Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là một nhóm bệnh lí mà trong đó các xung điện điều khiển và điều hòa nhịp tim không hoạt động như bình thường. Những ai gặp phải tình trạng này nếu phát hiện và chữa trị sớm thì đều không gây nguy hiểm và biến chứng.
1. Rối loạn nhịp tim là gì?
Là tình trạng bất thường về mặt điện học của tim, có thể là bất thường về việc tạo nhịp hoặc bất thường về mặt dẫn truyền điện học trong buồng tim. Biểu hiện trên lâm sàng là: nhịp quá nhanh (tần số > 100 lần/ phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm.
Một số loại rối loạn nhịp tim chính, là:
- Rung tâm nhĩ
- Nhịp nhanh trên thất
- Nhịp tim chậm
- Block tim
- Rung tâm thất
2. Triệu chứng
Rối loạn nhịp tim thường không có các triệu chứng rõ rệt, có thể không có triệu chứng hoặc chỉ gây ra các triệu chứng như: cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh hoặc không đều,… Tuy nhiên có nhiều trường hợp rối loạn nhịp có thể đe doạ tính mạng của người bệnh và khiến người bệnh phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Những trường hợp này trước đó không có hiểu hiện cụ thể dễ nhận biết.
3. Nguyên nhân
Một số vấn đề về sức khỏe có thể gây ra chứng rối loạn nhịp, bao gồm:
- Cơn đau thắt ngực
- Có mô sẹo hình thành ở tim
- Cấu trúc tim bị thay đổi
- Bệnh động mạch vành
- Tăng huyết áp
- Tuyến giáp hoạt động mạnh vượt ngưỡng cho phép
- Tuyến giáp kém hoạt động
- Bệnh tiểu đường
Ngoài ra, một vài tác nhân cũng có khả năng gây ra rối loạn nhịp, như:
- Lạm dụng chất kích thích: thuốc lá, cafein, rượu,…
- Căng thẳng, lo lắng
- Tác dụng phụ của thuốc và thực phẩm chức năng
- Do di truyền
4. Rối loạn nhịp tim gây nguy hiểm đến mức nào?
Có nhiều loại rối loạn nhịp tim không gây nhiều nguy hiểm, nhưng cũng có loại nhịp tim gây ra nguy cơ tử vong cao như rung tâm thất. Một số loại làm tăng nguy cơ biến chứng và mắc các bệnh nghiêm trọng hơn như: đột quỵ, suy tim.
5. Điều trị
Những phương pháp điều trị được sử dụng hiện nay:
- Sử dụng thuốc
- Sốc điện chuyển nhịp
- Cấy ghép máy tạo nhịp tim
- Cấy máy thử rung tim
6. Chế độ dinh dưỡng và cách phòng ngừa bệnh
Để giảm thiểu và phòng ngừa rối loạn nhịp tim cũng như các bệnh lí tim mạch khác, cần phải thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh:
- Thực hiện chế độ ăn có lợi cho tim mạch
- Hoạt động thể chất, thể thao vừa phải, giữ cân nặng hợp lí
- Giữ tâm trạng ổn định, tránh căng thẳng, giận giữ
- Không uống thức uống có cồn và chất kích thích
- Đọc kĩ hướng dẫn đối với các loại thuốc, nhất là thuốc gây kích thích đến tim