Amidan và những điều cần biết
Thuật ngữ amiđan xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ (phiên âm thành amugdálê) có nghĩa là amande (hạnh nhân) do liên quan đến hình dáng của chúng. Amiđan vùng hầu họng là amiđan mà chúng ta có thể dễ dàng nhận biết nhất. Viêm amiđan cũng là một căn bệnh rất phổ biến mà hầu như ai cũng mắc phải.
Nội dung bài viêt
1. Amiđan là gì?
Thuật ngữ amiđan (amygdale) có thể dùng để chỉ nhiều thực thể khác nhau:
- Các amiđan họng, là hai khối mô lympho của họng mà thường biết đến với tên gọi amiđan khẩu cái;
- Các amiđan não, là hai nhân nằm sâu trong hai thùy thái dương và có vai trò trong các xúc cảm, các trạng thái như sợ hãi, lo lắng, stress, gây gổ, tình dục…
- Các amiđan tiểu não hay hạnh nhân tiểu não – tức là thùy IX của tiểu não.
Để thuận tiện cho danh pháp tiếng Việt và cũng vì đã thành thói quen, chúng tôi đề nghị gọi tất cả đều là ‘amiđan’ kèm theo tên từng vị trí giải phẫu của chúng: amiđan não, amiđan tiểu não, amiđan họng hay khẩu cái, amiđan hầu hay amiđan mũi – hầu (tiếng Anh là adenoids, tiếng Pháp là végétations adénoides (VA)), amiđan vòi, amiđan lưỡi.
2. Amiđan vùng hầu họng
- Amidan vùng hầu họng (ảnh sưu tầm)
2.1. Vị trí của amiđan
Amiđan họng là tên gọi của hai khối mô lymphô nằm hai bên phía sau họng – miệng. Chúng còn được gọi là amiđan khẩu cái. Hai amiđan lớn này cùng với các amiđan nhỏ khác hợp thành vòng mô lymphô Waldeyer. Chúng bao gồm: các amiđan mũi – hầu nằm ở phía sau hốc mũi, các amiđan vòi, các amiđan họng hay khẩu cái và các amiđan lưỡi.
2.2. Vai trò của amiđan vùng hầu họng
Các amiđan vùng hầu họng có chức năng chặn bắt các vi khuẩn, vi-rút và vi nấm có hại xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi-miệng, và tạo kháng thể giúp tạo ra sự đề kháng của cơ thể giống như một “tiền đồn” bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Vai trò bảo vệ miễn dịch này thể hiện rõ rệt trong giai đoạn trước 6 – 8 tuổi, sau đó sẽ giảm dần. Đến tuổi “teen” thì chức năng bảo vệ cơ thể qua trung gian miễn dịch sẽ được đảm nhiệm bởi các cơ quan khác như lách, tủy xương…
Khi bị nhiễm khuẩn, các amiđan vùng hầu họng sưng to, có các triệu chứng như ngạt mũi, nhiều khi phải thở đường miệng, khò khè, đau họng, khó nuốt, khó ngủ, sưng các hạch cổ và các vấn đề về tai. Khi amiđan bị viêm nhiễm kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, vai trò bảo vệ cơ thể không còn nữa và thay vào đó là các đợt viêm nhiễm làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Ở trẻ em, viêm amiđan có thể gây các biến chứng xa: thấp tim, viêm khớp, viêm thận…
3. Bệnh viêm amiđan mạn tính
Viêm amiđan mạn tính có biểu hiện khác nhau giữa trẻ em và người lớn.
3.1. Viêm amiđan mạn tính ở trẻ em
3.1.1. Nguyên nhân
Viêm amiđan mạn tính ở trẻ con thứ phát sau một rối loạn miễn dịch tại chỗ trong những năm đầu đời và có thể do lạm dụng kháng sinh.
3.1.2. Biểu hiện
Biểu hiện lâm sàng bằng đau họng lặp đi lặp lại, kéo dài, với các hạch bạch huyết sưng to ở cổ, kèm mệt mỏi. Khám thấy họng đỏ, các amiđan viêm cứng, có lớp bao màu trắng nhợt hay vàng che phủ, cũng có thể teo hoặc mềm, nặn chảy ra dịch đục hay mủ. Có các hạch cổ viêm mạn dưới góc hàm. Thử bạch cầu tăng, CRP tăng.
- Amiđan có mủ (ảnh sưu tầm)
3.1.3. Biến chứng
Tiến triển mạn tính, trẻ chậm lớn và chậm tăng cân, học hành chậm, có các biến chứng toàn thân hay tại chỗ (mũi-xoang, tai, khí-phế quản).
3.1.4. Điều trị
Dùng kháng sinh ít hiệu quả. Điều trị triệt để bằng cắt amiđan.
3.2. Viêm amiđan mạn tính ở người lớn
3.2.1. Nguyên nhân
Viêm amiđan mạn tính ở người lớn có đặc điểm là phản ứng xơ – sẹo quan trọng của các amiđan đi kèm với giảm khối lượng mô lymphô, tuy vậy các amiđan cũng có thể tăng kích thước (amiđan quá phát) ảnh hưởng đến sự phát âm cũng như giấc ngủ của người bệnh.
3.2.2. Triệu chứng
Các triệu chứng tại chỗ nặng vừa phải: đau họng một bên từng lúc kèm với đau tai, hơi thở hôi, trong đàm có các mảnh như bã đậu hôi thối, cơn ho kích ứng. Không có các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân. Khám thấy các amiđan nhỏ, bị kẹt giữa các cột trụ, các hốc amiđan đầy bã đậu, sờ nắn thấy các cục xơ sẹo, nhìn thấy các nang vàng nhạt do các hốc bị tắc.
3.2.3. Biến chứng
Diễn biến mạn tính, lành. Tuy vậy có thể bị các biến chứng tại chỗ (ổ áp-xe trong amiđan, viêm tấy quanh amiđan) hoặc toàn thân, và cũng rất kinh điển là cần phát hiện một tổn thương mạn tính của amiđan trong khi xác định một bệnh thận hay một bệnh thấp nhiễm trùng.
3.2.4. Điều trị
Dùng kháng sinh ít hiệu quả. Điều trị triệt để bằng cắt amiđan.
4. Cách phòng bệnh viêm amiđan
- Giữ ấm cho phần cổ họng khi trời lạnh.
- Giữ vệ sinh nhà cửa,thường xuyên làm sạch bụi bặm trên các thiết bị điện tử như quạt máy, điều hòa…
- Sử dụng khẩu trang chuyên dụng khi ra ngoài đường hoặc tới những môi trường nhiều khói bụi.
- Điều trị sớm các bệnh về răng miệng, tránh biến chứng gây hại tạo cơ hội cho viêm amidan tái phát.
- Ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế các thực phẩm có hại cho họng như đồ cay nóng, đồ lạnh, cứng…
- Cắt amidan nếu có chỉ định của bác sĩ. Áp dụng chế độ kiêng cữ, kháng viêm theo yêu cầu đã đề ra.
GS TS BS Phạm Kiên Hữu
ThS BS Trịnh Đình Hoa
Trích Tạp chí “Sống khỏe’ số 09 – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh