Bệnh ho gà và cách điều trị

Bệnh ho gà là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp có tính chất cấp tính, gây ra bởi trực khuẩn ho gà, với các biểu hiện cơn ho gà đặc trưng, ho rũ rượi không kìm hãm và sau đó là thở rít như tiếng gà gáy.

Để tìm hiểu cụ thể hơn về các biến chứng của ho gà và cách điều trị, cũng như cách phòng tránh, mời các bạn cùng tham khảo qua bài viết dưới đây.

1. Ho gà có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh ho gà

Bệnh ho gà nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có khả năng kiểm soát bệnh tốt, nhưng trong trường hợp không phát hiện bệnh, để gây ra các biến chứng, có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm, thường phải nhập viện, thậm chí có thể tử vong.

Phân loại biến chứng theo độ tuổi

Trẻ sơ sinh và trẻ em

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa thực sự hoàn thiện, các cơ quan dễ bị tổn thương, nên khi nhiễm bệnh, các biến chứng xảy ra thường nguy hiểm, có đến 1 nửa số trẻ em dưới 1 tuổi phải nhập viện vì ho gà.

Ho gà ở trẻ em
Ho gà ở trẻ em (ảnh minh họa)

Trong số những biến chứng khiến trẻ phải nhập viện, bao gồm:

  • Ngừng thở, tạm dừng hô hấp (chiếm khoảng ⅔  số trẻ nhập viện)
  • Viêm phổi, nhiễm trùng phổi (chiếm khoảng ¼ số trẻ nhập viện). Đây là biến chứng nguy hiểm, dễ gây ra tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
  • Các biến chứng hiếm gặp hơn như viêm não, co giật hay tử vong

Thiếu niên và người lớn

Ở lứa tuổi này, các biến chứng ít nguy hiểm hơn sơn với ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường gây ra bởi các cơn ho dữ dội. Các biến chứng thường gặp, bao gồm:

  • Sút cân, mệt mỏi, kiệt sức, bất tỉnh, là hậu quả của các cơn ho dữ dội và kéo dài, cơ thể mất sức do phải gồng mình với các cơn ho.
  • Mất kiểm soát bàng quang
  • Gãy xương sườn do ho nặng

Phân loại biến chứng theo hệ cơ quan

Biến chứng hô hấp

  • Viêm phổi. Là biến chứng hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em, có thể gây tử vong do suy hô hấp. Biến chứng viêm phổi chiếm khoảng 20%, thường xảy ra vào khoảng tuần thứ 2 hay 3 của giai đoạn ho cơn, với tác nhân có thể do chính vi khuẩn ho gà gây nên, nhưng thường gặp do các tác nhân vi khuẩn thứ phát xâm nhập vào cơ thể. Bệnh nhân sốt cao, nghe phổi có nhiều tiếng ran ẩm, ran nổ, khó thở.
  • Viêm phế quản: trẻ thường sốt cao, nghe phổi có nhiều tiếng ran rít, ran ngáy, trong trường hợp đặc biệt có thể khạc ra đờm, mủ. Khi xét nghiệm thấy bạch cầu đa nhân trung tính ở máu ngoại vi tăng cao.
  • Xẹp phổi (chiếm tỉ lệ thấp hơn, chỉ khoảng 5%), nguyên nhân do các nút nhầy làm bít tắc các phế quản nhỏ
  • Dãn phế quản: thường là hậu quả của bội nhiễm phế quản, phổi và cũng thường khó phát hiện trên hình ảnh X quang thông thường.
  • Vỡ phế nang, tràn khí phế nang

Biến chứng thần kinh

  • Viêm não là một trong những biến chứng nặng về thần kinh, có nguy cơ gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Trẻ hôn mê, sốt cao, li bì hay co giật, có thể để lại các di chứng như liệt nửa người, liệt chi,…
  • Co giật, thường gặp ở trẻ sơ sinh
  • Bệnh não cấp, còn gọi là chứng kinh giật ho gà

Biến chứng cơ học

Lồng ruột, thoát vị rốn, bẹn, vỡ cơ hoành, bầm tím dưới mí mắt, chảy máu nội sọ,…

2. Bệnh ho gà và cách điều trị

Với người lớn và thể nhẹ, người mắc bệnh có thể điều trị tại nhà mà không phải nhập viện, chỉ các trường hợp trẻ em, trẻ sơ sinh nên nhập viện để tiện theo dõi điều trị.

Người mắc ho gà uống thuốc gì và điều trị như thế nào, phụ thuộc vào mục đích điều trị, điều trị triệu chứng hay căn nguyên gây bệnh.

Điều trị triệu chứng

Điều trị làm giảm và cắt cơn ho

Codein chữa ho dùng cho người lớn, không dùng cho trẻ em.

Không tùy ý sử dụng thuốc ho nếu không có chỉ định của bác sĩ, việc lạm dụng thuốc ho đôi khi có thể làm mờ các triệu chứng của bệnh.

Khi nôn nhiều

Dùng Primperan 0,5-1 ml/ngày.

Khi có khó thở

  • loại bỏ dịch đờm bằng cách móc hút đờm dãi
  • thở oxy

Điều trị đặc hiệu

Sử dụng kháng sinh để điều trị đặc hiệu.

Erythromycin- 50 mg/kg/ngày trong 14 ngày

Hạn chế bội nhiễm bằng amoxycillin hoặc cephalosporin

Điều trị phối hợp

  • Với trẻ nhỏ, cho ăn lỏng để dễ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để hạn chế ảnh hưởng, mất dinh dưỡng nếu trẻ nôn nhiều. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết, các vitamin và khoáng chất, nước, điện giải. Nếu trẻ nôn quá nhiều, không thể ăn thì tiến hành truyền dịch.
  • Với trẻ bú mẹ cần cho bú nhiều lần, hút đờm dãi thường xuyên

3. Cách điều trị biến chứng

Trường hợp bệnh nhân có xuất hiện biến chứng, cần đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu, theo dõi và điều trị hiệu quả nhất.

  • biến chứng bội nhiễm hô hấp: sử dụng các kháng sinh để hạn chế vi khuẩn
  • biến chứng viêm não: điều trị tích cực chống phù não, đề phòng, theo dõi và xử trí các cơn co giật

4. Cách phòng tránh biến chứng

  • Để phòng tránh biến chứng, nên sử dụng kháng sinh vào thời kỳ đầu của bệnh để tiêu diệt sớm vi khuẩn và hạn chế lây nhiễm. Điều trị muộn hầu như không có tác dụng vì khi đó vi khuẩn đã kịp gây nên các tổn thương trên hệ hô hấp.
  • Ngay khi thấy những dấu hiệu ho cần đến cơ sở y tế tiến hành thăm khám để xác định bệnh và có hướng xử trí nhanh chóng và kịp thời.
  • Tiến hành tiêm vacxin phòng bệnh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cũng như hạn chế mức độ nặng của các biến chứng.
  • Trong quá trình mang bệnh cần bổ sung dưỡng chất, nước, điện giải đầy đủ, vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
Vacxin 6 trong 1 :Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Viêm gan B, Bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae
Vacxin 6 trong 1 :Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Viêm gan B, Bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae

Hi vọng với bài viết trên, đã đưa tới các bạn những thông tin cơ bản nhất về các biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà và cách điều trị, cũng như phương pháp phòng tránh biến chứng hiệu quả.

DS. Trần Phan

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận