Bệnh tiểu đường tuýp 1 có nguy hiểm không? Cần làm gì nếu mắc phải
Bệnh tiểu đường tuýp 1 mắc chủ yếu ở người trẻ dưới 30 tuổi. Vì thế những người mới mắc sẽ rất hoang mang khi phải chung sống với bệnh mấy chục năm còn lại. Vậy bệnh tiểu đường tuýp 1 có nguy hiểm không? Bệnh nhân cần làm gì nếu mắc phải? Bài viết dưới đây sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Nội dung bài viêt
- Thế nào là đái tháo đường tuýp 1?
- Nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường tuýp 1
- Dấu hiệu nhận biết đái tháo đường tuýp 1 là gì?
- Chẩn đoán đái tháo đường túyp 1 như thế nào?
- Các biến chứng thường gặp của đái tháo đường tuýp 1, cách xử trí, phòng biến chứng
- Điều trị đái tháo đường tuýp 1 như thế nào?
Thế nào là đái tháo đường tuýp 1?
Đái tháo đường (tiểu đường) tuýp 1 là bệnh lý mạn tính trong đó mức đường huyết tăng quá cao do cơ thể không sản sinh hormone insulin. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1. Khi bạn bị tiểu đường tuýp 1, các tế bào tuyến tụy – nơi sản sinh ra hormone điều hòa đường huyết insulin bị phá hủy.Vì vậy, cơ thể bạn không sản sinh insulin, được gọi là tình trạng thiếu Insulin tuyệt đối.
Cơ thể người cần insulin để đưa đường từ máu vào trong tế bào và chuyển hóa thành năng lượng phục vụ hoạt động của tế bào. Trong khi đó, nếu bạn bị tiểu đường tuýp 1 thì các thực phẩm giàu tinh bột, đường vẫn bị enzyme tiêu hóa phân cắt thành các phân tử đường glucose hấp thu vào máu. Nhưng cơ thể lại không có Insulin để đưa đường từ máu vào trong tế bào. Đường bị tích tụ trong máu gây nên tình trạng tăng đường huyết.
Nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường tuýp 1
Nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1 là gì ?
Tiểu đường tuýp 1 không phải do chế độ ăn hay lối sống gây ra. Đây là một bệnh tự miễn – tức là hệ thống miễn dịch trong cơ thể nhắm sai đích, phá hủy chính các tế bào đảo tụy. Có nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích cho tình trạng này gồm:
- Do di truyền: có một số vùng gen được ký hiệu là IDDM1 có liên quan tới bệnh tiểu đường loại 1.
- Nhiễm virus: enterovirus là một nhóm virus gây bệnh viêm màng não, chân tay miệng, viêm ruột. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những bà mẹ có nồng độ kháng thể kháng enterovirus cao hơn thì nguy cơ con bị tiểu đường tuýp 1 cao hơn.
- Thiếu vitamin D: các nghiên cứu chỉ ra rằng những người thiếu vitamin D có tỷ lệ mắc tiểu đường tuýp 1 cao hơn.
Ai có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 1?
Những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 thường có các yếu tố nguy cơ như:
- Những người có bố mẹ hoặc anh chị em mắc đái đái tháo đường tuýp 1.
- Di truyền: Sự hiện diện của một số gene cho thấy tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 1.
- Bị mắc một số loại virus: Epstein-Barr, coxsackievirus, virus quai bị hoặc cytomegalovirus.
- Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các sản phẩm từ sữa (đặc biệt là sữa bò và protein beta casein trong sữa), nitrat cao trong nước uống và tiêu thụ ít vitamin D. Tiếp xúc sớm ( < 4 tháng) hoặc muộn ( > 7 tháng) với gluten và ngũ cốc làm tăng sản xuất tự kháng thể chống lại tế bào đảo tụy.
- Trẻ có mẹ bị tiền sản giật trong giai đoạn mang thai.
- Trẻ bị bệnh vàng da bẩm sinh.
- Địa lý: Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có xu hướng tăng lên khi đi từ đường xích đạo.
Dấu hiệu nhận biết đái tháo đường tuýp 1 là gì?
Dấu hiệu nhận biết tiểu đường
Dấu hiệu và các triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp1 thường xuất xuất hiện nhanh chóng và dữ dội chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần, bao gồm:
- Khát nước
- Đi tiểu nhiều
- Sụt cân: Giảm cân không rõ nguyên nhân, mặc dù bạn ăn nhiều và luôn cảm thấy đói
- Đói: cho dù bạn ăn nhiều
- Mệt mỏi
- Mờ mắt
- Ngứa bộ phận sinh dục do nhiễm trùng tiết niệu hoặc tưa miệng do nhiễm trùng ở miệng.
- Các vết thương mất nhiều thời gian để lành.
Trong trường hợp, đường huyết tăng quá cao, bệnh nhân tiểu đường có thể hôn mê do nhiễm toan ceton.
Chẩn đoán đái tháo đường túyp 1 như thế nào?
Để chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1, các xét nghiệm sau thường được sử dụng:
- Glycated hemoglobin (HbA1c): Mức HbA1c là 6,5% hoặc cao hơn trong 2 lần kiểm tra riêng biệt được chẩn đoán bị tiểu đường. Kết quả giữa 6% và 6.5 % được xem là tiền tiểu đường, có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
- Kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên: Bất kể thời điểm, mức độ đường trong máu ngẫu nhiên là 200 mg/dL (11.1 mmol/L) hoặc cao hơn cho thấy bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi kết hợp với bất kỳ 1 trong 4 dấu hiệu điển hình: khát nước, tiểu nhiều, đói và sụt cân.
- Xét nghiệm đường huyết trong máu khi nhịn ăn: Mức độ đường huyết lúc đói 100-125 mg / dL (5,6-6,9 mmol/L) được xem là tiền tiểu đường. Nếu là 126 mg/dL (7 mmol/L) hoặc cao hơn vào hai kiểm tra riêng biệt, có bệnh tiểu đường.
- Xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống: Bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường khi kết quả glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ sau khi uống 75g glucose lớn hơn 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L)
Bên cạnh đó, khi được chẩn đoán đái tháo đường, bác sỹ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm nhằm phân biệt đái tháo đường tuýp 1 hoặc 2.
Các biến chứng thường gặp của đái tháo đường tuýp 1, cách xử trí, phòng biến chứng
Các biến chứng của đái tháo đường tuýp 1
Biến chứng đái tháo đường
Một số các biến chứng của bệnh đái tháo đường tiềm năng bao gồm:
- Tim và bệnh mạch máu: bao gồm bệnh động mạch vành với đau ngực (đau thắt ngực), đau tim, đột quỵ, thu hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) và bệnh huyết áp cao.
- Tổn thương thần kinh (neuropathy): Biến chứng thần kinh ngoại biên, ảnh hưởng chủ yếu đến các dây thần kinh ở chi dưới, với các biểu hiện chính là: giảm/mất cảm giác đồng đều ở hai chân, tê bì, cảm giác như kiến bò, dị cảm. Các tổn thương đối các dây thần kinh kiểm soát tiêu hóa có thể gây ra vấn đề với buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa hoặc táo bón. Đối với nam giới, có thể rối loạn chức năng cương dương.
- Tổn thương thận: bệnh suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không thể đảo ngược, đòi hỏi chạy thận hoặc ghép thận.
- Tổn thương mắt: Bệnh đái tháo đường tuýp 1 gây ra các bệnh lý võng mạc có thể dẫn đến mù lòa, làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
- Nhiễm trùng: Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 dễ bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn và nấm. Ngoài việc tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh nhân đái tháo đường dễ nhiễm nấm da và niêm mạc (ví dụ: ở da, miệng, bộ phận sinh dục, tiết niệu và hô hấp). Loét và nhiễm trùng do thiếu máu nuôi da ở chân, nếu không điều trị, có thể trở nên nhiễm trùng nặng, dẫn đến loại bỏ ngón chân, bàn chân hoặc cắt cụt chân.
- Loãng xương
- Bệnh Alzheimer
- Vấn đề về tai: suy giảm thính giác.
- Tử vong: hôn mê do tăng đường huyết- nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Biến chứng khi mang thai: Nguy cơ thai chết lưu, sẩy thai và dị tật bẩm sinh cũng tăng lên khi bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt. Đối với mẹ, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường toan ceton, bệnh lý võng mạc, mang thai gây ra tăng huyết áp và tiền sản giật.
Các biện pháp phòng ngừa và xử lý biến chứng
Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ nhằm kiểm soát đường huyết.
Kiểm tra cơ bản ở đây bao gồm:
- Khám chân
- Kiểm tra cơ bản
- Xét nghiệm nước tiểu để tìm albumin niệu
- Định lượng creatinin huyết thanh và lipid máu.
Khi có các dấu hiệu của biến chứng, cần đến gặp ngay bác sĩ để được điều trị phù hợp.
Khám bàn chân
Điều trị đái tháo đường tuýp 1 như thế nào?
Đái tháo đường tuýp 1 nên ăn uống như thế nào?
- Carbohydrate: ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt, các loại đậu, trái cây, sữa chua không đường, các loại hạt, lúa mì nguyên hạt hoặc các loại bột ngũ cốc nguyên hạt khác.
- Protein: Các loại thực phẩm giàu protein nên được bổ sung vào thực đơn dành cho người tiểu đường type 1 có thể kể đến như: các loại đậu, trứng, hải sản, sữa ít béo, đậu Hà Lan, đậu phụ, thịt nạc, thịt gia cầm như thịt gà bỏ da, các loại cá,…
- Chất xơ từ rau củ quả: Rau xanh, chẳng hạn như rau diếp cá, cải xoăn, rau bina, cải xoong, Ớt chuông Bí xanh, Cà tím, Đậu xanh,các loại nấm, Bông cải xanh và bông cải trắng. Các loại rau củ quả khác giàu tinh bột và chứa nhiều đường hơn vẫn có thể được đưa vào thực đơn với lượng nhỏ.
- Chất béo lành mạnh: Quả bơ, Dầu ô liu, Các loại hạt, Các loại cá giàu axit béo omega 3 như cá hồi, cá ngừ và cá thu.
Các thực phẩm cần tránh:
- Các loại thực phẩm chứa carb đơn như cơm trắng,
- Mía, mật ong, và các loại trái cây như táo, nho
- Khoai tây chiên, gà rán hay các thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ nói chung
- Bánh kẹo có vị ngọt
- Các loại kem
- Các loại nước ngọt, trà sữa…
Chế độ luyện tập cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1
Những hoạt động thích hợp: bơi lội, đi bộ hoặc đi xe đạp. Quan trọng nhất là làm cho hoạt động thể chất là một phần thói quen hàng ngày. Mục tiêu ít nhất 30 phút tập thể dục trong ngày và hầu hết trong tuần. Nếu không hoạt động trong một thời gian, bắt đầu từ từ và xây dựng dần dần.
Khi bị đái tháo đường tuýp 1 dùng thuốc gì?
Bên cạnh Insulin, bệnh nhân nên sử dụng một số loại thuốc sau để ngăn ngừa biến chứng:
- Pramlintide (Symlin). Tiêm thuốc này trước khi ăn có thể làm chậm sự di chuyển thức ăn qua dạ dày để hạn chế sự gia tăng mạnh lượng đường trong máu xảy ra sau bữa ăn.
- Aspirin liều thấp. Bác sĩ có thể kê toa điều trị liều thấp aspirin để phòng ngừa bệnh tim và mạch máu.
- Thuốc ức chế men chuyển hoặc ARB được chỉ định cho những bệnh nhân có bằng chứng về bệnh thận do đái tháo đường sớm (albumin niệu). Thuốc ức chế men chuyển cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng ở tim và thận.
- Statin hiện đang được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ / Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị sử dụng cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường từ 40 đến 75 tuổi nhằm kiểm soát lipid máu.
Lưu ý: bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 cần cân bằng lượng carbohydrate, insulin và các hoạt động thể chất là cần thiết để cơ thể duy trì mức đường huyết ổn định.