5 điều cần biết về đau bụng kinh ở tuổi dậy thì

Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường ở phái nữ. Đau bụng kinh ở tuổi dậy thì là tình trạng đau bụng do các cơn co thắt tử cung xuất hiện ở độ tuổi dậy thì. Đây là tình trạng phổ biến xuất hiện trước, trong và sau mỗi kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của những bất thường sản phụ khoa gây ra.

1. Đặc điểm về chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi dậy thì

Dậy thì là khoảng thời gian cơ thể bạn bắt đầu có những sự thay đổi trở nên giống người lớn.  Ở nữ giới, tuổi dậy thì trung bình vào khoảng 13 – 16 tuổi, nhưng có một số trường hợp có thể dậy thì sớm hơn. Tuổi dậy thì được đánh dấu bằng kỳ hành kinh đầu tiên cùng với sự phát triển chung của toàn cơ thể.

Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu có tính chất chu kỳ hàng tháng từ tử cung ra ngoài cơ thể do bong niêm mạc tử cung. Thời gian có kinh nguyệt thường kéo dài 3 – 7 ngày. Kinh nguyệt sẽ xuất hiện theo tính chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 28 – 35 ngày, tuy nhiên một số người có thể thấy chu kỳ kinh nguyệt dưới 28 ngày hoặc kéo dài tới 45 ngày. Kinh nguyệt trong tuổi dậy thì thường không đều và gây đau bụng do sự phát triển thể chất mạnh mẽ nhưng hệ thống thần kinh, nội tiết tố chưa đáp ứng kịp. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định dần sau 1 – 2 năm kể từ kỳ kinh đầu tiên nên bạn không cần quá lo lắng.

Đặc điểm chu kì kinh nguyệt lứa tuổi dậy thì
Đặc điểm chu kì kinh nguyệt lứa tuổi dậy thì

2. Nguyên nhân gây đau bụng kinh dậy thì

Đau bụng kinh là tình trạng đau bụng âm ỉ, đau nhói, quặn thắt gây đau đớn, khó chịu. Phần lớn phụ nữ đều đã từng trải qua các cơn đau bụng kinh, đây là hiện tượng rất phổ biến.

Trong kỳ kinh nguyệt, sự tăng sinh prostaglandin trong tử cung là nguyên nhân chính gây đau bụng kinh ở tuổi dậy thì. Prostaglandin gây co bóp và khiến các mạch máu trong tử cung co lại làm giảm lưu lượng máu, oxy nuôi mô trong tử cung. Sự thiếu máu cục bộ khiến tử cung co thắt lại tống máu, niêm mạc, trứng không được thụ tinh,… ra ngoài. Từ đó gây ra triệu chứng đau ở thời kỳ kinh nguyệt.

3. Bị đau bụng kinh ở tuổi dậy thì có sao không?

Đau bụng kinh được chia thành hai loại là đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.

Đau bụng kinh nguyên phát

Là tình trạng đau bụng kinh thường gặp mà không phải là biểu hiện của bất kỳ bệnh lý nào. Đau bụng kinh nguyên phát rất phổ biến ở tuổi dậy thì, ở phụ nữ chưa lấy chồng, sinh con.

Đau bụng kinh thứ phát

Đau bụng kinh thứ phát rất hiếm xảy ra ở tuổi dậy thì nhưng không thể loại bỏ các yếu tố này. Đây là dấu hiệu của những bệnh lý vùng chậu khung như:

  • Viêm nhiễm vùng chậu
  • U xơ tử cung
  • U nang buồng trứng
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Chửa ngoài tử cung

Các triệu chứng đau bụng kinh nguyên phát và thứ phát tương đương nhau, rất khó phân biệt qua những triệu chứng. Vì vậy, khi có các biểu hiện đau bất thường, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám sớm.

4. Đau bụng kinh ở tuổi dậy thì có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản không?

Đau bụng kinh nguyên phát ở tuổi dậy thì là hiện tượng bình thường, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Đây là hiện tượng sinh lý nên bạn không cần quá lo lắng. Các cơn đau này sẽ giảm dần sau khi sinh con hoặc qua tuổi sinh sản.

Nhưng nếu đau bụng kinh là thứ phát do các bất thường hoặc bệnh lý phụ khoa thì có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản của bạn, thậm chí là vô sinh. Cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe nếu cơn đau bụng kinh của bạn có những bất thường như:

  • Đau dữ dội, quặn thắt vượt khả năng chịu đựng của bản thân.
  • Đau bụng kèm nôn mửa
  • Tụt huyết áp
  • Đau bụng kinh kèm theo ra máu đen
  • Sốt cao
  • Đau bụng kinh nhưng không có máu
Đau bụng kinh ở tuổi dậy thì
Đau bụng kinh ở tuổi dậy thì

Xem thêm

Bị đau bụng kinh có nên uống thuốc? Cách giảm đau không cần dùng thuốc

5. Cách khắc phục tình trạng đau bụng kinh

  • Dùng thuốc giảm đau: Các chuyên gia thường không khuyến khích sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh ở lứa tuổi dậy thì trừ khi đau bụng gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt. Tuy nhiên, bạn không tự ý sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Các nhóm thuốc thường sử dụng bao gồm:
  • Thuốc giảm đau: Paracetamol
  • Thuốc kháng viêm khôngsteroid: Ibuprofen, Diclofenac,…
  • Thuốc chống co thắt: Alverin, Hyoscine
  • Chườm nóng bụng dưới bằng túi chườm hoặc chai nước nóng.
  • Uống trà gừng, nước đường đỏ nóng.
  • Ăn canh trứng gà ngải cứu.
  • Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
  • Massage làm ấm vùng bụng, thắt lưng.
  • Đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng giúp lưu thông máu tốt hơn, giảm đau hiệu quả.
  • Ăn uống lành mạnh, bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin B, kali, magie. Không sử dụng rượu, bia, cà phê hay các chất kích thích khác.

Đau bụng kinh ở tuổi dậy thì là vấn đề rất phổ biến và bạn có thể cải thiện được tình trạng này bằng thuốc hay lối sống phù hợp. Mặc dù ở tuổi dậy, phần lớn các cơn đau bụng kinh là nguyên phát nhưng cũng không thể chủ quan mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, hướng dẫn cụ thể.

BS. Vũ Thị Anh Đào

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận