Bàn chân khoèo – Chẩn đoán và điều trị

Hỏi đáp: Chân vòng kiềng ở trẻ

Tư vấn: Phẫu thuật chỉnh hình chân bị vòng kiềng

Bàn chân khoèo là gì?

Bàn chân khoèo là một dị tật thường hay gặp, do bẩm sinh hoặc cũng có thể là hậu quả của bệnh bại liệt trẻ em. Tình trạng này có thể nặng hoặc nhẹ. Bàn chân bé bị xoay khiến lòng bàn chân không thể đặt bẹt lên nền đất. Gân gót thường ngắn hơn bình thường. Bàn chân ở vị thế gấp thành góc nhọn với cổ chân, trông giống với đầu gậy chơi gôn. Bàn chân khoèo thường xảy ra đơn độc nhưng cũng có thể kết hợp với các dị dạng bẩm sinh khác.

Bàn chân bé bị xoay khiến lòng bàn chân không thể đặt bẹt lên nền đất
Bàn chân bé bị xoay khiến lòng bàn chân không thể đặt bẹt lên nền đất

Dị tật này gặp ở khoảng 1/1000 trẻ sơ sinh. Tỷ lệ bị cả 2 chân khoảng 50%, trong đó bé trai chiếm nhiều hơn bé gái. Như vậy, mỗi năm ước tính trên thế giới có hơn 100.000 trẻ sinh ra bị bàn chân khoèo, trong đó 80% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Đa số trẻ không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Nếu không được điều trị, trẻ đi đứng sẽ không bình thường, bị tàn phế về thể chất, ảnh hưởng nặng đến tâm sinh lý, giảm cơ hội học hành và lao động về sau.

Bệnh này cần được điều trị sớm sau sinh và hiệu quả điều trị thường rất cao.

Triệu chứng

Có 3 biến dạng chính của bàn chân khoèo, xảy ra tại 3 khớp:

  • Đảo ngược tại khớp cận xương sên: đảo ngược hoàn toàn của phần phía sau bàn chân.
  • Bàn chân khép vào trong tại khớp sên – ghe.
Hai bàn chân của bé bi xoay vào trong
Hai bàn chân của bé bị xoay vào trong
  • Bàn chân ngựa và xoay vào trong tại khớp cổ chân, lòng bàn chân khiến người bệnh phải đi trên các ngón chân. Ngoài ra, các cơ bắp chân bên chân khoèo thường kém phát triển, gân gót ngắn hơn, bàn chân khoèo có thể ngắn hơn bàn chân kia khoảng 1cm.

Nguyên nhân

– Nguyên nhân của bệnh chưa rõ, tuy nhiên, trẻ bị bàn chân khoèo thường không phải do tư thế khi còn trong bụng  mẹ.  Một  số  trường  hợp  bàn chân  khoèo  kết hợp  với  các  dị  tật khác của bộ xương, ví dụ như bệnh gai đôi.

–  Môi  trường  sống:  bàn  chân  khoèo có  liên  quan  mật  thiết  với  việc  hút thuốc trong   thai kỳ, đặc biệt là khi gia đình có người bị dị tật này.

Các yếu tố nguy cơ

– Giới: nam giới có nguy cơ gặp gấp đôi nữ giới.
– Di truyền: thường gặp hơn khi bố mẹ hay con cái bị bàn chân khoèo. Nguy cơ cũng cao hơn khi có các dị tật bẩm sinh khác.
– Hút thuốc khi mang thai: nếu trong gia đình có người bị bàn chân khoèo, phụ nữ hút thuốc trong thai kỳ thì đứa trẻ sinh ra có nguy cơ bị gấp 20 lần bình thường.
– Mẹ không đủ dịch ối trong thai kỳ: đây cũng là một trong những yếu tố có nguy cơ cao hơn.
– Phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn hay sử dụng các thuốc cấm khi mang thai.

Biến chứng và di chứng

Không gây ra bất cứ một vấn đề nào cho đến khi tập đứng và tập đi. Nếu được điều trị, trẻ có thể bước đi gần như bình thường, có thể gặp một số khó khăn như:
– Vận động: hạn chế nhẹ.
– Cỡ giày: có thể nhỏ hơn so với bên chân kia.

Nếu không được điều trị, gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn:

– Viêm khớp
– Bước không bình thường: cổ chân bị xoay khiến trẻ không thể đi trên lòng bàn chân. Vì vậy, trẻ phải đi trên gót chân hoặc trên bờ ngoài hay trên đầu trước bàn chân trong những trường hợp nặng.

– Các vấn đề trong phát triển cơ bắp: điều chỉnh cách đi có thể giúp cho cơ bắp chân phát triển tự nhiên, tránh được các chai chân và dáng đi vụng về.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bàn chân khoèo không khó, dựa trên quan sát hình dạng và vị thế của bàn chân ngay sau sinh. Thông thường sẽ không cần đến chụp X-quang.
Trong quá trình mang thai, nếu thai phụ có đi khám và siêu âm thai định kỳ thì có thể phát hiện được dị tật bàn chân khoèo vào khoảng 3 tháng giữa thai kỳ, nhất là khi bị cả hai bên.
Tuy nhiên, không thể xử trí những trường hợp bàn chân khoèo trước sinh. Cần gặp gỡ chuyên gia tư vấn về di truyền hay bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình.

Điều trị bàn chân khoèo

Xương khớp trẻ em rất linh hoạt, các dây chằng cũng như bao khớp và các gân đều mềm dẻo. Vì vậy, từ 1 – 2 tuần lễ sau khi sinh nên bắt đầu điều trị nhằm thay đổi hình dạng và cơ năng của bàn chân trước khi trẻ tập đi. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây biến dạng nặng nề cho bàn chân, bắt buộc phải phẫu thuật rất phức tạp nhưng kết quả lại không tốt. Có một số phương pháp chữa bàn chân khoèo bẩm sinh như:

Kéo duỗi và bó bột (phương pháp Ponseti – Ignacio Ponseti là người Tây Ban Nha, về sau làm việc tại Đại học Iowa, Hoa Kỳ)
Đây là phương pháp rất hiệu quả, ít tốn kém, góp phần làm thay đổi hẳn tiên lượng của dị tật này, đặc biệt cho các nước đang phát triển.
Tiến hành: Nắn chỉnh bàn chân khoèo nhẹ nhàng, từ tốn và bó bột, đặt và bó lại 1 – 2 lần/tuần trong nhiều tháng. Về cuối có khi cần làm một phẫu thuật nhỏ để kéo dài gân Achille (phẫu thuật cắt gân Achille qua da). Phụ huynh tiếp tục kéo duỗi bàn chân bằng các bài tập, cho trẻ đi giày hoặc mang nẹp và đai cho bàn chân 24/24 trong khoảng 3 tháng. Ba năm tiếp theo chỉ mang về đêm.

Điều trị chân khoèo ở trẻ
Điều trị chân khoèo ở trẻ

 

Kéo duỗi và băng bó (phương pháp của Pháp)

Đây là một phương pháp cơ năng hay vật lý trị liệu: vận động bàn chân hàng ngày và giữ tư thế với băng keo; dùng máy để vận động bàn chân liên tục khi ngủ. Sau 2 tháng, ngừng điều trị 3 lần mỗi tuần cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi. Tiếp tục tập hàng ngày và mang nẹp về đêm cho đến tuổi biết đi.

Phẫu thuật khi bàn chân  khoèo  nặng  không  đáp  ứng với các điều trị không phẫu thuật: mổ kéo dài gân gót để dễ đưa bàn chân về đúng vị thế, bó bột 2 tháng và mang dây đeo trong một năm.

Phòng bệnh

Khi có thai cần lưu ý: không hút thuốc và tránh khói thuốc; không uống rượu; không dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

ThS BS Nguyễn Thành Nhân

Chuyên khoa Xương khớp – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Trích tạp chí “Sống khỏe” số 01 – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Tư vấn: Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ

Xe tập đi có thực sự giúp trẻ nhanh biết đi?

 

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận