Bệnh sỏi thận
Tại Việt Nam, bệnh sỏi thận chiếm tỷ lệ khá cao (45-50%) trong số các bệnh lý về sỏi đường tiết niệu. Sỏi thận cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy thận. Tuy vậy không phải ai cũng có những hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này.
Nội dung bài viêt
Sỏi thận là gì?
Thận là một bộ phận quan trọng của hệ tiết niêu. Thận lọc máu, bài tiết các chất thải (ure, acid uric, ammoniac), tái hấp thu những chất cần thiết cho cơ thể (glucose, nước, các acid amin,..) để tạo ra nước tiểu. Ngoài ra thận còn sản xuất các hormone như calcitriol, renin, erythropoietin.
- Một số viêm sỏi thận được lấy ra trong thực tế. (Ảnh internet)
Sỏi thận hay còn gọi sỏi đài bể thận là những tinh thể rắn được hình thành trong thận do sự lăng đọng và kết tinh của các muối khoáng hòa tan trong nước tiểu. Các loại sỏi thường gặp là sỏi calci (calci oxalate, calci phosphate), sỏi acid uric, sỏi struvite, sỏi cystin.
Sỏi có hình tròn, tam giác hay đa giác. Thường gặp một hoặc nhiều viên nằm ở đài thận hoặc bể thận, kích thước từ 1-3cm. Sỏi nằm lấp kín cả đài-bể thận được gọi là sỏi san hô, thường có kích thước 3-4cm.
- Vị trí thường gặp của sỏi thận. (Ảnh internet)
Nguyên nhân gây sỏi thận
Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hình thành sỏi thận, nhưng có thể kể ra một số nguyên nhân chính sau:
-Tăng nồng độ calci trong máu và nước tiểu.
-Tăng nồng độ acid uric trong nước tiểu, thường gặp ở các bệnh tăng acid uric máu, goutte, di truyền.
-Do nhiễm khuẩn lâu dài đường tiết niệu, có thể do vệ sinh bộ phận sinh dục không sạch sẽ, nhất là ở nữ giới.
Các yếu tố thuận lợi
-Chế độ ăn nhiều đạm, uống ít nước.
- Uống ít nước tạo điều kiện cho sỏi hình thành. (Ảnh Internet)
-Dị dạng đường tiết niệu như các dị dạng bể thận, niệu quản, bàng quan,…trong các bệnh lý bẩm sinh hay mắc phải do viêm chít hẹp do lao, giang mai,… gây ứ đọng nước tiểu.
-Người bệnh nằm bất động lâu ngày cũng gây ứ đọng nước tiểu thuận lợi cho việc tạo sỏi.
-Các bệnh lý mất nước, cường tuyến cận giáp, u tuyến cận giáp,..
-Một số loại thuốc lợi tiểu.
Dấu hiệu nhận biết sỏi thận
Khi gặp các dấu hiệu dưới đây có thể nghĩ tới hiện tượng sỏi thận:
-Đau: có thể đau âm ỉ hoặc đau dữ dội như dao đâm vùng thắt lưng, đau một bên hoặc hai bên. Đau lan xuống vùng bẹn, cơ quan sinh dục. Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ. Đau thường xuất hiện sau vận động mạnh như đi lại nhiều, làm việc nặng nhọc hoặc sau dùng thuốc lợi tiểu quá mạnh. Trong cơn đau, người bệnh còn cảm giác bụng chướng, buồn nôn, nôn.
- Đau vùng thắt lưng trong bệnh sỏi thận. (Ảnh internet)
-Tiểu ra máu, thường xuất hiện sau cơn đau. Nằm nghỉ ngơi thì tiểu ra máu sẽ giảm dần.
-Ngoài ra có thể gặp sốt cao 38-39oC, tiểu ra nước tiểu đục.
Điều trị bệnh sỏi thận
Việc lựa chọn điều trị bệnh sỏi thận cần được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố như kích thước, vị trí của sỏi,..Có hai hướng điều trị chính là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Với các trường hợp sỏi nhỏ, sỏi tái phát sau mổ một thời gian ngắn hoặc sỏi san hô ở người già sẽ được điều trị chủ yếu bằng nội khoa. Điều trị nội khoa là dùng thuốc để giảm đau, chống viêm nhiễm đường tiết niệu. Tạo điều kiện cho sỏi trôi xuống bàng quang để tiểu ra ngoài. Dùng thuốc tan sỏi. Điều trị các nguyên nhân gây ra sỏi (dùng thuốc để ổn định pH nước tiểu, cắt bỏ u tuyến cận giáp, chữa các dị tật đường tiết niêu,..). Điều trị các biến chứng do sỏi: suy thận,…Trong điều trị nội khoa, bệnh nhân cần lưu ý uống nhiều nước, chế độ ăn hạn giảm calci, đạm.
Điều trị ngoại khoa
Với các trường hợp còn lại: sỏi to, nhiều biến chứng thì sẽ được sử dụng các phương pháp để trực tiếp lấy sỏi, hoặc phá sỏi thành các mảnh vụn nhỏ để tiểu ra ngoài. Hiện nay các phương pháp phổ biến thường là: tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi thận qua da, nội soi phá sỏi qua đường tiết niệu, phẫu thuật.
- Tán sỏi ngoài cơ thể. (Ảnh internet)
- Lấy sỏi qua da. (Ảnh internet)
Cần đặc biệt lưu ý, hiện nay do e ngại việc sử dụng thuốc tây có thể có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe. Nên rất nhiều người muốn điều trị theo đông y, nhưng lại ít khi đi khám xét cẩn thận mà thường tự mua thuốc theo người quen mách bảo. Việc này rất nguy hiểm, vì cùng là sỏi thận nhưng ở mỗi người lại khác nhau và điều trị không giống nhau. Điều trị không đúng có thể khiến bệnh càng nghiêm trọng và biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Biến chứng của bệnh sỏi thận
Bệnh sỏi thận thường diễn biến âm thầm qua nhiều năm. Sự ứ đọng nước tiểu và nhiễm trùng sẽ dẫn tới các biến chứng sau:
-Viêm đài bể thận, nhiễm trùng đường tiết niệu.
-Viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận
-Thận ứ nước, ứ mủ, áp xe quanh thận
-Viêm quanh thận xơ hóa
-Sỏi san hô gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận, tăng huyết áp.
-Suy thận cấp, suy thận mạn.
-Sỏi thận hai bên biến chứng càng phức tạp và suy thận càng khó điều trị.
- Biến chứng thận hư do sỏi thận. (Ảnh internet)
Dự phòng bệnh sỏi thận
Sỏi thận là bệnh lý rất dễ tái phát, vì vậy việc dự phòng sỏi tái phát cũng như phòng tránh sỏi thận là rất quan trọng. Để ngăn ngừa hình thành sỏi thận, ta cần lưu ý:
Chế độ ăn uống:
-Uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu khoảng >2,5 lít/ngày. Uống đủ nước giúp cơ thể khỏe mạnh và phòng tránh được nhiều loại bệnh tật. Nhu cầu uống nước của mỗi người là khác nhau tùy công việc, thời tiết,…. Không nên uống các loại nước nhiều đường, nhất là đối với người béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp. Với một số trường hợp đặc biệt cần thận trọng khi uống nước như người bị suy tim, suy thận… chú ý phải hỏi kĩ bác sĩ điều trị để có một chế độ nước phù hợp.
- Uống đủ nước giúp phòng chống nhiều loại bệnh tật. (Ảnh internet)
-Có một chế độ ăn hợp lý, cân bằng đủ dinh dưỡng. Không nên ăn hay chế biến đồ ăn quá mặn, nhiều dầu mỡ, nhiều đạm, nhiều calci. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều oxalat như: trà đặc, cà phê, sô-cô-la, bột cám, ngũ cốc, rau muống…Nên bổ sung thêm các loại rau, củ, quả tươi.
- Bổ sung các loại rau củ trong các bữa ăn. (Ảnh internet)
Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là với phụ nữ sau sinh.
Nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để có thể phát hiện hiện và điều trị sớm bệnh sỏi thận. Cũng như phát hiện và điều trị các nguyên nhân, các điều kiện thuận lợi hình thành sỏi.
BS. Đỗ Thị Gấm
Nguồn Nội khoa Việt Nam