Bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không?
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn dịch gây viêm và tổn thương các mô. Mức độ nguy hiểm của lupus ban đỏ phụ thuộc vào việc bệnh có gây tổn hại đến các cơ quan nội tạng không và những bệnh lý nền kèm theo. Vậy bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không? Nguy hiểm như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nội dung bài viêt
- 1. Bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không?
- 2. Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ
- 2.1. Tổn thương thận ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống
- 2.2. Tổn thương tim mạch ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống
- 2.3. Tổn thương thần kinh ở người bệnh lupus ban đỏ hệ thống
- 2.4. Tổn thương phổi ở người bệnh lupus ban đỏ hệ thống
- 2.5. Loãng xương ở người bệnh lupus
- 2.6. Biến chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai mắc lupus ban đỏ hệ thống
- 2.7. Các rối loạn tâm thần có thể gặp ở người bệnh lupus ban đỏ hệ thống
- 3. Bệnh lupus ban đỏ có lây không?
- 4. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống có chữa được không?
- 5. Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân lupus ban đỏ
1. Bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không?
Những bệnh được coi là nguy hiểm khi nó có thể gây ra cái chết cho người mắc và lupus ban đỏ là một trong số đó..
Mức độ nguy hiểm của bệnh lupus ban đỏ có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Lupus ban đỏ là một bệnh mãn tính, tự miễn dịch, có thể gây tổn thương bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, bao gồm da, khớp và các cơ quan nội tạng như tim, thận, thần kinh…. Bệnh có thể gây tàn tật, thậm chí có thể giết chết một người bằng cách những cơn đột quỵ hoặc nhiễm trùng nặng.
- Lupus ban đỏ có nguy hiểm không?
2. Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn dịch phức tạp, thường tiến triển với các biến chứng nặng. Trong lupus ban đỏ hệ thống, các tự kháng thể xuất hiện gây tình trạng viêm toàn thân và phá hủy nhiều mô, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm thận, tim, phổi, não, máu và da. Không chỉ bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây ra các biến chứng nguy hiểm mà ngay cả các thuốc điều trị bệnh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe cho người mắc.
2.1. Tổn thương thận ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống
Tổn thương thận là một trong những biến chứng nặng nề nhất ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống. Quá trình lắng đọng các phức hợp miễn dịch trong thận có thể ngăn cản thận lọc chất thải và chất độc ra khỏi máu một cách hiệu quả, kết quả là viêm thận lupus. Người bệnh có thể có tình trạng tiểu máu, phù, huyết áp cao, nhiều trường hợp tiến triển thành suy thận.
Tổn thương thận là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến do bệnh lupus gây ra. Tỷ lệ mắc bệnh thận ở người bệnh lupus khá cao, khoảng 50% ở người lớn và 80% ở trẻ em. Viêm thận lupus phổ biến nhất ở những người từ 20 đến 40. Bệnh thường bắt đầu trong vòng 5 năm kể từ khi bạn có các triệu chứng lupus đầu tiên.
Ngoài viêm thận lupus, người bệnh cũng có thể gặp 1 số biến chứng khác liên quan đến hệ tiết niệu như nhiễm trùng tiết niệu, viêm bàng quang.
2.2. Tổn thương tim mạch ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống
Biến chứng tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người mắc bệnh lupus. Lupus có thể làm viêm túi xung quanh tim, gây ra những cơn đau nhói ở ngực. Theo thời gian, tình trạng viêm có thể cản trở khả năng bơm máu của tim.
Dạng tổn thương tim mạch phổ biến nhất là bệnh mạch vành. Các nghiên cứu cho thấy lớp nội mô bên trong mạch máu bị tổn thương trong bệnh lupus và quá trình sửa chữa diễn ra chậm hơn. Điều này tạo điều kiện hình thành các mảng xơ vữa.
Bên cạnh đó các thuốc điều trị bệnh lupus như prednisone và medrol, có thể gây huyết áp cao, cholesterol cao và đái tháo đường, tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Liều càng cao và thời gian điều trị càng dài thì nguy cơ mắc bệnh tim càng cao.
Trong giai đoạn lupus ban đỏ bùng phát nguy cơ bị viêm màng ngoài tim cũng tăng lên. Một số người bị lupus có thể có van tim hơi dày, khiến họ dễ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Một số người có van tim bị hỏng có thể cần phẫu thuật để thay van. Viêm cơ tim không phổ biến nhưng có thể dẫn đến các vấn đề về rối loạn nhịp tim.
2.3. Tổn thương thần kinh ở người bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Não và hệ thần kinh là một trong các cơ quan bị tổn thương trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống dẫn đến một loạt hội chứng thần kinh phức tạp. Kháng thể kháng phospholipid thường gặp ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống là tác nhân làm tăng tỷ lệ biến chứng thần kinh.
- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đột quỵ xảy ra ở những người bị lupus ban đỏ hệ thống nhiều hơn so với dân số chung. Nhồi máu não gặp ở khoảng 20% bệnh nhân lupus.
- Viêm màng não vô khuẩn tự miễn dịch không chỉ là biến chứng do bệnh mà còn là biến chứng do thuốc điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống
- Co giật có thể xảy ra ở khoảng 5% số người mắc bệnh lupus.
- Bệnh tủy sống là một biến chứng thần kinh không phổ biến nhưng nghiêm trọng ở những người mắc bệnh lupus như viêm tủy cắt ngang…
- Bệnh thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ở khoảng 8% bệnh nhân lupus, biểu hiện chủ yếu dưới dạng bệnh đa dây thần kinh đối xứng.
- Bệnh thần kinh thị giác, biểu hiện như viêm dây thần kinh thị giác hoặc bệnh thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ, đã được quan sát thấy trong SLE
- Đau đầu, chóng mặt hoặc lú lẫn là những biểu hiện có thể gặp ở người bệnh lupus.
2.4. Tổn thương phổi ở người bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Khoảng 1 trong số 3 người bị lupus bị viêm mô quanh phổi với những triệu chứng như khó thở, ho hoặc đau ngực, nặng hơn khi thở sâu.
Các vấn đề về phổi ít phổ biến hơn với bệnh lupus bao gồm sốt, ho và viêm mô phổi (viêm phổi do lupus cấp tính). Một số người mắc bệnh lupus tạo ra một loại kháng thể khiến máu của họ dễ đông máu hơn (kháng thể kháng phospholipid). Những người này có thể có nguy cơ bị cục máu đông trong phổi (thuyên tắc phổi ). Một biến chứng bất thường là sự tích tụ chất lỏng trong phổi (phù phổi), gây ra các vấn đề về tim hoặc thận.
2.5. Loãng xương ở người bệnh lupus
Theo ước tính, 25% phụ nữ tiền mãn kinh mắc bệnh lupus bị loãng xương. Thuốc điều trị lupus có thể gây mất xương, dẫn đến loãng xương, một tình trạng khiến xương yếu và gãy. Ngoài ra, đau và mệt mỏi có thể khiến phụ nữ bị lupus không thể hoạt động thể chất. Vì vậy, duy trì hoạt động có thể giúp ngăn ngừa mất xương.
- Nguy cơ loãng xương ở người bệnh lupus ban đỏ
2.6. Biến chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai mắc lupus ban đỏ hệ thống
Phụ nữ bị lupus ban đỏ hệ thống vẫn có thể mang thai, tuy nhiên trong quá trình mang thai rất có thể sẽ gặp 1 số biến chứng như tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc thai lưu. Tiền sản giật có thể xảy ra ở phụ nữ mắc viêm thận lupus.
Các thuốc điều trị lupus ban đỏ hệ thống là những thuốc ức chế miễn dịch mạnh với nhiều tác dụng phụ có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng ở phụ nữ mang thai như tăng huyết áp, đái tháo đường… hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Trẻ sinh ra có thể mắc lupus ban đỏ hệ thống, gan to, lách to hoặc rối loạn nhịp tim…
2.7. Các rối loạn tâm thần có thể gặp ở người bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống có thể dẫn đến các hạn chế trong hoạt động thể chất, tinh thần và giao tiếp xã hội của một người. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến họ thấy mệt mỏi, căng thẳng và dễ thay đổi cảm xúc.
- Những người mắc bệnh lupus tiếp xúc với một số chất sinh học có thể gây ra rối loạn tâm thần, đặc biệt là corticosteroid và các kháng thể lưu hành chống lại NMDA-R. Mối liên quan cũng đã được xác định giữa rối loạn tâm thần trong bệnh lupus và kháng thể kháng ribosomal-P, có thể phản ứng chống lại các kháng nguyên bề mặt tế bào thần kinh.
- Trầm cảm và lo lắng là tình trạng phổ biến ở những người mắc bệnh mãn tính. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi khoảng 15% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lupus phát triển chứng rối loạn tâm trạng và 5% mắc chứng rối loạn lo âu.
3. Bệnh lupus ban đỏ có lây không?
Lupus ban đỏ là bệnh không lây. Cũng giống như đa phần các bệnh tự miễn khác thường có xu hướng xảy ra ở những người có cùng huyết thống nhưng lupus ban đỏ không phải là loại bệnh lây nhiễm giống như các bệnh truyền nhiễm khác. Bệnh là do sự tương tác giữa các gen nhạy cảm và các yếu tố môi trường dẫn đến mất khả năng tự dung nạp miễn dịch không đảo ngược.
4. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống có chữa được không?
Tỷ lệ mắc và tử vong của bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một chủ đề được nhấn mạnh nhiều trong y văn, tuy nhiên hầu như không báo cáo về phương pháp chữa khỏi căn bệnh này. Trong những thập kỷ gần đây, tuổi thọ của người bệnh lupus đã được cải thiện, nhưng chất lượng cuộc sống có vẻ kém hơn so với các bệnh mãn tính khác và với dân số nói chung. Quá trình bệnh sinh rất phức tạp và chưa được hiểu đầy đủ, vì vậy bệnh nhân đã được điều trị bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch không đặc hiệu. Nhưng trong những năm gần đây, do những tiến bộ của khoa học cơ bản, các liệu pháp nhắm mục tiêu đã được phát triển. Bất chấp những tiến bộ đã đạt được trong việc điều trị lupus ban đỏ hệ thống, hiện tại việc chữa khỏi bệnh dường như vẫn là câu chuyện của tương lai. Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào có thể khống chế phản ứng tự miễn dịch trong bệnh lupus và các giải pháp hiện nay chỉ dừng ở việc kiểm soát và dự phòng biến chứng.
Xem thêm
5. Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân lupus ban đỏ
Đối với bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống việc tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ là vô cùng quan trọng.
Ngoài sử dụng các loại thuốc được kê đơn để kiểm soát các triệu chứng người bệnh nên thực hiện một số thay đổi nhất định để hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động đúng chức năng. Những điều này có thể làm giảm tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát lupus.
- Ngủ từ 8 đến 10 giờ mỗi đêm, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo và đường và tập thể dục từ nhẹ đến trung bình 90 phút mỗi tuần.
- Lupus có thể gây lở miệng, khô miệng vì vậy nên đánh răng hai lần mỗi ngày, lấy cao răng định kỳ, uống đủ nước.
- Lupus làm tăng tính nhạy cảm của cơ thể với các tác nhân như virus, vi khuẩn, vì thế người bệnh cần tiêm phòng đầy đủ và đi khám ngay khi có dấu hiệu bị bệnh.
- Tránh ánh sáng tia cực tím từ mặt trời hoặc những thứ có thể gây ra các kích thích trên da. Mặc áo chống nắng, đội mũ, mặc áo dài tay và quần dài, tránh ánh nắng trực tiếp, sử dụng kem chống nắng có SPF cao (SPF50+)
- Căng thẳng có thể là một yếu tố khởi phát bệnh vì thế cần giữ cho tinh thần thoải mái.
- Trước khi mang thai, phụ nữ mắc bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ cũng như có kế hoạch mang thai phù hợp dưới sự tư vấn của các chuyên gia sản phụ khoa.
- Trong các trường hợp bị rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu… nên nhận sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Người thân nên thường xuyên quan tâm, trò chuyện với người bệnh.
- Không có chế độ ăn kiêng đặc biệt nào cho bệnh lupus. Người bệnh nên cố gắng ăn một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, cân bằng và đa dạng, bao gồm nhiều trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và một lượng vừa phải thịt, gia cầm và cá.
Bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không tùy thuộc vào mức độ mắc bệnh. Hiện tại lupus ban đỏ hệ thống chưa có phương pháp điều trị khỏi vì thế việc chung sống hòa bình và lâu dài với căn bệnh này là điều mà người bệnh cần xác định ngay khi được chẩn đoán bệnh. Tuân thủ mọi chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm và kéo dài tuổi thọ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
BS. Thanh Mai