Táo Bón
Táo bón là dấu hiệu cho thấy hệ thống tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề. Triệu chứng này gây ra cho người mắc táo bón sự mệt mỏi, bực tức, đau đớn vùng hậu môn mỗi khi đi đại tiện. Táo bón xảy ra ở tất cả các độ tuổi.
Đối với người bình thường, trong một tuần tần suất đi đại tiện sẽ là hơn 3 lần. Người bị táo bón thường đi tiêu dưới 3 lần/tuần với các biểu hiện đau đớn, khó khăn, phân cứng và đau vùng bụng dưới.
Nguyên nhân gây táo bón thường do:
– Chế độ ăn ít chất xơ.
– Bệnh nhân uống không đủ nước.
– Tác dụng phụ của một số dược phẩm (các loại thuốc giảm đau chứa codein, thuốc trung hòa acit chứa nhôm, thuốc chống trầm cảm amitriptyline, viên sắt…).
– Liên quan với một số bệnh lý (suy giáp, hội chứng ruột kích thích thể táo bón…).
– Đang mang thai (do thay đổi nội tiết tố và chèn ép cơ học của bào thai làm giảm nhu động ruột).
– “Nhịn” do bận việc.
Đa số trường hợp, người bệnh có thể tự mua thuốc nhuận tràng uống để điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp người bị táo bón được khuyến cáo nên đi khám bệnh để thầy thuốc chỉ định làm các xét nghiệm (xét nghiệm phân, nội soi trực đại tràng bằng ống mềm…) giúp xác định nguyên nhân.
Cách phòng bệnh táo bón rất đơn giản, bạn có thể áp dụng thực hiện tại nhà.
– Để phân mềm, tạo phản xạ đi tiêu rõ ràng, bạn hãy tạo thói quen đi tiêu đúng giờ, tập thể dục thường xuyên, uống đủ nước và ăn nhiều chất xơ (20-35 g/ngày).
– Có một số loại trái cây giúp dễ đại tiện mà bạn nên biết như: đu đủ, thanh long, xoài, mận, cam, chanh, quýt, …
– Lưu ý là nếu đột ngột ăn một lượng chất xơ quá nhiều, bạn có thể bị đầy bụng, trung tiện nhiều. Để tránh tác dụng phụ này, bạn nên tăng dần lượng chất xơ ăn vào.
– Có thể uống thêm thuốc nhuận tràng sorbitol (một loại đường tự nhiên, không hấp thu vào máu và có tính rút nước vào lòng ruột giúp phân mềm). Sorbitol có nhiều trong các trái cây: táo, nho, lê, đậu, mận và dâu tây.
– Nếu sau tất cả những cố gắng trên mà chứng táo bón vẫn không giảm, thì bạn có thể dùng thêm thuốc nhuận tràng.