Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Chăm sóc đúng cách tránh biến chứng
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trẻ từ 6 tháng đến 7 tuổi. Tiêm vacxin phòng bệnh và chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách là giải pháp hiệu quả giúp giảm biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những điều cần biết về bệnh thủy đậu ở trẻ em.
Nội dung bài viêt
- 1. Tổng quan về bệnh thủy đậu ở trẻ em
- 2. Những dấu hiệu thủy đậu ở trẻ nhỏ mà bố mẹ nên biết
- 3. Bệnh thủy đậu ở trẻ em có nguy hiểm không?
- 4. Bệnh thủy đậu ở trẻ em có lây không?
- 5. Cách điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em an toàn, hiệu quả
- 6. Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách
- 7. Cách phòng bệnh thủy đậu cho trẻ
1. Tổng quan về bệnh thủy đậu ở trẻ em
Thủy đậu là bệnh lây truyền do virus Varicella – Zoster gây nên. Varicella zoster virus (VZV) không chỉ là tác nhân gây bệnh thủy đậu mà nó còn là thủ phạm gây bệnh zona thần kinh.
Khi một người bị nhiễm VZV, virus sẽ nhân lên ở các tế bào biểu mô của niêm mạc đường hô hấp trên. Sự lây lan của virus đến amidan và các mô bạch huyết cục bộ khác, từ đó các tế bào miễn dịch T bị nhiễm bệnh có thể vận chuyển virus qua đường máu đến da. Sau thời gian ủ bệnh thủy đậu từ 10-21 ngày, cơ thể sẽ bắt đầu phát ban dạng mụn nước phân bố rộng rãi.
Từ năm 1995 trở về trước, khi chưa có vacxin phòng ngừa thì thủy đậu là 1 trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất ở trẻ. Thủy đậu thường được cho là bệnh của thời thơ ấu bởi 90% số bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi đi học (từ 1- 14 tuổi). Ngày nay, nhờ vacxin và chương trình tiêm chủng mở rộng mà tỷ lệ mắc thủy đậu ở trẻ đã giảm đáng kể.
Bệnh thủy đậu thường nặng hơn ở trẻ sơ sinh, người lớn và người bị suy giảm miễn dịch. Đối với trẻ em trên 1 tuổi, các triệu chứng thường nhẹ và ít biến chứng.
Thủy đậu là bệnh miễn dịch 1 lần. Điều đó có nghĩa là, nếu một người từng bị thủy đậu thì sẽ không tái mắc bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn tồn tại trong cơ thể người bệnh rất lâu sau khi họ đã khỏi bệnh. Nếu virus hoạt động trở lại, nó có thể gây ra một bệnh nhiễm trùng là zona thần kinh.
2. Những dấu hiệu thủy đậu ở trẻ nhỏ mà bố mẹ nên biết
Giai đoạn trẻ mới nhiễm virus thủy đậu thường không có triệu chứng cho đến khoảng 2-3 tuần sau khi tiếp xúc mầm bệnh.
Ở trẻ em, bệnh thủy đậu thường bắt đầu với cảm giác mệt mỏi nói chung, sốt và sưng hạch trong những ngày đầu. Trong 3-5 ngày tiếp theo, phát ban bùng phát.
Ban đầu, phát ban này xuất hiện dưới dạng các đốm đỏ, sau đó phát triển thành các mụn nước nhỏ trên lưng, bụng, mặt… và nhanh chóng lan ra những vùng da khác nhau trên cơ thể, thậm chí cả ở tai, mắt và bộ phận sinh dục. Các mụn nước thủy đậu cực kỳ ngứa và liên tục có những mụn nước mới hình thành khi những mụn nước cũ đóng vảy, khô lại. Các vảy có thể mất vài tuần để bong ra.
Những mụn nước này thường không để lại sẹo trừ khi chúng bị trầy xước, loét nhiễm trùng.
Các triệu chứng thủy đậu có xu hướng nhẹ hơn nhiều ở trẻ em so với người lớn.
2.1. Triệu chứng thủy đậu ở trẻ em chưa được tiêm vacxin
- Trước khi phát ban: Cảm giác mệt, khó chịu, cáu gắt. Sốt 38-39 độ, hiếm khi sốt cao trên 39 độ và không phải tất cả các trẻ mắc thủy đậu đều có triệu chứng sốt. Đau mỏi người; Ăn không ngon bỏ ăn, bỏ bú, nôn; Quấy khóc; Không ngủ….
- Sau khi phát ban xuất hiện:
- Các giai đoạn phát triển bệnh thủy đậu
- Mức độ nghiêm trọng thay đổi từ một vài nốt đến phát ban bao phủ toàn bộ cơ thể, thậm chí trong cả niêm mạc miệng, dạ dày…
- Các mụn kích thước nhỏ, đỏ và ngứa. Ban đầu chỉ là các nốt mụn thường. Sau đó chuyển thành mụn nước chứa đầy dịch trong rồi dần sang đục. Các mụn nước thủy đậu mất khoảng 2 ngày để xẹp và khô dịch. Sẽ mất khoảng 10 ngày để các lớp vảy này khô và tự bong ra.
- Các mụn thủy đậu có thể mọc liên tục, hết đợt này tới đợt khác trong khoảng 2-4 ngày.
- Nếu trẻ gãi các mụn nước có thể bị chảy nước hoặc nhiễm trùng.
- Ngoài các triệu chứng chung như trên, một số trẻ mắc thủy đậu có thể bị tiêu chảy, nghẹt mũi, tắc mũi….
2.2. Triệu chứng thủy đậu ở trẻ em đã được tiêm vacxin phòng bệnh
Tiêm vacxin thủy đậu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10% trẻ dù đã tiêm vacxin nhưng vẫn bị bệnh. Mặc dù vậy ở những trẻ này triệu chứng bệnh cũng nhẹ hơn rất nhiều so với trẻ chưa được tiêm phòng. Cụ thể như:
- Số lượng mụn thường ít hơn 50.
- Không xuất hiện nhiều mụn nước.
- Gần như không gặp biến chứng của bệnh.
- Các triệu chứng thủy đậu không có nhiều khác biệt về thời gian và diễn biến. Chủ yếu là triệu chứng nhẹ hơn về mức độ tổn thương.
3. Bệnh thủy đậu ở trẻ em có nguy hiểm không?
Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, người lớn thường dễ bị biến chứng thủy đậu hơn trẻ em. Mặc dù vậy, vẫn có những trẻ gặp các biến chứng nguy hiểm, nhất là các bé dưới 1 tuổi, chưa tiêm chủng hoặc có hệ miễn dịch kém. Một số biến chứng do thủy đậu gây ra ở trẻ em có thể kể đến đó là:
- Sẹo: Nếu gãi hoặc tác động mạnh lên các mụn nước có thể dẫn đến nhiễm trùng da và để lại sẹo. Nguy cơ để lại sẹo là thấp nhất nếu vảy tự bong. Số lượng sẹo cũng sẽ phụ thuộc vào kích thước của mụn nước.
- Virus này cũng có thể dẫn đến viêm phổi nếu trẻ bị mắc bệnh thủy đậu rất nặng. Rất hiếm khi virus có thể tấn công hệ thần kinh trung ương, dẫn đến viêm màng não hoặc viêm não. Nguy cơ xảy ra biến chứng này cao hơn ở những trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như do ung thư hoặc đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch (điều trị lupus ban đỏ hệ thống, viêm da cơ địa, vảy nến…).
- Khi bệnh thủy đậu đã khỏi, virus varicella-zoster không hoạt động nhưng chúng vẫn trú ngụ ở trong cơ thể trẻ. Các virus có thể hoạt động trở lại nhiều năm sau đó, dẫn đến bệnh zona thần kinh. Tình trạng này gây ra phát ban trên da và đau dây thần kinh bị tổn thương.
- Hội chứng Reye: Hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ 4-9 tuổi. Gây ra tình trạng bệnh não cấp tính kèm theo rối loạn chức năng gan, gan to.
- Tử vong thường gặp ở các trường hợp mẹ bầu mắc thủy đậu trong vòng 5 ngày trước khi sinh hoặc 2 ngày sau khi sinh…
- Một số biến chứng hiếm gặp khác: Suy thượng thận, viêm cầu thận, viêm cơ tim, biến chứng trên mắt
4. Bệnh thủy đậu ở trẻ em có lây không?
Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền. Varicella – Zoster virus mặc dù khả năng lây lan không bằng sởi, nhưng lại dễ lây hơn nhiều so với quai bị và rubella.
Tỷ lệ lây nhiễm thủy đậu đạt gần 90% ở những người chưa mắc bệnh lần nào hoặc chưa tiêm phòng. Bệnh thường xuất hiện thành từng đợt dịch bắt đầu vào mùa xuân đến trung tuần tháng 6.
Bệnh thủy đậu có thể lây lan qua các con đường:
- Tiếp xúc trực tiếp với mụn nước bị vỡ chảy dịch của người bị bệnh
- Tiếp xúc với đồ vật có chứa virus như bị dính dịch của mụn hoặc dịch tiết hầu họng của người bệnh.
- Giọt bắn trong quá trình trò chuyện hoặc ho, hắt hơi hay dịch tiết đường hô hấp của người bệnh.
Thời gian người mắc bệnh dễ lây cho người xung quanh được tính từ khoảng 2 ngày trước khi phát ban đến khi mụn thủy đậu cuối cùng đóng vảy. Đối với những trường hợp đã tiêm vacxin, mụn thủy đậu có thể không trải qua quá trình đóng vảy mà trực tiếp xẹp đi và lành da thì thời gian lây bệnh cho người khác được tính đến khi không còn mụn thủy đậu nào mọc thêm trong 24 giờ.
Phải mất từ 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus thủy đậu thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Vì vậy thời gian ủ bệnh cũng là giai đoạn nguy cơ lan truyền thủy đậu.
5. Cách điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em an toàn, hiệu quả
Bệnh thủy đậu thường tự khỏi trong vòng 10 – 14 ngày mà không cần điều trị. Hiện nay, điều trị thủy đậu chủ yếu là dùng thuốc uống trong, kem bôi da và tuân thủ đúng cách trong chăm sóc các tổn thương trên da.
- Điều trị thủy đậu ở trẻ
5.1. Thuốc điều trị thủy đậu
Thuốc điều trị virus là Acyclovir. Thời gian điều trị bằng thuốc uống Acyclovir là 5-10 ngày tùy vào tình trạng bệnh hoặc cho đến khi không còn mụn thủy đậu mọc mới trong vòng 48 giờ. Thời điểm dùng thuốc có hiệu quả tốt nhất là trong vòng 24-48 giờ kể từ khi bệnh khởi phát. Thuốc có dạng bôi ngoài và uống trong.
Bên cạnh thuốc kháng virus, các thuốc điều trị triệu chứng thủy đậu cũng thường được kê cho trẻ khi mắc bệnh, cụ thể:
- Thuốc hạ sốt: Dùng paracetamol. Tuyệt đối không dùng Aspirin để tránh hội chứng Reye.
- Thuốc kháng histamin để giảm ngứa.
- Thuốc kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm vi khuẩn, nhất là nhiễm trùng các tổn thương trên da.
- Kem bôi da: Các loại kem, gel và bột thường được bôi lên da để giảm ngứa và làm khô mụn nước.thủy đậu.Hầu hết chúng đều chứa tanin, kẽm, tinh dầu bạc hà hoặc polidocanol.
5.2. Chăm sóc tổn thương da
Để tránh bị sẹo sau thủy đậu, điều quan trọng là không được để các mụn nước bị nhiễm khuẩn.
- Không gãi và tránh dùng tay bẩn hoặc khăn lau, quần áo bẩn chạm vào mụn, nhất là những mụn đang bị vỡ.
- Không nặn hoặc chọc vỡ các mụn nước thủy đậu. Để các mụn nước tự xẹp và bong vảy.
- Không để cho vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hoặc nguồn nhiệt.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng cách sử dụng nước ấm để tắm. Không nên dùng các loại xà phòng có tính tẩy cao. Có thể sử dụng khăn sạch tẩm nước sạch để lau cơ thể. Khi vệ sinh cơ thể cần nhẹ nhàng tránh làm vỡ các mụn nước làm lây lan vi rút thủy đậu lên các vùng da khác.
- Sau khi tắm, có thể dùng các thuốc bôi ngoài da để bôi lên mụn tránh nhiễm khuẩn. Các thuốc bôi có thể dùng như acyclovir dạng bôi, gel bôi chứa nano bạc, xanh methylen, hoặc các thuốc chứa muối nhôm acetat…
6. Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách
Để giúp giảm ngứa và khó chịu của bệnh thủy đậu, bạn cần lưu ý:
- Tránh mất nước: Điều quan trọng là uống đủ nước.
- Nên tránh ăn mặn hoặc cay, chua. Nếu có mụn thủy đậu cả trong miệng gây khó khăn cho việc ăn nhai của trẻ thì cha mẹ nên cho trẻ ăn súp, cháo, sinh tố. Cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, mát, nhạt.
- Ngứa có thể trở nên nghiêm trọng, nhưng phải hạn chế đến mức tối đa hành động gãi ngứa để giảm nguy cơ để lại sẹo. Nên cắt móng tay cho trẻ để tránh vô tình làm vỡ nốt thủy đậu.
- Mặc quần áo rộng rãi và mềm cho trẻ. Nếu trẻ nhỏ có thể chỉ cần quấn tã.
- Sau khi tắm cho trẻ xong, nên lau nhẹ nhàng hoặc vỗ nhẹ để tự khô. Thao tác nhẹ nhàng để không làm vỡ các mụn thủy đậu
Theo dõi sức khỏe của trẻ và nên đưa trẻ đến viện ngay khi trẻ có một trong các biểu hiện sau:
- Bị sốt kéo dài hơn 4 ngày.
- Ho dữ dội hoặc khó thở/
- Mụn chảy nước dịch màu vàng, máu hoặc có mùi lạ. Các vết mụn đỏ, sưng to…
- Trẻ bị đau đầu dữ dội.
- Ngủ gà khó thức dậy.
- Giảm thị lực.
- Nôn mửa nhiều.
- Bị cứng gáy.
Xem thêm
7. Cách phòng bệnh thủy đậu cho trẻ
Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan. Nếu trẻ chưa bao giờ bị thủy đậu và cũng chưa được tiêm phòng, việc tiếp xúc với người mắc bệnh sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao.
- Tiêm chủng là giải pháp an toàn và hiệu quả để phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ và cả người lớn khi chưa mắc bệnh.
- Tránh tiếp xúc với người bị thủy đậu hoặc nghi mắc bệnh.
- Trẻ bị thủy đậu không nên đến trường hoặc chơi đùa cùng bạn bè để tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Tốt nhất, nên cho trẻ cách ly tại nhà để hạn chế lây lan cộng động.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ nhất là đôi tay. Dạy trẻ rửa tay thường xuyên nhất là trước khi đưa tay lên mặt, miệng… và sau khi chơi.
- Phụ nữ trước khi mang thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêm chủng vacxin phòng thủy đậu nếu trước đó chưa tiêm hoặc chưa mắc bệnh.
- Đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
- Những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ như giáo viên, người trông trẻ, cha mẹ… nên chủng ngừa vacxin thủy đậu nếu chưa bị bệnh.
Tiêm phòng sớm và cẩn thận xung quanh những người bị thủy đậu là những biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất mà bạn có thể thực hiện để bảo vệ trẻ. Mặc dù là bệnh truyền nhiễm thông thường, tiến triển lành tính và ít gây biến chứng nguy hiểm ở trẻ, tuy nhiên việc tuân thủ điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ tránh được những rủi ro không đáng có do thủy đậu gây ra.
BS. Thanh Mai