế hệ mới tác động trên kênh IF
Nghiên cứu cho thấy, Ivabradine (Procoralan) có thể giúp giảm tỷ lệ nhập viện do suy tim độ 3, tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân suy tim tiến triển. Thuốc cũng giúp tim đập chậm hơn, phòng ngừa các cơn rối loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm.
Nhược điểm của Ivabradine có thể gây ra tác dụng phụ chóng mặt, mệt mỏi; hiếm gặp thay đổi thị lực, loạn nhịp tim, ngất xỉu, dị ứng. Bệnh nhân đột quỵ, hạ huyết áp nặng, mắc hội chứng mạch vành cấp hay bệnh gan thận cũng không thể sử dụng loại thuốc này.
Ngoài 5 thuốc điều trị suy tim kể trên, bạn còn có thể được sử dụng một số loại khác như thuốc trợ tim Digoxin, thuốc giãn mạch (nitrat, hydralazine), chẹn thụ thể angiotensin/neprilysin (ARNIs), thuốc chống đông máu…
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị suy tim
Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, bạn không tự ý dừng thuốc hoặc đổi thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ trực tiếp điều trị. Việc dừng thuốc khi thấy các triệu chứng thuyên giảm có thể gây ra “phản ứng ngược” ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Ví dụ như nếu dừng thuốc chẹn beta đột ngột, bạn sẽ có nguy cơ cao gặp các cơn đau thắt ngực nguy hiểm hay đột tử do tim.
Ngay cả khi có các biểu hiện bất thường, điều bạn cần làm đầu tiên không phải là ngừng dùng thuốc ngay lập tức mà là cần tới ngay cơ sở y tế hoặc thông báo cho bác sĩ điều trị. Nếu xác định đúng đây là tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc giảm liều từ từ hoặc đổi sang 1 loại thuốc khác có hiệu quả tương đương.
Một lưu ý khác mà bạn cần nhớ khi dùng thuốc điều trị suy tim là cần kiểm tra cân nặng, nước tiểu thường xuyên và kiểm soát lượng nước nạp vào cơ thể thông qua ăn uống hàng ngày.
Điều trị suy tim không dùng thuốc
Thực hiện theo các khuyến nghị về chế độ ăn uống, tập thể dục và các cách điều trị suy tim không dùng thuốc khác có thể giúp giảm bớt các triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh và cải thiện cuộc sống hàng ngày của bạn. Trên thực tế, những người bị suy tim nhẹ đến trung bình có thể có cuộc sống gần như bình thường.
- Kết hợp thuốc cùng giải pháp không dùng thuốc sẽ giúp bạn điều trị suy tim tốt hơn
Bổ sung sản phẩm hỗ trợ tăng cường chức năng tim
Căn nguyên của suy tim là sự suy giảm chức năng tim. Vì thế việc bổ sung các sản phẩm hỗ trợ tăng cường chức năng tim có chứng minh lâm sàng cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia đánh giá cao.
Thực tế giải pháp này đã được nhiều người bệnh suy tim, tim mạch áp dụng cho hiệu quả cao. Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng trị liệu Canada năm 2014, những người bệnh suy tim độ 3 được kết hợp sử dụng thêm sản phẩm hỗ trợ tăng cường chức năng tim có chứng minh với thuốc điều trị nền, không chỉ các triệu chứng được cải thiện mà ngay cả chức năng tim cũng được phục hồi.
- Triệu chứng khó thở giảm 52%, đau ngực giảm 62%, phù giảm 63% và ho khan giảm 60%.
- Chỉ số cholesterol toàn phần và LDL-C máu giảm gần về mức bình thường
- Chức năng bơm máu của tim được cải thiện (chỉ số EF tăng)
- Tần suất nhập viện vì suy tim tiến triển giảm.
Kết quả nghiên cứu là tín hiệu đáng mừng giúp các thầy thuốc có thêm sự lựa chọn và bệnh nhân suy tim có thêm cơ hội giảm nhẹ triệu chứng, từ đó có một cuộc sống chất lượng hơn.
Ăn uống khoa học và có kiểm soát
Khi bị suy tim bạn cần tránh uống rượu bia. Nếu không thể từ chối, hãy uống có chừng mực. Điều này có nghĩa là không quá một đến hai ly mỗi ngày đối với nam giới và một ly mỗi ngày đối với phụ nữ.
Caffeine cũng là một loại đồ uống mà bạn nên cho vào danh sách hạn chế. Theo các chuyên gia, người suy tim chỉ nên tiêu thụ một lượng caffeine vừa phải, không quá một hoặc hai tách cà phê mỗi ngày.
Đặc biệt, chế độ ăn cho người bệnh suy tim cần bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm bỏ da và cá, các loại hạt và các loại đậu cũng như dầu thực vật. Ngoài ra, ăn nhạt, hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, natri, thịt đỏ, đồ ngọt và đồ uống có đường cũng là điều bạn nên làm.
Một số mẹo sau có thể giúp bạn dễ dàng thích nghi với chế độ ăn nhạt hơn:
- Pha loãng nước chấm, chấm nhẹ tay.
- Giảm dần lượng các gia vị chứa natri khi chế biến thức ăn như muối, mì chính, nước mắm, xì dầu… và thay thế bằng các gia vị từ thảo mộc.
- Hạn chế ăn đồ ăn sẵn ở ngoài, nên tự nấu ăn để kiểm soát được lượng muối.
Xem thêm: Suy tim có chữa được không? Cách nào giảm nhẹ bệnh
Tập thể dục đúng cách đều đặn
Tập thể dục vừa sức thường xuyên sẽ giúp trì hoãn suy tim phát triển. Hãy lên lịch hoạt động thể chất vào cùng một thời điểm mỗi ngày để nó trở thành một thói quen trong lối sống của bạn.
Bạn cũng nên lựa chọn các loại hình thể dục nhẹ nhàng không có tính đối kháng như đi bộ, yoga, thiền, thái cực quyền, tập hít thở. Trường hợp không thể vận động (ví dụ suy tim giai đoạn cuối), hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các bài tập phù hợp và nhờ sự chăm sóc hỗ trợ từ người thân.
Khi mới bắt đầu tập, bạn cần tập vừa phải sau đó quan sát phản ứng của cơ thể để tăng dần cường độ. Nếu thấy khó thở, chóng mặt, đau ngực, mệt mỏi nhiều hơn nên nghỉ ngơi và có thể giảm cường độ tập trong các lần tập kế tiếp.
Ngoài ra, bạn không nên tập luyện trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, không tập khi quá no (sau ăn) hoặc khi đói. Và đừng quên uống 1 chút nước và khởi động làm ấm cơ thể trước khi tập.
Phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa
Thuốc là phương pháp điều trị chính cho người bệnh suy tim. Tuy nhiên với một số bệnh nhân thì phương pháp phẫu thuật can thiệp tỏ ra hữu ích hơn. Phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa sẽ được áp dụng trong các trường hợp suy tim nặng hoặc để điều trị nguyên nhân gây suy tim. Cụ thể:
- Phẫu thuật van tim: áp dụng với trường hợp suy tim do bệnh lý van tim, có thể là thay van hoặc sửa van.
- Nong mạch đặt stent hoặc bắc cầu động mạch vành: dùng cho người suy tim có tắc nghẽn động mạch (xơ vữa mạch vành nặng hoặc mảng xơ vữa mềm có nguy cơ hình thành huyết khối cao)
- Cấy máy tạo nhịp phá rung (ICD): thường áp dụng cho những người suy tim giai đoạn B, C khi phân suất tống máu EF ≤ 30%, người bệnh có tiên lượng sống > 1 năm.
- Thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVADs): dùng khi tâm thất trái của người bệnh không còn khả năng hoạt động bình thường và việc dùng thuốc không có tác dụng.
- Ghép tim: Đây là cách điều trị suy tim cuối cùng, tuy nhiên do tiềm ẩn nhiều rủi ro nên không phải mọi người bị suy tim nặng đều được áp dụng.
Không có cách chữa khỏi bệnh suy tim nhưng các phương pháp điều trị kể trên có thể kiểm soát các triệu chứng, giúp bạn có cuộc sống đầy đủ và năng động ngay cả khi bạn có một trái tim không khỏe mạnh.
BS. Uông Mai