Tìm hiểu về bệnh Gout cùng Tiến sĩ Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh

Những cơn đau do gout thường khiến người bệnh đau đớn, khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống. Vậy, hãy cùng TS.BS Tăng Hà Nam Anh tìm hiểu xem bệnh gout là bệnh gì và cách điều trị gout như thế nào.

1. Bệnh gout là bệnh gì?

Bệnh gout (gout tiếng Anh hay goutte tiếng Pháp) là bệnh nằm trong nhóm bệnh lắng tụ các tinh thể, cụ thể ở đây là lắng tụ tinh thể monosodium urat trong các khớp do tình trạng acid uric  tăng cao  trong  máu… gây ra các đợt viêm khớp ngoại biên của chân tay, đặc biệt hay xảy ra ở ngón chân cái. Tình trạng viêm này là do các con bạch cầu – được ví như các lính chiến đấu trong cơ thể – gây ra khi đi dọn dẹp các tinh thể urat.

Hình ảnh khớp xương của bệnh nhân gout
Hình ảnh khớp xương của bệnh nhân gout (Ảnh internet)

Sở dĩ bệnh có tên là gout là vì ở những bệnh nhân này hay mọc ra các cục ở khuỷu, gối, ngón chân hay mắt cá hình tròn tròn dài dài như giọt nước (chữ gout hay goutte có nghĩa là giọt, cục).

Cơn gút cấp có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần và có thể tự bớt, nhưng nếu không điều trị thì các cơn này sẽ xuất hiện thường hơn và gây ra biến dạng hủy khớp gây tàn phế.

2. Tại sao lại bị tăng acit uric trong máu?

Đó là do thận không thải được acid uric hoặc do cơ thể tạo ra quá nhiều (do ăn uống, do bệnh lý như ung thư máu dạng lim-phô, thiếu máu tán huyết, vảy nến…) hoặc do bất thường trong chu trình tạo ra acid này.

Xem thêm: Tăng acid uric trong máu có phải là bị bệnh gout không?

3. Chẩn đoán bệnh Gout

Lâm sàng của cơn gout cấp khá đặc trưng nên thường có thể chẩn đoán được chỉ qua hỏi bệnh sử và thăm khám bệnh nhân, điển hình là viêm của khớp đốt  bàn – ngón  chân  cái đi kèm với nồng độ acid uric trong máu cao. Chẩn đoán  lâm  sàng  có độ chính xác hợp lý nhưng không đủ để quyết định trừ phi có các tinh thể acid uric chứng minh được. Acid uric trong máu cao tuy có giá trị trong chẩn đoán nhưng lại không có tính chuyên biệt.

Thử nồng độ acid uric trong máu thường là cao > 7 mg/dL. Dù không phải tất cả những người có acid uric cao trong máu đều là bị cơn gút, nhưng nếu nồng độ acid uric trong máu cao và kéo dài càng lâu thì càng có nhiều khả năng bị gout. Chúng tôi đã từng gặp những bệnh nhân kết quả thử acid uric bình thường (vì có thể đã uống thuốc trước đó) nhưng gối vẫn  bị sưng  và khi  nội soi  gối thấy các tinh thể acid uric lắng tụ đầy bên trong khớp và gây viêm màng bao khớp gối.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh gout

  • Cách tốt nhất để khẳng định chẩn đoán gout là chọc hút dịch trong khớp bị gout, đem soi dưới kính hiển vi để thấy các tinh thể monosodium urat hình  kim  hay tophi. Tuy  vậy, trong thực tế phương pháp này chỉ được thực hiện khi nào thật cần thiết.
  • Nhuộm gram và cấy dịch khớp, vì thường có sự kết hợp giữa gút với nhiễm khuẩn.
  • Chụp X-quang khớp cho thấy hình ảnh tổn thương xơ hóa xương dưới sụn hoặc có thể thấy các tophi ở các giai đoạn muộn.
  • Thử glucose và lipids trong máu, vì gút thường kết hợp với tăng đường – huyết và tăng mỡ – máu.

Xem thêm: Những sai lầm thường gặp trong chẩn đoán bệnh gout – TS.BS Tăng Hà Nam Anh?

4. Diễn biến của bệnh Gout

Hình ảnh các hạt tophi dưới da ở người bệnh gout
Hình ảnh các hạt tophi dưới da ở người bệnh gout (Ảnh internet)

Bệnh  thường  mở  đầu  bằng  các cơn gout cấp. Cơn gout cấp được định nghĩa là viêm khớp với sự lắng tụ các tinh thể urat trong các khớp, dẫn đến tình trạng viêm cấp và cuối cùng là sự hư hại các mô làm phá hủy khớp gây ra tàn phế. Cơn gout cấp có thể bị đẩy lùi bằng các thuốc hiện có và chế độ ăn kiêng nhưng nên nhớ rằng đây là loại bệnh không thể chữa dứt, nghĩa là bệnh nhân phải chấp nhận ăn kiêng và theo dõi bệnh suốt đời. Nếu không điều trị hoặc để cơn gout xảy ra nhiều lần sẽ gây ra hủy khớp đưa đến tàn phế, lúc đó phải cần đến các phẫu thuật tái tạo lại khớp.

Vỡ hạt tophi
Vỡ hạt tophi (Ảnh internet)

Những bệnh nhân bị các cơn gout cấp liên tiếp hay dai dẳng, nhiều năm sau sẽ chuyển sang gout mạn tính kèm các tophi. Tophi thường được coi là biến chứng muộn của gút. Đó là những cục thấy ở dưới da tại các khớp, các túi hoạt dịch, sụn, xương ở nhiều nơi trong cơ thể. Hạt tophi hình thành do sự lắng tụ các tinh thể urat. Tophi có thể vỡ ra ngoài da, có màu trắng hay vàng nhạt – trắng.

5. Các biến chứng của Gout

  • Khoảng 20% bệnh nhân gout bị sỏi thận do sự lắng tụ của chính các tinh thể urat và tinh thể calci lắng tụ gây ra sỏi. Sỏi có thể làm tắc nghẽn đường tiết niệu, đưa đến nhiễm trùng tiểu và có thể gây suy chức năng thận, nhiễm trùng tiểu… có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Giảm độ lọc của cầu thận.
  • Độ nặng của gút cũng liên quan đến một tỷ lệ cao của bệnh tim thiếu máu.
  • Tàn phế do hư hại nặng của các khớp.

Xem thêm: Những biến chứng nguy hiểm của bệnh gout có thể dẫn đến tàn phế

6. Cách điều trị bệnh gout

  • Đẩy lui các cơn gout cấp, ngăn ngừa các cơn gout xảy ra bằng các loại thuốc như: colchicine (có tác dụng giảm đau và kháng viêm, dùng để điều trị và dự phòng các cơn gout cấp), allopuriod (ức chế sự hình thành acid uric), các thuốc kháng viêm không steroid, các thuốc giảm đau khác.
  • Chế độ ăn kiêng các loại thực phẩm có quá nhiều purine như: thịt, các tạng động vật, một số hải sản, bột yến mạch, đậu nành…; có thể uống rượu tí chút (ít nhất có 3 ngày nhịn rượu hoàn toàn mỗi tuần), tránh uống bia đen nặng; uống nhiều nước và kiềm hóa nước tiểu bằng natri bicacbonat; bỏ thuốc lá; tập thể dục, giảm cân.
  • Theo dõi nồng độ acid  uric  định kỳ. Tuy nhiên cũng không phải kiêng cữ thái quá vì có thể dùng thuốc để tăng tốc độ thải trừ acid uric.
  • Điều trị phẫu thuật nội  soi khớp có vai trò làm sạch khớp. Cắt bớt bao hoạt dịch của khớp khi bị viêm nhiều lần gây dày, hạn chế vận động của khớp. Một khi khớp bị hư hoàn toàn thì có thể thay khớp bằng khớp nhân tạo.

Xem thêm: Tổng hợp các phương pháp điều trị gout?

Những ai đã lỡ bị bệnh này thì nên kiểm tra nồng độ acid uric trong máu thường xuyên. Nhớ dùng thuốc đều đặn. Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia và các thực phẩm giàu purin. Càng ít khởi phát cơn gout cấp càng làm giảm nguy cơ biến chứng tàn phế do gout gây ra.

Xem thêm: Người bị gout nên ăn gì? kiêng gì?

TS.BS Tăng Hà Nam Anh

CK Xương khớp – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Trích tạp chí “Sống khỏe” số 01 – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận