Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Nội dung bài viêt
1. Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là những dị tật bất thường ở tim của trẻ. Chúng có thể là dị tật của cơ tim, van tim hoặc buồng tim. Đây là nhóm dị tật thường gặp nhất trong số các dị tật ở trẻ sơ sinh.
Thời điểm xảy ra các dị tật tim là lúc bào thai và sẽ tồn tại đến sau khi trẻ sinh ra. Chúng dẫn đến hoạt động và chức năng của tim bị ảnh hưởng. Gây nên những tác động lớn đến sức khỏe của trẻ, thậm chí là tử vong.
Theo số liệu thống kê của CDC Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng gần 1% số trẻ sinh ra, tương đương 40 000 trẻ bị mắc tim bẩm sinh. Và tỉ lệ tử vong do bệnh tim bẩm sinh chiếm đến 4,2% trong tổng số tất cả các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ.
2.Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh
Một số nguyên nhân gây ra bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh có thể kể đến là:
– Do di truyền: các dị tật bẩm sinh ở trẻ nói chung và dị tật về tim nói riêng có liên quan phần nhiều đến di truyền. Trẻ có bố mẹ hoặc người thân trong gia đình bị tim bẩm sinh thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ở một số trường hợp bố mẹ mang gen bệnh nhưng không có biểu hiện lâm sàng thì đến đời con tỉ lệ mắc bệnh cũng sẽ cao hơn so với các trẻ khác.
– Do mẹ nhiễm bệnh trong thời gian mang thai: trong thai kỳ, nhất là khoảng thời gian 3 tháng đầu tiên nếu mẹ không may bị nhiễm các loại virus như Virus Herpes, Rubella, Cytomegalo,..; hoặc mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ, lupus ban đỏ hệ thống cũng khiến cho nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh ở trẻ tăng cao hơn
Mẹ mắc Rubella hoặc Sởi trong thai kỳ làm tăng tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh
– Do nhiễm độc thai: Một nguyên nhân khác gây bệnh tim bẩm sinh có thể kể đến là trong thời gian mang thai mẹ sử dụng các chất kích thích rượu, bia, ma tuý, một số loại thuốc; hoặc mẹ sống trong môi trường độc hại, tiếp xúc với hóa chất, chất phóng xạ, tia X quang.
3. Triệu chứng tim bẩm sinh
Tuỳ theo mức độ dị tật của tim và độ tuổi mà trẻ có các triệu chứng khác nhau
– Ở trẻ sơ sinh: trẻ có tình trạng khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực khi thở. Trẻ bú ít và phải dừng để nghỉ liên tục trong khi bú mẹ. Tùy theo theo thể bệnh, dạng dị tật tim mà ở một số trường hợp trẻ có tình trạng tím môi, tím đầu chi.
Hình ảnh tím môi, đầu chi ở trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh
– Ở trẻ vài tháng tuổi: lúc này sẽ có biểu hiện rõ ràng hơn. Trẻ thường xuyên ho, thở khò khè hay bị viêm phổi tái đi tái lại.
– Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thường sẽ còi cọc và chậm phát triển hơn so với bạn đồng trang lứa
– Trẻ có đột biến khác như sứt môi, thiếu hoặc thừa ngón chân ngón tay, các bệnh di truyền như Down, Turner,… cũng sẽ có nguy cơ cao bị mắc tim bẩm sinh
– Một số trẻ mắc tim bẩm sinh ở dạng nhẹ sẽ không có biểu hiện rõ rệt, chỉ tình cờ phát hiện được khi trẻ đi khám các bệnh khác hoặc khi đi kiểm tra sức khỏe
4. Điều trị bệnh tim bẩm sinh
Phẫu thuật mở lồng ngực được chỉ định với trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không thể can thiệp qua da
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì vẫn sẽ có cơ hội phát triển bình thường như các bạn đồng trang lứa. Để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ các bác sĩ cần phải thăm khám kỹ lưỡng, làm các cận lâm sàng như ghi điện tim, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ tim.
Một số phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh của trẻ sơ sinh là:
– Chăm sóc phù hợp: trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần được chăm sóc một cách phù hợp.
+ Về chế độ dinh dưỡng:
Trẻ mắc tim bệnh tim bẩm sinh cần nhu cầu năng lượng cao hơn trong khi khả năng hấp thu của cơ thể lại giảm, vì vậy cha mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Ở trẻ bú mẹ để tránh xảy ra tình trạng sặc sữa, khi cho bú mẹ cần bế trẻ lên chứ tuyệt đối không được để trẻ nằm khi bú. Sau khi trẻ bú xong mẹ cần phải tiếp tục bế đứng trẻ lên, áp vào vai mẹ vài phút và vỗ nhẹ vào lưng để trẻ ợ hơi trước khi đặt trẻ nằm xuống.
So với trẻ bình thường, trẻ bị mắc tim bẩm sinh nên được mẹ cho bú nhiều lần trong ngày, số lượng sữa trong mỗi lần bú có thể giảm đi. Nếu để trẻ bú lâu dễ làm cho trẻ bị mệt và sặc sữa.
Nếu trẻ đã ăn dặm thì nên cho trẻ ăn từng ít một và chia làm nhiều bữa trong ngày. Khẩu phần ăn nên bổ sung thêm rau xanh, trái cây để tránh táo bón. .
+ Về hoạt động thể lực: hầu hết trẻ vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Tuy vậy trẻ vẫn cần tránh các hoạt động thể lực mạnh.
+ Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần được phòng các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn răng miệng, nhiễm khuẩn da để hạn chế gây nặng nề hơn tình trạng tim bẩm sinh
– Điều trị nội khoa bằng các thuốc: tùy từng trường hợp mà trẻ có thể phải sử dụng ngắn hạn hoặc lâu dài các thuốc hỗ trợ hoạt động của tim, thuốc điều trị rối loạn nhịp, thuốc chống đông, thuốc lợi tiểu.
– Can thiệp qua da: là một phương pháp điều trị hiện đại, với các ưu điểm vượt trội như không phải mở xương ức, giảm đau, rút ngắn thời gian hồi phục sau can thiệp, giảm tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn. Các can thiệp bao gồm: nong các van tim bị hẹp, đặt giá đỡ, bít các luồng thông bất thường, thay van động mạch phổi qua da,…
– Phẫu thuật tim: được chỉ định đối với những đối tượng không thể can thiệp qua da. Trẻ sẽ được mở lồng ngực và tiến hành các phẫu thuật như đóng các lỗ thông, mở rộng các mạch máu bị hẹp, sửa chữa các van tim,…
5. Cách phòng bệnh tim bẩm sinh
Để phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, khi mang thai mẹ cần lưu ý các điểm sau:
– Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi, bệnh quai bị và bệnh Rubella trước khi mang thai
Vắc xin phòng bệnh sởi – quai bị – Rubella tốt nhất nên tiêm trước khi mang thai 3 tháng
– Hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại, các hóa chất, chất phóng xạ, tia X quang. Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma túy trong thai kỳ.
– Thận trong khi sử dụng các thuốc trong thai kỳ, nếu bắt buộc cần phải sử dụng thì nên có sự tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia.
– Đối với mẹ bị tiểu đường thai kỳ, cần kiểm soát đường huyết một cách chặt chẽ.
– Siêu âm để chẩn đoán, sàng lọc và phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh: có thể thực hiện từ tuần thứ 18 – 24 của thai kỳ. Bằng phương pháp siêu âm 4 chiều (4D) bác sĩ có thể khảo sát các cấu trúc của hệ tim mạch từ đó phát hiện được phần lớn những dị tật tim bẩm sinh từ mức độ nhẹ đến nặng.
BS Nguyễn Việt Hưng