8 phút vàng cứu thai nhi bị tắc đường thở
Ngày 21/1, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ cùng vào cuộc cho ca mổ “chạy đua với thời gian” bằng phương pháp EXIT (xử lý dị tật chèn ép đường thở bên ngoài tử cung) để thực hiện ca mổ đặt nội khí quản thông đường thở cho một thai nhi bị tắc đường thở.
- 8 phút “chạy đua” của các bác sĩ trong phòng phẫu thuật (nguồn: Công lý)
Một thai phụ 30 tuổi (quê Phú Yên) phát hiện thai có bướu hạch bạch huyết dưới cằm ở tuần thứ 19 khi khám thai định kỳ. Bác sĩ xác định, bị khối bướu lớn như vậy chèn ép, em bé có nguy cơ không thở được sau khi cắt dây rốn. Phòng mổ lớn nhất Từ Dũ được chọn để bác sĩ tiền sản và bác sĩ ngoại nhi đủ điều kiện cùng thao tác song song, dự trù máu sẵn, dự trù khả năng phải cắt tử cung sản khoa.
Đánh giá nguy cơ bất lợi cho thai phụ và thai nhi khi gây mê ngủ sâu, ê kíp mổ đã quyết định gây tê ngoài màng cứng để mổ đưa bé ra.
Ngay sau khi thai nhi nhô đầu ra khỏi bụng mẹ, còn giữ nguyên dây rốn, các bác sĩ nhi đã khẩn cấp đặt nội khí quản giúp bé thở được. Sau 8 phút, em bé được đặt nội khí quản thành công. Bác sĩ tiến hành kẹp cắt dây rốn, tách rời bé khỏi tuần hoàn thai nhi.
Sản phụ được nhanh chóng cho gò tử cung, bóc nhau để tránh mất máu quá nhiều. Sau đó, bé được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị bướu.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, thông thường sản phụ khi sinh xong, bác sĩ phải nhanh chóng bóc nhau hoặc sau 3-5 phút nhau sẽ tự bong. Thời gian bong nhau càng lâu, khả năng bà mẹ chảy máu càng nhiều, nguy cơ mất tử cung, thậm chí tử vong càng lớn. Vì vậy, các bác sĩ phải “chạy đua” với thời gian để vừa thông đường thở cho bé, vừa đảm bảo an toàn cho mẹ.
Dự kiến hôm nay, bác sĩ sẽ mổ khối bướu cho bé.
Thầy thuốc Việt Nam (t/h)