Bệnh hở van tim 2 lá: Nguyên nhân – Biểu hiện – Cách phòng tránh
Quả tim của chúng ta có bốn buồng tim được gọi là nhĩ trái, nhĩ phải ở phía trên, thất trái, thất phải ở phía dưới, bốn van tim là van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi. Để đảm bảo hoạt động bình thường của tim, các cấu trúc này phải bình thường. Hở van hai lá là một bệnh lý khá thường gặp, về lâu dài bệnh hở van hai lá sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong cơ thể và có thể dẫn đến suy tim. Vậy chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng tránh bệnh hở van tim 2 lá là như thế nào?
Nội dung bài viêt
1. Bệnh hở van tim 2 lá là gì?
Van hai lá là van nằm giữa nhĩ trái và thất trái, khi van mở máu sẽ lưu thông từ nhĩ trái xuống thất trái, khi thất trái co bóp, máu sẽ qua van động mạch chủ đi nuôi cơ thể, lúc đó van hai lá đóng kín. Hở van hai lá là tình trạng hai lá van của hai lá đóng không kín, làm cho dòng máu chảy ngược từ thất trái về nhĩ trái khi tim co bóp. Do lượng máu trào ngược từ nhĩ trái cộng thêm lượng máu bình thường từ phổi đổ về làm tăng lưu lượng máu ở tim trái, nếu hở van hai lá kéo dài có thể gây giãn lớn nhĩ trái và thất trái.
Cấu tạo giải phẫu các buồng tim và các van tim
2. Nguyên nhân gây bệnh hở van tim 2 lá
Cấu trúc van hai lá gồm có vòng van, lá van, dây chằng và cơ trụ. Bất thường xảy ra ít nhất một trong bốn thành phần này đều có thể gây nên bệnh hở van tim 2 lá.
2.1 Bệnh lý lá van
- Di chứng thấp tim: xơ hoá, dày, vôi, co rút lá van
- Thoái hoá nhầy: Làm di động quá mức lá van
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (VNTMNK) gây thủng lá van, co rút lá van khi lành bệnh.
- Phình lá van do dòng hở van ĐMC (do VNTMNK) tác động lên van hai lá
- Bẩm sinh:
- Xẻ, nứt van hai lá: Đơn thuần hoặc phối hợp (thông sàn nhĩ thất)
- Van hai lá có hai lỗ van
- Bệnh cơ tim phì đại
2.2 Bệnh lý vòng van hai lá
- Giãn vòng van
- Vôi hoá vòng van
2.3 Bệnh lý dây chằng
- Thoái hoá nhầy gây đứt dây chằng
- Di chứng thấp tim: dày, dính, vôi hoá dây chằng
2.4 Bệnh lý cột cơ
- Nhồi máu cơ tim gây đứt cột cơ nhú
- Rối loạn hoạt động cơ nhú
- Bẩm sinh: dị dạng, van hình dù, …
Cấp tính | Mạn tính |
|
|
Các nguyên nhân gây bệnh hở van tim 2 lá thường gặp
3. Triệu chứng của bệnh hở van tim 2 lá
Triệu chứng khó thở, đau ngực trong bệnh hở van tim hai lá
Đa phần những người bệnh bị hở van hai lá đều không biểu hiện triệu chứng ở mức độ nhẹ hoặc vừa. Triệu chứng của bệnh hở van tim 2 lá phụ thuộc vào mức độ nặng của hở van, mức độ tiến triển, nguyên nhân gây hở van.
- Phù phổi (khó thở khi nghỉ, khi nằm) hoặc sốc tim (do giảm thể tích tống máu) là triệu chứng chính của hở van hai lá nặng, cấp, mới xuất hiện.
- Bệnh hở van tim 2 lá mạn tính thường không biểu hiện triệu chứng gì trong nhiều năm ngoài một tiếng thổi ở tim. Đợt tiến triển của hở van hai lá thường xuất hiện khó thở khi gắng sức, nặng hơn sẽ xuất hiện khó thở ngay cả khi nằm và cơn khó thở kịch phát về đêm.
- Bị bệnh hở van tim 2 lá lâu ngày sẽ xuất hiện triệu chứng của suy tim trái như khó thở tăng dần, khó thở về đêm, có thể gây ho khan, ho ra máu hoặc khạc đờm có bọt hồng. Triệu chứng của suy tim phải như tĩnh mạch cổ nổi, phù hai chi dưới.
- Loạn nhịp hoàn toàn (Rung nhĩ) thường gặp do hậu quả của giãn tâm nhĩ trái
- Mệt (do giảm thể tích tống máu và cung lượng tim).
4. Bệnh hở van tim 2 lá có nguy hiểm không?
Mức đô nguy hiểm của bệnh hở van tim 2 lá tùy thuộc vào mức độ nặng của hở van và nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân hở van hai lá nhẹ đến vừa thường không có triệu chứng và hầu như không hề ảnh hưởng đến sức khỏe trong một vài năm. Tuy nhiên hở van hai lá do bệnh lý gốc từ van hai lá thường tiến triển nặng dần dẫn tới rối loạn chức năng tim trái.
Hở van hai lá nặng mạn tính thường có xu hướng biểu hiện rối loạn chức năng tim trái trong vòng 6 – 10 năm.
Trường hợp bị bệnh hở van tim 2 lá nặng do sa lá sau của van, sau 10 năm, 90% bệnh nhân chết hoặc phải phẫu thuật thay van. Tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân bị hở van hai lá nặng do sa lá sau là 6-7% mỗi năm. Tuy nhiên nhóm bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hơn là nhóm bệnh nhân có chức năng tim trái giảm nhiều và biểu hiện khó thở nặng độ III, IV (Khó thở cả khi sinh hoạt nhẹ nhàng, khi nằm).
Vì vậy để biết được bệnh hở van tim 2 lá có nguy hiểm không, người bệnh cần đi khám thường xuyên để tìm ra nguyên nhân hở van cũng như mức độ hở van trên siêu âm để biết mức độ bệnh.
Các tác giả | Nhẹ
Độ I (cm2) |
Vừa
Độ II (cm2) |
Nặng
Độ III (cm2) |
Rất nặng
Độ IV (cm2) |
Nguyễn Lân Việt | <0.1 | 0.1 – 0.25 | 0.25 – 0.5 | > 0.5 |
Theo ACC/ AHA (2006) | < 0.2 | 0.2 – 0.39 | >= 0.4 |
Phân độ hở hai lá dựa trên diện tích lỗ hở hiệu dụng (EROA) theo phương pháp PISA
5. Điều trị bệnh hở van tim 2 lá như thế nào?
Các phương pháp điều trị bệnh hở van tim 2 lá được lựa chọn theo mức độ nặng của bệnh và nguyên nhân gây bệnh.
- Bệnh hở van tim 2 lá nhẹ (Hở 1/4 ) không cần thiết điều trị đặc hiệu, chỉ cần siêu âm định kỳ 6 tháng – 1 năm để theo dõi diễn tiến của bệnh.
- Bệnh hở van tim 2 lá trung bình (Hở 2/4 – 3/4 ) cần tìm nguyên nhân để điều trị can thiệp nguyên nhân.
- Những trường hợp bệnh hở van tim 2 lá nặng (Hở 3/4 -4/4 ) có triệu chứng biểu hiện rầm rộ, giãn lớn các buồng tim, chức năng tim suy giảm nhiều cần điều trị phẫu thuật sửa hoặc thay van tim.
5.1 Theo dõi định kỳ
Khám và siêu âm tim định kỳ để biết mức độ, điều trị bệnh hở van tim 2 lá
- Người bị bệnh hở van 2 lá nhẹ không có triệu chứng, không có bằng chứng giãn thất trái, rối loạn chức năng thất trái hoặc tăng áp lực động mạch phổi chỉ cần theo dõi đều hàng năm đồng thời đến khám ngay khi có biểu hiện triệu chứng.
- Người bị bệnh hở van 2 lá mức độ vừa cần được theo dõi bằng việc khám và làm siêu âm tim định kỳ hàng năm hoặc ngay khi có biểu hiện triệu chứng.
- Người bị bệnh hở van 2 lá nặng không có triệu chứng cần đến khám và siêu âm tim 6-12 tháng/ lần để đánh giá tiến triển của bệnh. Nếu có biểu hiện triệu chứng cần đi mổ ngay.
5.2 Điều trị nội khoa (Dùng thuốc)
Thuốc tim mạch điều trị bệnh hở van hai lá
- Dùng kháng sinh phòng thấp tim tái phát lâu dài (đến 40 tuổi hoặc hơn) nếu bệnh hở van tim 2 lá do thấp tim.
- Điều trị các bệnh nội khoa kết hợp với bệnh hở van tim 2 lá như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim,…
- Điều trị suy tim nếu bệnh nhân có triệu chứng hay suy giảm chức năng tim trên siêu âm tim. Các thuốc điều trị suy tim bao gồm thuốc thuốc chẹn beta, lợi tiểu, chẹn thụ thể angiotensin II hoặc ARNI (Sacubitril + Valsartan), ức chế men chuyển. Nếu người bệnh có kèm bệnh tim mạch do xơ vữa cần dùng thêm thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, ticagrelor, prasugrel) hoặc thuốc giảm cholesterol máu (statin, ezetimibe).
- Bệnh nhân bị rung nhĩ cần sử dụng thuốc chống đông để đề phòng huyết khối gây tắc mạch và thuốc làm chậm tần số tim như thuốc chẹn beta giao cảm.
5.3 Điều trị can thiệp
Phẫu thuật can thiệp sửa van hai lá trong bệnh hở van tim 2 lá
Khi bệnh nhân bị bệnh hở van tim 2 lá từ vừa đến nặng nếu đã có triệu chứng thì cần được điều trị can thiệp sớm. Điều trị can thiệp gồm phẫu thuật (sửa hoặc thay van nhân tạo) hoặc sửa van qua da.
- Nếu cấu trúc van thích hợp để sửa thì lựa chọn việc phẫu thuật sửa van. Trường hợp van hư nặng, vôi hoá nhiều không thể sửa thì bắt buộc phải thay van nhân tạo. Sau khi thay van nhân tạo, người bệnh cần uống thuốc chống đông để phòng ngừa xuất hiện cục máu đông gây kẹt van. Đối với van sinh học, thời gian uống kháng đông là 3 tháng nếu không kèm bệnh rung nhĩ. Nếu thay van cơ học hoặc bệnh nhân đã có rung nhĩ thì uống thuốc kháng đông suốt đời.
- Sửa van hai lá qua da (Mitraclip): Bác sĩ đưa một ống thông theo mạch máu ở đùi đi vào nhĩ trái, xuống thất trái, sau đó đưa một kẹp bằng kim loại vào giữa hai mép van chỗ bị hở và kẹp lại. Phương pháp này không sửa van triệt để như mổ tim hở, chỉ áp dụng trong trường hợp bệnh nhân nặng không thể phẫu thuật được, điều trị thuốc tối đa rồi nhưng triệu chứng suy tim không giảm, phải nhập viện nhiều lần.
6. Cách phòng tránh bệnh hở van tim 2 lá
Để phòng ngừa bệnh hở van tim 2 lá, cần thực hiện:
- Điều trị các bệnh nội khoa có nguy cơ cao đưa đến hở van hai lá nặng như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim, …
- Phòng tránh bệnh thấp tim bằng cách sống ở môi trường vệ sinh sạch sẽ, tránh nơi ở chật chội, đông người kém vệ sinh, giữ vệ sinh răng miệng tốt và điều trị sớm viêm họng. Nếu người bệnh đã từng bị thấp tim và có di chứng hẹp hở van hai lá cần uống kháng sinh phòng thấp tim tái phát đến năm 40 tuổi hoặc lâu hơn.
- Ăn chế độ ăn tốt cho tim mạch, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá.
- Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
- Luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày, tuỳ theo sức khoẻ mỗi người, trung bình khoảng 30-45 phút, 5-7 ngày/ tuần.
Phòng bệnh hở van tim 2 lá
Bệnh hở van tim 2 lá nhìn chung không phải là bệnh lý quá nặng nề trong các bệnh lý tim mạch nhưng người bệnh cần biết cách phòng tránh cũng như đi khám tim mạch, siêu âm tim định kỳ một năm một lần nhằm phát hiện sớm bệnh và mức độ bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
BS Trần Hưng Trà