Bệnh rubella đối với thai phụ

Rubella (hay còn gọi là bệnh sởi Đức) là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus rubella gây ra, với các biểu hiện như sốt, nổi hạch, phát ban, thường diễn biến lành tính, nhưng có thể gây ra các biến chứng viêm não – màng não, hay gây ra các biến chứng, hậu quả nghiêm trọng đối với thai nhi khi người mẹ mắc bệnh.

1. Ảnh hưởng của rubella tới phụ nữ mang thai

Khả năng mắc rubella ở phụ nữ có thai

Rubella lây truyền qua đường hô hấp hoặc từ mẹ sang con, người mẹ nhiễm bệnh mang các dấu hiệu, triệu chứng cơ bản gần giống như những người bình thường mắc bệnh khác.

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai, bị nhiễm virus bệnh, làm ảnh hưởng đến các cơ quan của bào thai đang phát triển, gây nên các biến chứng nghiêm trọng như sảy thai, thai chết lưu, dị tật thai nhi hay đẻ non.

Người mẹ nhiễm rubella khi mang thai
Người mẹ nhiễm rubella khi mang thai

Các ảnh hưởng lớn nhất xảy ra trong các tháng đầu của rubella thai kỳ và khả năng lây truyền bệnh từ mẹ sang con theo các thống kê như sau tháng đầu từ 81%- 90%, tháng thứ hai từ 60% -70%, tháng thứ ba từ 35%- 50%.

Hội chứng Rubella bẩm sinh

Người mẹ nhiễm virus bệnh khi mang thai, nếu không bị sảy thai hay thai lưu, con sinh ra có nguy cơ cao bị hội chứng Rubella bẩm sinh.

Trẻ mắc rubella bẩm sinh là trẻ được sinh ra từ mẹ có tiền sử nhiễm bệnh khi mang thai và trẻ có xét nghiệm kháng thể IgM (+) với rubella.

Hội chứng rubella bẩm sinh: với các dị dạng thai nhi được chia thành 2 nhóm

+ Nhóm A: bệnh tim bẩm sinh, với các tổn thương liên quan đến mắt, tổn thương thính giác,đục thủy tinh thể, glaucoma bẩm sinh, bệnh võng mạc sắc tố.

+ Nhóm B: não nhỏ, chậm phát triển, viêm não màng não, ban tím, gan lách to, vàng da, bệnh xương trong.

2. Nhận biết phụ nữ mang thai bị rubella

Phụ nữ mắc rubella khi mang thai, ngoài các biểu hiện giống những người bệnh khác như sốt nhẹ, đau đầu, chóng mặt, phát ban không theo thứ tự và không để lại vết, nổi hạch thì cần làm thêm các xét nghiệm với các kháng thể IgG, IgM tại các cơ sở y tế tin cậy để có thể có kết luận chẩn đoán chính xác nhất, tránh dẫn đến tình trạng chẩn đoán nhầm, ảnh hưởng đến các quyết định giữ hay đình chỉ thai nhi.

Phương pháp chẩn đoán thai bị nhiễm được xem là tốt nhất hiện nay đó là xét nghiệm PCR trên mẫu sinh thiết gai nhau (do có thể thực hiện sớm hơn so với lấy mẫu từ chọc dò ối).

3. Hướng xử trí khi phụ nữ mang thai bị rubella

Bệnh rubella đối với thai phụ có những ảnh hưởng nhất định tùy vào thời kỳ và giai đoạn mang thai, nên cách xử trí do đó cũng phụ thuộc vào từng giai đoạn nhất định. Đồng thời cũng xác định, phân biệt rõ khả năng lây truyền bệnh từ mẹ sang con và khả năng sinh con mang hội chứng Rubella bẩm sinh.

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ

Tư vấn đình chỉ thai nghén khi đã có chẩn đoán xác định.

Tuần thai từ 13 đến 18

Tư vấn con sau khi sinh ra có nguy cơ bị rubella bẩm sinh, cần chọc ối để tiến hành xét nghiệm chẩn đoán xác định. Các trường hợp tìm thấy virus gây bệnh trong nước ối thường đều được tư vấn đình chỉ thai. Các trường hợp âm tính tiếp tục theo dõi.

Phụ nữ có thai trên 18 tuần

Nguy cơ con sinh ra bị mắc bệnh bẩm sinh thấp hơn, nhưng vẫn tiến hành theo dõi thai kỳ bình thường.

4. Cách phòng tránh bệnh rubella ở phụ nữ mang thai

Phòng bệnh chung

  • Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, cần vệ sinh bằng các dung dịch sát khuẩn.
  • Cách ly, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hay nghi mắc bệnh, trường hợp có tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cần thiết; hạn chế tụ tập đông người, nhất là tại những nơi có ổ dịch.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt, các dụng cụ khác có khả năng dính các dịch tiết mũi họng…

Tiêm vacxin rubella

  • Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, để tránh nguy cơ nhiễm rubella khi mang thai, cần tiến hành tiêm vacxin rubella để phòng bệnh.
  • Loại vacxin rubella được dùng có thể dùng loại đơn hoặc dùng loại phối hợp – tiêm vacxin rubella 2 trong 1 (rubella và sởi) hay tiêm rubella 3 trong 1 ( bao gồm cả rubella – sởi – quai bị). Vacxin rubella 3 trong 1 được ưu tiên sử dụng hơn bởi khả năng tiện dụng cũng như phạm vi phòng bệnh rộng hơn, 1 lần tiêm có thể phòng được nhiều bệnh cùng lúc.
Vacxin rubella loại phối hợp 2 trong 1 ( rubella và sởi)
Vacxin loại phối hợp 2 trong 1 
Tiêm vacxin 3 trong 1 (rubella-sởi-quai bị) để phòng tránh nhiễm rubella ở thai phụ
Tiêm vacxin 3 trong 1 để phòng tránh nhiễm rubella ở thai phụ
  • Không tiến hành tiêm vacxin khi đang có thai và không được có thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm chủng.

Như vậy, với phụ nữ có thai, việc nhiễm rubella gây nên những hậu quả nghiêm trọng và nặng nề đối với thai nhi, do đó, tùy từng giai đoạn mang thai hay chuẩn bị mang thai cần có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Trong trường hợp khi mang thai đã bị nhiễm bệnh, nên đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm cụ thể cũng như nhận được sự tư vấn chính xác nhất từ các bác sĩ để đảm bảo cho sức khỏe cho bản thân cũng như của bé.

Trần Phan (sưu tầm và tổng hợp).

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận