Ai nên tiêm và ai không nên tiêm vacxin COVID-19??
Từ lâu, vacxin được coi là hàng rào hữu hiệu nhất để bảo vệ con người trước các dịch bệnh truyền nhiễm. Hiện nay đã có rất nhiều loại vacxin đã và đang được nghiên cứu, sản xuất để ngăn dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19. Tại Việt Nam, chương trình tiêm vacxin COVID-19 đang diễn ra trên cả nước. Vacxin được phân phối tiêm cho các đối tượng từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp. Dưới đây là phân loại các đối tượng tiêm vacxin COVID-19. Mời các bạn theo dõi bài viết để biết thêm chi tiết.
Nội dung bài viêt
- 1. Đối tượng nên được ưu tiên tiêm vacxin COVID-19
- 1.1 Nhân viên y tế
- 1.2 Nhân viên tham gia phòng chống dịch.
- 1.3 Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
- 1.4 Lực lượng quân đội và lực lượng công an
- 1.5 Giáo viên
- 1.6 Người trên 65 tuổi
- 1.7 Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu
- 1.8 Người mắc các bệnh mạn tính
- 1.9 Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài
- 1.10 Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ
- 2. Những người cần thận trọng trước khi tiêm vacxin COVID-19
1. Đối tượng nên được ưu tiên tiêm vacxin COVID-19
Vacxin COVID-19 được chỉ định cho người khỏe mạnh từ đủ 18 tuổi trở lên và không có tiền sử dị ứng với vacxin trước đó. Những . Hiện nay, do nguồn cung cấp vacxin trong và ngoài nước còn hạn chế nên vacxin đang được ưu tiên tiêm trước cho người có nguy cơ cao mắc bệnh sẽ được ưu tiên tiêm vacxin. Có 11 nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao gồm:
- Những đối tượng ưu tiên tiêm vacxin COVID-19 đầu tiên
1.1 Nhân viên y tế
Nhân viên y tế là nhóm ưu tiên hàng đầu cần được tiêm vacxin COVID-19. Đây là nhóm người có nguy cơ cao phơi nhiễm và mắc COVID-19. Nhân viên y tế là những người đang làm việc trong các đơn vị chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám, viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người khuyết tật,… Các nhân viên y tế cần ưu tiên tiêm vacxin không chỉ có bác sĩ và điều dưỡng mà còn bao gồm cả nhân viên cấp cứu, kỹ thuật viên, trị liệu viên, nha sĩ, dược sĩ, nhân viên dinh dưỡng, nhân viên môi trường, nhân viên hành chính cũng cần được tiêm vacxin. Trong quá trình làm việc, các nhân viên y tế cũng có thể lây nhiễm virus cho người khác. Tiêm vacxin COVID-19 cũng là phương án để đảm bảo nguồn nhân lực y tế để điều trị cho các bệnh nhân.
1.2 Nhân viên tham gia phòng chống dịch.
Các nhân viên tham gia phòng chống dịch bao gồm ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, nhân viên khu vực cách ly, phóng viên,… Đây là những người có thể tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các bệnh nhân mắc COVID-19. Nếu không tiêm vacxin phòng COVID-19, những người thuộc nhóm này có khả năng mang mầm bệnh từ khu vực cách ly, bệnh viện điều trị tới các khu vực khác làm gia tăng bùng phát dịch ngoài cộng đồng.
1.3 Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
Những người bệnh từ nước ngoài trở về chưa được kiểm soát tình trạng bệnh mang theo nguy cơ lây nhiễm cho các các nhân viên hải quan, nhân viên xuất nhập cảnh. Ngoài ra, do tính chất công việc hàng ngày nhóm người này có thể tiếp xúc với rất nhiều người. Điều này có thể làm lây nhiễm bệnh cho nhiều người ở nhiều khu vực khác nhau. Khi đó sẽ rất khó kiểm soát dịch.
1.4 Lực lượng quân đội và lực lượng công an
Một trong những điểm khác biệt của Việt Nam với các nước khác trên thế giới là sự tham gia mạnh mẽ của lực lượng quân đội và công an trong công tác phòng chống dịch. Trong các khu vực cách ly, đây là lực lượng quản lý và có tiếp xúc trực tiếp với những người nghi nhiễm bệnh. Việt Nam là nước có đường biên giới dài và tiếp xúc với nhiều nước láng giềng. Chính vì vậy, lực lượng công an và quân đội cần được ưu tiên tiêm vacxin để phòng tránh nguy cơ mắc COVID-19 từ nước ngoài.
1.5 Giáo viên
Giáo viên là người tiếp xúc trực tiếp với lượng lớn học sinh hàng ngày. Trẻ em là một trong những nhóm yếu thế cần được bảo vệ trước dịch bệnh. Giáo viên chưa tiêm vacxin có thể làm gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ nhỏ. Giáo viên được tiêm vacxin COVID-19 cũng là phương án để đảm bảo quá trình và chất lượng giảng dạy trong dịch bệnh.
1.6 Người trên 65 tuổi
Người già có hệ miễn dịch suy yếu, virus có nhiều cơ hội tấn công cơ thể. Đây cũng là nhóm có nhiều bệnh lý mạn tính. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những người trên 65 tuổi là nhóm người có nguy cơ cao mắc nặng và tử vong do COVID-19.
1.7 Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu
Nhóm này bao gồm nhân viên hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước,… Những người thuộc nhóm này hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều người trong cộng đồng. Trong quá trình tiếp xúc vô tình có thể phơi nhiễm với virus gây bệnh. Người mắc bệnh chưa được phát hiện và cách ly có thể đưa mầm bệnh đi nhiều nơi. Điều này làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch trong diện rộng và rất khó kiểm soát.
1.8 Người mắc các bệnh mạn tính
Các bệnh mạn tính bao gồm: tăng huyết áp, suy tim, thoái hóa khớp, đái tháo đường, suy thận mạn, suy gan mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen,… Tỷ lệ tử vong do COVID-19 sẽ tăng cao ở những người có các bệnh lý nền. Tuy nhiên, vacxin COVID-19 chỉ được tiêm cho các bệnh nhân đã điều trị ổn định các bệnh lý trên.
1.9 Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài
Trong tình hình dịch còn nhiều phức tạp, những người xuất cảnh ra nước ngoài có thể đối mặt với nguy cơ mắc COVID-19 ở các nước sở tại. Sự khác biệt về tài chính và ngôn ngữ có thể mang đến nhiều rủi ro cho người bệnh khi ra nước ngoài. Ngoài ra, nhóm người này khi trở lại Việt Nam có thể mang theo mầm bệnh từ các nước khác. Chính vì vậy, đây là nhóm cần được ưu tiên tiêm vacxin COVID-19.
1.10 Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ
Vùng dịch là nơi có người mắc bệnh và được chính quyền địa phương xác định và phòng tỏa nghiêm ngặt. Người thuộc vùng dịch có nguy cơ cao tiếp xúc với người mắc bệnh và nhiễm bệnh cho người khác. Tiêm vacxin cho người thuộc vùng dịch giúp kiểm soát dịch dễ dàng hơn.
Xem thêm
2. Những người cần thận trọng trước khi tiêm vacxin COVID-19
Bên cạnh những người cần được ưu tiên tiêm vacxin còn có những nhóm người yếu thế, người có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe khi tiêm vacxin. Người thuộc các nhóm dưới đây cần trì hoãn, thận trọng khi tiêm vacxin COVID-19.
- Những người cần thận trọng trước khi tiêm vacxin COVID-19
2.1 Các nhóm đối tượng cần trì hoãn tiêm vacxin COVID-19
– Người đang mắc các bệnh cấp tính.
– Phụ nữ mang thai.
– Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
– Người điều trị bệnh bằng corticoid liều cao trong vòng 14 ngày trước thời điểm tiêm.
– Bệnh nhân đang điều trị hóa trị, xạ trị.
– Người có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19 trong vòng 90 ngày trước thời điểm tiêm.
– Người đã tiêm vacxin phòng các loại bệnh khác trong vòng 14 ngày trước thời điểm tiêm.
– Người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng trước khi tiêm.
– Người có bệnh lý liên quan đến giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu.
2.2 Các nhóm đối tượng cần thận trọng khi tiêm vacxin COVID-19
Trước khi tiêm, nhân viên y tế cần khám sàng lọc kỹ. Người tiêm chủng cần khai báo kỹ và thành thật. Những người thuộc nhóm này cần được tiêm chủng trong bệnh viện để đảm bảo an toàn khi xảy sốc phản vệ hay các hiện tượng bất thường khác.
– Người có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào.
– Người có bệnh lý nền nặng.
– Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
– Người có bệnh lý mạn tính chưa điều trị ổn định hoặc có ít nhất một trong các dấu hiệu sống bất thường.
- Mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút.
- Huyết áp tối thiểu nhỏ hơn 60mmHg hoặc lớn hơn 90mmHg.
- Huyết áp tối đa nhỏ hơn 90mmHg hoặc lớn hơn 140 mmHg.
- Nhịp thở trên 25 lần/ phút và hoặc SpO2 dưới 94%.
– Không tiêm vacxin với người có tiền sử sốc phản vệ từ độ 2 trở lên trong lần tiêm đầu tiên. Chống chỉ định tiêm khi dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vacxin.
Trên đây là các nhóm đối tượng ưu tiên và thận trong khi tiêm vacxin theo khuyến cáo từ Bộ Y tế. Tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp trong khi số lượng vacxin sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, mỗi người chúng ta hãy chủ động bảo vệ bản thân bằng cách tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
BS. Vũ Thị Anh Đào