Bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi và những điều cần biết
Tuổi thọ của con người ngày càng được kéo dài, vì thế nhóm bệnh lý ở người cao tuổi cũng có chiều hướng gia tăng theo thời gian. Sa sút trí tuệ là một trong những hội chứng bệnh gây ra nhiều cản trở trong cuộc sống người lớn tuổi, đồng thời cũng tạo nên không ít gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu hơn về bệnh lý sa sút trí tuệ ở người cao tuổi và cách phòng ngừa để người cao tuổi có một cuộc sống vui, khỏe, có ích hơn.
Nội dung bài viêt
1. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi?
Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
Sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi là hội chứng bệnh mắc phải với biểu hiện mất chức năng nhận thức, thay đổi về hành vi và mất chức năng xã hội, các khiếm khuyết này đủ lớn để gây cản trở đến sinh hoạt hằng ngày của người cao tuổi. Hội chứng bệnh này có thể hồi phục hoặc không thể hồi phục hoàn toàn. Suy giảm trí nhớ là một trong những triệu chứng đặc trưng của sa sút trí tuệ.
Vậy đâu là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi?
Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi được gây ra bởi tổn thương hoặc mất các tế bào thần kinh và các kết nối của chúng ở trong não.
Dựa vào vị trí tổn thương của não bộ có thể chia thành những nhóm nguyên nhân gây sa sút trí tuệ sau:
- Tổn thương ở vỏ não: bệnh Alzheimer, thoái hóa thùy trán- thái dương: gặp trong các trường hợp bệnh Pick, thất ngôn tiến triển, sa sút trí tuệ ngữ nghĩa, tổn thương não do rượu…
- Tổn thương ở dưới vỏ não: Bao gồm sa sút trí tuệ do nhồi máu não nhiều ổ, bệnh Parkinson, bệnh Huntington, sa sút trí tuệ liên quan AIDS…
- Sa sút trí tuệ do tổn thương ở vỏ não và dưới vỏ: sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu, sa sút trí tuệ thể Lewy, thoái hóa vỏ- nhân đáy…
- Sa sút trí tuệ do tổn thương toàn thể não: bệnh do prion bao gồm cả bệnh Creutzfeldt- Jakob
- Các nguyên nhân khác: gồm 2 nhóm chính là nguyên nhân nhiễm độc ( nhiễm độc thuốc, nhiễm độc kim loại, thiếu Vitamin B12,…) và nguyên nhân nhiễm khuẩn ( giang mai thần kinh).
Theo Cummings JL và Trimble MR (2002): nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng sa sút trí tuệ là bệnh Alzheimer, chiếm tỷ lệ 60-70% tổng số người bị sa sút trí tuệ.
Uống rượu bia là một trong những nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ
Xem thêm: Bệnh sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh
2. Dấu hiệu sa sút trí tuệ ở người già?
Tùy thuộc vào khu vực não bị ảnh hưởng do tổn thương thì chứng sa sút trí tuệ có thể gây ra triệu chứng khác nhau.
Các dấu hiệu sa sút trí tuệ ở người già
Chúng ta có thể kể đến các triệu chứng sa sút trí tuệ ở người già bao gồm:
- Suy giảm trí nhớ.
- Giảm hoặc mất khả năng định hướng về không gian (người bệnh không biết mình đang ở đâu).
- Thị giác suy giảm: nhìn mờ.
- Khả năng tư duy, tính toán giảm sút.
- Khả năng hiểu ngôn ngữ suy giảm.
- Suy yếu khả năng kiểm soát về cảm xúc, khó kiềm chế cảm xúc buồn, vui, giận,… ảnh hưởng đến sự ứng xử trong các hoàn cảnh giao tiếp xã hội bình thường.
- Hành động bộc phát, không có động cơ rõ ràng.
Tuy nhiên chứng sa sút trí tuệ có một đặc điểm là bệnh nhân không có rối loạn ý thức.
Xem thêm: Sa sút trí tuệ ở người trẻ – Căn bệnh không thể chủ quan
3. Bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi dễ nhầm với bệnh lý gì?
Có nhiều bệnh lý khác nhau có triệu chứng tương tự có thể kể đến như:
- Sảng: Có thể phân biệt sa sút trí tuệ ở người cao tuổi với sảng trước tiên bằng đánh giá về sự chú ý. Dù là sảng mới xuất hiện hay đã kéo dài một thời gian thì luôn có sự suy giảm chú ý, trong khi sa sút trí tuệ thì chỉ biểu hiện sự suy giảm chú ý trong giai đoạn muộn. Nói cách khác phải mất một khoảng thời gian dài biểu hiện các triệu chứng thì người cao tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ mới bị suy giảm sự chú ý. Ngoài ra sảng diễn biến cấp tính, các triệu chứng xuất hiện rất nhanh, luôn đi kèm một bệnh lý tại cơ quan khác và sảng có thể hồi phục hoàn toàn.
Sảng có thể hồi phục hoàn toàn còn sa sút trí tuệ thì không
- Suy giảm trí nhớ do tuổi tác: tuy có điểm giống với sa sút trí tuệ là cũng có những biểu hiện suy giảm trí nhớ nhưng không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người lớn tuổi.
- Suy giảm nhận thức liên quan đến trầm cảm: bệnh nhân trầm cảm thường than phiền về sự suy giảm trí nhớ của họ tuy nhiên họ không quên những sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Họ có thể không cần quá cố gắng để vượt qua những bài kiểm tra nhỏ, trong khi đó những người bị sa sút trí tuệ cố gắng rất nhiều nhưng có thể không đạt được kết quả.
4. Các cách phòng bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
Mặc dù đây là một dạng suy giảm trí nhớ không thể khôi phục hoàn toàn nhưng thật may chúng ta có nhiều cách để phòng bệnh cũng như ngăn bệnh tiến triển nặng thêm.
- Tham gia các hoạt động đòi hỏi cần suy nghĩ như đọc, giải câu đố,…là cách giúp trì hoãn sự suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.
- Hoạt động thể chất và xã hội: tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi, các hoạt động hội nhóm, tương tác xã hội thường ngày với gia đình, hàng xóm, tập những bài tập dưỡng sinh, đi bộ,.. góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và trí nhớ cho người cao tuổi, giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ ở người già.
- Cai thuốc lá: bỏ hút thuốc không những làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mạch máu, sa sút trí tuệ ở mọi lứa tuổi mà còn cải thiện tình hình sức khỏe chung của người bệnh và gia đình.
- Bổ sung đủ các loại vitamin, nhất là vitamin D, vitamin B, vitamin C. Một chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ít rượu bia và các chất béo có hại là bước nền để có một sức khỏe ổn định và tinh thần minh mẫn.
- Quản lý tốt các bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu… cũng góp phần ngăn chặn sa sút trí tuệ diễn ra.
Tương tác xã hội giúp người cao tuổi đẩy lùi suy giảm trí nhớ
Tóm lại, bệnh lý sa sút trí tuệ ở người cao tuổi gây ra nhiều phiền toái cho chính người bệnh và cộng đồng. Vì vậy giữ cho bản thân một lối sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ là cách để đẩy lùi bệnh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người.
BS Hoàng Ngọc Anh.
Xem thêm: Phân biệt Sa sút trí tuệ và Alzheimer