Bệnh hay quên: Nguyên nhân và cách phòng tránh
Bệnh hay quên hay còn được gọi với tên khác là đãng trí là một chứng rất phổ biến hiện nay. Nếu như trước kia chứng hay quên chúng ta thường gặp ở người cao tuổi do sự lão hóa của cơ thể nói chung và hệ thống thần kinh nói riêng thì ngày nay hội chứng hay quên xuất hiện ngày càng nhiều với xu hướng trẻ hóa, vậy chứng hay quên có phải là một bệnh hay không? Nguyên nhân và cách phòng tránh là gì, hãy cùng Thầy thuốc Việt Nam tìm hiểu với những thông tin dưới đây nhé.
Nội dung bài viêt
1. Chứng hay quên có phải là một bệnh không?
Bệnh hay quên
Trên thực tế, chứng hay quên hay còn gọi là mất trí nhớ là tình trạng quên hoặc không có khả năng nhớ lại những sự kiện trong quá khứ ở mức bất thường. Nó có thể bao gồm các sự kiện gần hoặc xa, có thể đột ngột hoặc từ từ, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Mặc dù quá trình lão hóa thông thường có thể dẫn đến khó khăn trong việc ghi nhớ, nhưng bản thân lão hóa thông thường không phải là nguyên nhân gây bệnh mất trí nhớ đáng kể trừ khi có bệnh kèm theo gây ra hội chứng mất trí nhớ.
2. Nguyên nhân gây bệnh hay quên
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến mắc chứng hay quên. Một số nguyên nhân chính phải kể đến đó là:
2.1. Do vấn đề về tâm lý
Bị trầm cảm và căng thẳng có thể khiến bạn khó chú ý, không tập trung hay quên, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, gây ra bệnh hay quên. Khi bạn bị căng thẳng, tâm trí bạn sẽ rất dễ bị kích thích quá mức. Căng thẳng do chấn thương tình cảm cũng có thể gây nên chứng mất trí nhớ hay quên.
2.2. Do thiếu ngủ
Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân gây chứng hay quên
Ngủ là điều cần thiết chúng ta phải làm hằng ngày để phục hồi lại cơ thể sau một ngày lao động, học tập. Giấc ngủ giúp chúng ta phục hồi về thể chất mà còn giúp não bộ có khoảng thời gian thư giãn, nghỉ ngơi giúp nơron thần kinh hoạt động tốt hơn. Cả thời gian và chất lượng của giấc ngủ đều rất quan trọng đối với trí nhớ. Ngủ quá ít hoặc thức dậy thường xuyên vào ban đêm có thể dẫn đến mệt mỏi, cản trở khả năng củng cố phục hồi của hệ thống thần kinh, lâu dần sẽ dẫn đến việc hay quên và mất tập trung.
2.3. Do thiếu tập trung
Thông thường, khi nhìn một sự việc, thông tin nào đó chúng ta thường cần phải tập trung và ghi nhớ mới có thể lưu giữ về chúng. Sự thiếu tập trung sẽ khiến não chúng ta nhanh chóng quên đi những thông tin vừa tiếp nhận. Nếu sự thiếu tập trung diễn ra thường xuyên, trí não rất dễ rơi vào trạng thái mơ hồ, khó tiếp nhận thông tin mới.
2.4. Do cách sắp xếp thiếu khoa học
Để nhà cửa bừa bộn, không ngăn nắp sẽ khiến bạn rất khó để nhớ ra vật dụng mình để ở vị trí nào trong nhà
Làm việc không có kế hoạch, lịch trình cụ thể rất dễ dẫn đến việc bạn quên một việc gì đó.
Hay chẳng hạn như việc bạn để nhà cửa bừa bộn, không ngăn nắp sẽ khiến bạn rất khó để nhớ ra vật dụng mình để ở vị trí nào trong nhà của bạn.
Mặc dù việc sắp xếp không khoa học có thể chỉ khiến bạn mắc chứng hay quên tạm thời, nhưng về lâu dài nó cũng sẽ là tiền đề khiến cho việc ghi nhớ của bạn bị ảnh hưởng đáng kể.
2.5. Do các yếu tố bệnh lý
Thông thường, bệnh hay quên do yếu tố bệnh lý thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Một số bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng mất tập trung hay quên này có thể kể đến bao gồm:
– Bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác
– Đột quỵ
– Đau tim hoặc suy hô hấp dẫn đến không đủ máu, oxy cung cấp cho não
– Bệnh tiểu đường: những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc chứng hay quên nhiều hơn so với người bình thường.
2.6. Do sử dụng thuốc và các chất gây nghiện
– Thuốc: Một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn có thể cản trở việc ghi nhớ của não bộ hoặc gây ra hội chứng hay quên. Nó có thể bao gồm: thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin, thuốc an thần, thuốc chống lo âu, thuốc giãn cơ, thuốc ngủ và thuốc giảm đau sau phẫu thuật,…
– Sử dụng thuốc lá, rượu bia và ma túy:
+ Thuốc lá: Hút thuốc lá gây hại cho trí nhớ bằng cách giảm lượng oxy lên não. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người hút thuốc lá thường xuyên lâu năm gặp nhiều vấn đề về ghi nhớ, dễ mắc bệnh hay quên hơn những người bình thường.
Các chất kích thích gây ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, gây hội chứng hay quên
+ Rượu bia và ma túy: có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thần kinh, đôi khi gây cảm giác tê liệt thần kinh, mất trí nhớ tạm thời. Sử dụng lâu dài những chất gây nghiện này gây tác động rất lớn đến não bộ, gây nên chứng hay quên.
3. Dấu hiệu của bệnh hay quên
Dấu hiệu của chứng hay quên
Dấu hiệu nhận biết của chứng hay quên bao gồm:
– Không có khả năng nhận dạng khuôn mặt và địa điểm
– Đầu óc không tập trung hay quên
– Mất trí nhớ, trí nhớ kém hay quên
– Lú lẫn
– Không có khả năng xử lý hoặc lưu trữ thông tin, kiến thức mới
– Tạo ra những ký ức sai lầm
– Sau khi phục hồi, người bệnh thường không có ký ức về giai đoạn mất trí nhớ của họ
Trong hầu hết trường hợp, chứng hay quên thường tự khỏi mà không cần điều trị. Sự hỗ trợ của gia đình, các liệu pháp tâm lý, thôi miên, nghe nhạc,… có thể giúp khôi phục trí nhớ, trị bệnh hay quên.
4. Cách phòng tránh bệnh hay quên
Một số hoạt động sau đây có thể hữu ích cho tăng cường hoạt động trí nhớ của bạn, phòng ngừa chứng hay quên:
– Giữ tinh thần tích cực: Biến các hoạt động trí não trở thành một phần thường xuyên trong cuộc sống của bạn. Ví dụ, học thêm cách chơi một nhạc cụ, chơi các môn như cờ vua, giải ô chữ hoặc đọc sách đều có thể mang lại sự kích thích lành mạnh cho tinh thần, cải thiện sự mất tập trung hay quên.
– Ngủ ngon: Thông thường nhu cầu cho giấc ngủ của người trưởng thành khoảng 7-8 tiếng một ngày. Ngủ không đủ giấc có thể liên quan đến chứng mất trí nhớ. Có một giấc ngủ ngon, đủ giấc sẽ giúp não bộ hoạt động tốt hơn vào ngày hôm sau.
Giấc ngủ ngon giúp phục hồi não bộ sau một ngày
– Vận động cơ thể mỗi ngày: Hoạt động thể chất làm tăng lưu lượng máu đến các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả não bộ. Điều này có thể giúp cho trí nhớ của bạn sắc nét hơn, cải thiện tình trạng hay quên mất tập trung.
Đối với người trưởng thành bình thường, các chuyên gia khuyến cáo nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho các hoạt động thể chất vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh, đạp xe hoặc 75 phút mỗi tuần cho các hoạt động mạnh mẽ hơn như chạy bộ. Sẽ tốt nhất nếu như hoạt động này được trải đều trong tuần. Nếu bạn không có thời gian, hãy cố gắng đi bộ nhiều nhất có thể các khoảng thời gian trong ngày.
– Luôn ngăn nắp: Bạn luôn có khả năng hay quên đồ đạc hơn nếu nhà cửa bừa bộn hoặc giấy ghi chép lộn xộn. Thực hiện ghi chép các nhiệm vụ, cuộc hẹn và các sự kiện trong cuốn sổ ghi chép sẽ giúp bạn hạn chế được chứng hay quên. Luôn cập nhật danh sách việc cần làm, đánh dấu công việc đã hoàn thành. Để những vật dụng nhỏ hay quên chẳng hạn ví, chìa khóa, kính,… ở một nơi cố định dễ tìm trong nhà.
Luôn gọn gàng ngăn nắp
Hạn chế việc làm quá nhiều công việc một lúc, việc này rất dễ khiến bạn sao nhãng và dễ rơi vào chứng hay quên. Nếu bạn tập trung vào thông tin bạn đang cố ghi nhớ, bạn sẽ có nhiều khả năng ghi nhớ lại thông tin đó sau này hơn.
– Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ góp phần cải thiện đáng kể hoạt động ghi nhớ của bạn.
+ Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt chẳng hạn như quả việt quất, rau bina, hạt óc chó,…trong khẩu phần ăn hàng ngày. Chọn các nguồn protein ít chất béo như cá, đậu, …
Các nguồn thực phẩm tốt cho trí não, ngăn ngừa chứng hay quên
+Hạn chế các đồ uống có cồn như rượu bia, đây là những chất kích thích ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống thần kinh.
+ Bổ sung nguồn thực phẩm chứa vitamin B1 và B12 sẽ góp phần cải thiện chức năng não bộ rất tốt.
– Dành thời gian cho người khác: Tương tác xã hội, tiếp xúc với những người xung quanh sẽ giúp tránh trầm cảm và căng thẳng. Bạn có thể tụ tập cùng bạn bè nói chuyện, tham gia các hoạt động xã hội, điều này sẽ cải thiện rất nhiều cho cảm xúc cũng như hoạt động trí não của bạn, góp phần giảm nguy cơ mắc chứng hay quên.
Mặc dù chứng hay quên không phải là một bệnh nặng, nhưng nó cũng ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, việc rèn luyện cho cơ thể một sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn trí não là điều vô cùng cần thiết để phòng ngừa chứng hay quên. Nếu phát hiện mình có những dấu hiệu của chứng hay quên, hãy đi gặp bác sỹ của bạn để được chẩn đoán và đưa ra những phương pháp điều trị tốt nhất.
DS Vũ Thị Nhung