7 sai lầm khi điều trị đái tháo đường

Người bệnh đái tháo đường luôn rất nghiêm ngặt và khắt khe trong điều trị và thói quen sinh hoạt, ăn uống để giữ đường huyết ở mức ổn định. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân gặp những sai lầm không đáng có khi điều trị đái tháo đường gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh. Bài viết dưới đây, chuyên gia MyPharma sẽ chỉ ra 7 sai lầm phổ biến nhất khi điều trị đái tháo đường.

1. Kiêng hoàn toàn tinh bột và đường

Người tiểu đường có thể sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo thay cho đường thường
Người tiểu đường có thể sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo thay cho đường thường

Thức ăn chứa tinh bột và đường khi vào cơ thể được chuyển hóa thành glucose. Nếu người đái tháo đường sử dụng với 1 lượng lớn có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu, gây mất kiểm soát đường huyết và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy người đái tháo đường cần hạn chế ăn thực phẩm nhiều tinh bột và đường.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người bệnh đái tháo đường cần kiêng hoàn toàn tinh bột và đường. Bạn có thể sử dụng các loại thực phẩm này với 1 lượng nhỏ thích hợp mà vẫn đảm bảo đường huyết ở mức an toàn do:

  • Nhiều loại thực phẩm chứa tinh bột còn chứa hàm lượng cao chất xơ, vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp tăng sức đề kháng và hỗ trợ tiêu hóa ở người đái tháo đường.
  • Loại bỏ hoàn toàn chất đường ra khỏi khẩu phần của người đái tháo đường là việc khá khó khăn với những người thích đồ ngọt và nó cũng không thực sự cần thiết.
  • Thực phẩm như trái cây và rau củ ngoài chứa đường tự nhiên còn chứa rất nhiều vitamin và dưỡng chất tốt cho sức khỏe người bệnh.

Những loại thực phẩm chứa tinh bột và đường người đái tháo đường nên sử dụng:

  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch, các loại đậu (đậu nành, đậu xanh…)
  • Các loại bánh ăn kiêng chuyên dụng cho người tiểu đường.
  • Các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp: Cam, táo, ổi, dâu tây, bưởi…

2. Dùng thuốc điều trị sai cách

Sai lầm khi sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường.
Sai lầm khi sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường.

Dùng thuốc điều trị để kiểm soát đường huyết ở mức ổn định và phòng ngừa biến chứng là điều rất quan trọng ở bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân gặp các sai lầm sau khi dùng thuốc:

Dùng phối hợp các thuốc hạ đường huyết không đúng:

Các thuốc làm hạ đường huyết theo nhiều cơ chế khác nhau. Vì vậy nếu người bệnh tự ý phối hợp các loại thuốc hạ đường huyết có thể gây tương tác thuốc, ức chế cạnh tranh lẫn nhau làm giảm tác dụng điều trị của thuốc và tăng tác dụng phụ.

Dùng thuốc quá liều:

Nhiều người bệnh lo lắng về mức đường huyết tăng cao nên dùng thuốc liều cao để hạ đường huyết nhanh. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, có thể khiến người bệnh rơi vào hôn mê do hạ đường huyết quá nhanh và làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc.

Tự ý ngừng dùng thuốc:

Thực tế bệnh đái tháo đường không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát đường huyết ở mức ổn định nhờ thuốc và duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh. Vì vậy khi thấy triệu chứng biến mất, đường huyết giảm gần như bình thường, nhiều người chủ quan ngừng dùng thuốc là hoàn toàn sai lầm.

Chỉ điều trị thuốc đái tháo đường mà không dùng các thuốc khác:

Khoảng 80% bệnh nhân đái tháo đường có gặp các biến chứng như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn đông máu, biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não). Vì vậy, bệnh nhân cần sử dụng phối hợp các loại thuốc phòng ngừa và điều trị các biến chứng nguy hiểm trên.

Để thuốc hiệu quả và an toàn, bạn cần tuyệt đối tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đủ và đúng liều, không được tự ý sử dụng hoặc ngừng sử dụng khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Xem thêm

https://thaythuocvietnam.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-dai-thao-duong-phu-thuoc-insulin/

3. Không học cách cấp cứu hạ đường huyết

Người bệnh đái tháo đường ngoài nỗi lo tăng đường huyết còn hay gặp phải tình trạng hạ đường huyết do sử dụng thuốc. Trong 1 số trường hợp đường huyết hạ quá mức, nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong.

biệu hiện của hạ đường huyết
Biểu hiện của hạ đường huyết

Biến chứng hạ đường huyết nguy hiểm không kém gì tăng đường huyết, vì vậy người bệnh và người nhà cần có những kiến thức về cấp cứu hạ đường huyết để biết cách xử lý kịp thời.

Ngay khi có các dấu hiệu hạ đường huyết như run chân tay, vã mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh, người bệnh đái tháo đường cần thực hiện ngay các biện pháp sau:

  • Bước 1: Bổ sung 15g carbohydrate. Bạn có thể lựa chọn: 1 cốc nước đường, 1 cốc sữa đặc, 2 thìa cà phê mật ong, 2 – 3 cái kẹo, 1/2 ly sữa, 1 loại hoa quả…
  • Bước 2: Nghỉ ngơi trong 15 phút rồi kiểm tra lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn còn thấp, lặp lại hai bước này.

Nếu đã làm theo 2 bước trên nhiều lần mà đường huyết vẫn không tăng, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Trong tình trạng bệnh nhân đã bị hôn mê, người nhà không nên cho người bệnh ăn uống gì mà cần gọi ngay cấp cứu đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

4. Không tái khám bệnh

Nhiều bệnh nhân chủ quan không đi tái khám bệnh khi thấy cơ thể “ổn” và đường huyết vẫn ổn định. Việc tái khám bệnh là cực kì cần thiết với người bệnh vì giúp bác sĩ theo dõi được tiến triển của bệnh và hiệu quả điều trị của thuốc để có thể điều chỉnh liều và loại thuốc phù hợp.

Ngoài ra một số loại thuốc kích thích bài tiết insulin khi dùng lâu dài có thể giảm tác dụng theo thời gian (mất hiệu nghiệm thứ phát), dần dần mất hiệu quả điều trị gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy người bệnh cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

5. Bỏ thuốc Tây và uống thuốc Đông y

Nhiều người bệnh đái tháo đường sai lầm khi nghĩ rằng thuốc Tây gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng nên có xu hướng bỏ thuốc tây và sử dụng thuốc Đông y. Trên thực tế, thuốc Đông y vẫn gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Nhiều loại thuốc Đông y không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được kiểm định về chất lượng, có lẫn nhiều tạp chất, hàm lượng hoạt chất thấp… khiến hiệu quả điều trị không cao.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra tầm quan trọng của thuốc tây y trong ổn định đường huyết ở người đái tháo đường, giảm đáng kể nguy cơ gặp biến chứng. Vì vậy người bệnh đái tháo đường cần sử dụng thuốc tây theo đúng đơn của bác sĩ, bên cạnh đó có thể phối hợp với các loại thuốc Đông y đã qua kiểm duyệt của Bộ y tế để hỗ trợ điều trị bệnh.

6. Tự điều trị các vết loét

Biến chứng loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường

Với người bình thường, những vết loét nhỏ có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên đối với bệnh nhân đái tháo đường, chỉ 1 vết thương nhỏ nếu không được điều trị đúng cách cũng có thể bị nhiễm trùng trên diện rộng, thậm chí dẫn đến hoại tử do bạch cầu giảm khả năng chống viêm, chống nhiễm trùng. Nhiều bệnh nhân đã phải cắt bỏ chi, cắt bỏ 1 phần mô mềm do chủ quan. Vì vậy, bạn phải thường xuyên kiểm tra cơ thể để phát hiện sớm các vết loét và nhờ đến các y bác sĩ xử lý đúng cách để đảm bảo an toàn.

7. Không nắm được mục tiêu điều trị

Lượng đường huyết được coi là an toàn ở những đối tượng và thời điểm khác nhau là khác nhau. Vì vậy người bệnh cầm nắm rõ mục tiêu điều trị của bản thân để biết đường huyết như thế nào là trong tầm kiểm soát.

Theo Hội Đái tháo đường Hoa kỳ thì mục tiêu đường huyết của các bệnh nhân đái tháo đường lúc đói là 4-7,2mmol/l, sau ăn 2h là < 10 mmol/l, HbA1c <7% ở người Đái tháo đường trẻ tuổi chưa có biến chứng nặng; còn đối với người cao tuổi (≥65 tuổi), mắc nhiều biến chứng và bệnh mắc kèm thì mức đường huyết cao hơn.

Như vậy, trên đây là 7 sai lầm thường gặp nhất trong điều trị đái tháo đường mà người bệnh cần tránh. Nếu còn bất cứ băn khoăn gì liên quan đến vấn đề này, bạn hãy để lại bình luận bên dưới để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất.

 

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận