Băng huyết sau sinh – tai biến sản khoa nguy hiểm
Băng huyết sau sinh là một cấp cứu trong sản khoa, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các sản phụ, chiếm 25% trên thế giới. Vậy băng huyết sau sinh là gì? các biện pháp phòng tránh và điều trị bệnh ra sao.
Nội dung bài viêt
1. Băng huyết sau sinh là gì?
Băng huyết sau sinh là một cấp cứu sản khoa, xuất hiện sau sinh thường, sinh mổ, sau phẫu thuật. Băng huyết sau sinh là tình trạng mất máu >500ml sau sinh ngả âm đạo, hoặc >1000ml sau sinh mổ lấy thai hoặc ảnh hưởng tổng trạng hoặc Hct giảm hơn 10% so với trước sinh.
- Băng huyết sau sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các sản phụ
Băng huyết sau sinh gây nhiều biến chứng nguy hiểm: shock, suy thận cấp, ADRS, rối loạn đông máu, hội chứng Sheehan.
Tỷ suất gặp:
- 4% sau sinh ngả âm đạo
- 6-8% sau sinh mổ lấy thai.
2. Triệu chứng lâm sàng của băng huyết sau sinh
- Chảy máu từ đường sinh dục: máu đỏ tươi hoặc máu bầm, máu cục, hoặc máu loãng. Lượng máu chảy ra có thể ít hoặc nhiều. Lượng máu đem cân được không thể phản ánh toàn bộ lượng máu sản phụ mất, cần đánh giá toàn trạng sản phụ.
- Máu ứ đọng trong buồng tử cung làm tử cung tăng thể tích. Đáy tử cung lên cao dần, to ra theo bề ngang mềm nhão.
- Các dấu hiệu lâm sàng toàn trạng băng huyết sau sinh cần lưu ý: da xanh, niêm mạc nhợt; tay chân lạnh; khát nước; mạch nhanh; huyết áp giảm.
- Dấu hiệu cận lâm sàng: giảm hồng cầu, hemoglobin, huyết sắc tố, rối loạn đông máu….
3. Biến chứng của băng huyết sau sinh? Băng huyết có nguy hiểm không?
Biến chứng: Bệnh nhân xảy ra nhiều biến chứng khác nhau phụ thuộc vào bệnh cảnh từng người: mất máu nhiều hay ít, cầm máu có tích cực hay không, bệnh nhân có thể choáng (giảm thể tích tuần hoàn), biến chứng suy thận, suy đa cơ quan, tử vong. Băng huyết sau sinh là yếu tố cực kỳ thuận lợi dẫn đến nhiễm trùng hậu sản.
Biến chứng lâu dài của băng huyết sau sinh có thể là viêm tắc tĩnh mạch, thiếu máu, hội chứng Sheehan, không thể có con (trong trường hợp phải cắt tử cung).
4. Xử lý băng huyết sau sinh
Khi băng huyết sau sinh vừa xảy ra, cần tiến hành nhanh chóng các phương pháp cầm máu và hồi sức tích cực, vừa tìm kiếm nguyên nhân, vừa điều trị triệu chứng song song nhau.
4.1. Hồi sức tích cực
Để sản phụ nằm đầu thấp, cho thở oxy. Xoa bóp thành bụng phần đáy tử cung, đè động mạch chủ giảm lưu lượng máu đến tử cung. Đảm bảo huyết áp sản phụ ổn định.
Theo dõi các chỉ số: huyết áp, mạch, nhịp thở, tri giác, niêm mạc. khi có chỉ định, truyền dịch, truyền tiểu cầu, yếu tố đông máu, truyền máu, thuốc vận mạch …
Tìm và xác định nguyên nhân gây băng huyết sau sinh, điều trị nguyên nhân. Rất có thể có nhiều nguyên nhân phối hợp gây băng huyết sau sinh, cần khám đường sinh dục một cách hệ thống, và khám cả các cơ quan khác để không bỏ sót.
Việc xác định kịp thời nguyên nhân gây băng huyết sau sinh là rất quan trọng, giúp bác sĩ điều trị nhanh chóng xử lý nguyên nhân, chấm dứt chảy máu
4.2. Cắt tử cung
Là giải pháp cuối cùng nhằm cứu tính mạng sản phụ. Với bệnh nhân lớn tuổi, có đủ số con có thể nghĩ đến giải pháp này đầu tiên. Tuy nhiên với bệnh nhân trẻ tuổi, có thể dùng thắt động mạch tử cung hoặc động mạch hạ vị hai bên.
Cắt tử cung là chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân nhau cài răng lược.
5. Dự phòng băng huyết sau sinh
Băng huyết sau sinh thường không có yếu tố nguy cơ trước đó, nên cần dự phòng cho tất cả các sản phụ.
5.1. Nguyên tắc dự phòng băng huyết sau sinh
- Một số nguyên tắc cần lưu ý:
- Tránh sản phụ chuyển dạ kéo dài
- Phòng ngừa nhiễm trùng nước ối
- Sử dụng thận trọng các loại thuốc mê, gây tê, giảm đau trong chuyển dạ
- Điều chỉnh rối loạn đông máu (nếu có).
- Không thực hiện các thủ thuật giúp sinh nếu chưa đủ điều kiện, không có chỉ định rõ ràng. Khi làm thủ thuật bảo đảm nhẹ nhàng, thực hiện đúng kỹ thuật.
5.2. Các biện pháp dự phòng băng huyết sau sinh
- Xác định nguyên nhân và xử trí ngay trường hợp có cơn co yếu, cơn co cường tính …
- Kiểm tra nhau thật kỹ, rà soát lòng tử cung ngay khi nghi ngờ có sót nhau thai. Vì sót nhau thai chính là một trong những nguyên nhân gây băng huyết.
- Kiểm tra tử cung nếu có vết mổ cũ, kiểm tra đường sinh dục nếu có thực hiện thủ thuật giúp sinh,
- Nạo phá thai không an toàn có thể dẫn tới tình trạng băng huyết. Vì vậy, sinh đẻ có kế hoạch để tránh tuyệt đối việc nạo phá thai.
- Cung cấp sắt, acid folic trong suốt thai kỳ để ngừa thiếu máu. Điều này sẽ giúp cho băng huyết sau sinh ít xảy ra hoặc nếu xảy ra với mức độ nhẹ, không biến chứng
Lưu ý: theo dõi sản phụ ít nhất 6 giờ sau sinh để kịp thời phát hiện băng huyết sau sinh xảy ra.
Các sản phụ nên đi khám thai định kỳ, để bác sĩ có thể chẩn đoán tiên lượng được cuộc chuyển dạ, đồng thời sản phụ sớm phát hiện được các bệnh lý nội khoa để điều trị sớm tốt cho việc sinh nở.
DS Nguyễn Thị Ngọc Vui
Theo Nội khoa Việt Nam