Suy tim
Bệnh suy tim là biến chứng chung của tất cả các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh van tim… Bệnh suy tim là một bệnh mạn tính khó có thể chữa khỏi hoàn toàn.
1. Suy tim là gì?
Suy tim hay còn gọi là tim sung huyết, nghĩa là tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
2. Phân loại
Có nhiều cách phân loại suy tim:
– Phân loại theo Hiệp hội tim mạch New York NYHA có 4 mức độ suy tim theo cấp độ tăng dần từ nhẹ đến nặng: suy tim độ 1, suy tim độ 2, suy tim độ 3, suy tim độ 4.
– Phân loại suy tim theo Hiệp Hội tim mạch Mỹ AHA/ACC: suy tim giai đoạn A, suy tim giai đoạn B, suy tim giai đoạn C, suy tim giai đoạn D.
– Phân loại suy tim theo chức năng tim: suy tim tâm thu, suy tim tâm trương.
– Phân loại theo tính chất tiến triển: suy tim cấp tính, suy tim mạn tính
– Phân loại theo vị trí: suy tim trái, suy tim phải.
3. Nguyên nhân gây suy tim
Tất cả các bệnh tim mạch, tổn thương tim đều gây suy tim. Nguyên nhân phổ biến nhất là do:
– Huyết áp cao
– Bệnh cơ tim, bệnh van tim, bệnh mạch vành, tim bẩm sinh
– Biến chứng tiểu đường ở tim, rối loạn nhịp tim
4. Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu của suy tim thường không có dấu hiệu bệnh, nhưng khi suy tim tiến triển có thể xuất hiện triệu chứng:
– Hụt hơi, khó thở, mệt mỏi, nhịp tim nhanh
– Nặng ngực, ho khan
– Hoa mắt, chóng mặt
– Phù chân và tăng cân
5. Bệnh suy tim có nguy hiểm không?
Suy tim thường gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm. Suy tim nặng có thể khiến các cơ quan bị tổn thương vì thiếu oxy, người bệnh có thể gặp biến chứng sau:
– Suy gan, suy thận
– Phù phổi cấp
– Đột quỵ
– Nhồi máu cơ tim
– Rối loạn nhịp tim
– Rối loạn tiêu hóa
6. Điều trị
Các loại thuốc điều trị thường được chỉ định là:
– Nhóm lợi tiểu.
– Thuốc chẹn beta.
– Thuốc ức chế men chuyển (ACE).
– Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB).
Người bệnh suy tim cần sử dụng thuốc đúng liều lượng và đúng giờ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý bỏ liều. Ngoài ra suy tim cũng được điều trị kết hợp bằng phương pháp đông y với các bài thuốc hỗ trợ.
7. Chế độ ăn uống, lối sống và chăm sóc
– Giảm muối và nước: nhằm giảm gánh nặng cho tim. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về lượng muối ăn và lượng nước uống mỗi ngày.
– Kiểm soát cân nặng: Khi thừa cân, tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu và oxy cho cơ thể nên dễ khiến bệnh tiến triển nhanh. Nhưng nếu người bệnh sụt cân nhanh chóng có thể bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.
– Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu.
– Tập thể dục nhẹ nhàng: để tăng cường khả năng hồi phục chức năng tim.