Bệnh tim có chữa được không nếu phát hiện sớm?

Bệnh lý tim mạch đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Cứ 100 người tử vong thì có tới 33 người có nguyên nhân từ bệnh lý tim mạch. Vậy bệnh tim có chữa được không nếu phát hiện sớm? Bài viết dưới đây của Thầy thuốc Việt Nam sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này!

1. Bệnh tim có chữa được không?

Trước hết bệnh tim là một từ chỉ chung các bệnh lý về tim mạch, có thể là các bệnh về cơ tim, van tim, động mạch nuôi tim (mạch vành) hoặc nhịp tim. Các bệnh hay gặp là: tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, hở van tim, rung nhĩ, suy tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi,…

Thiếu máu cơ tim có chữa được không? Đây là câu trả lời

Bệnh tim có chữa được không nếu được phát hiện sớm?

Vậy bệnh tim có chữa được không? Bệnh tim không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát và giảm các triệu chứng bệnh, tránh tăng nặng và tránh các biến chứng. Thay đổi lối sống, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thăm khám bác sĩ thường xuyên chính là cách hiệu quả nhất để giảm tiến triển của bệnh.

2. Một số cách điều trị bệnh tim hiệu quả

Cách điều trị bệnh tim

2.1.Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp với người bệnh tim

Cách điều trị bệnh tim đầu tiên đó là thực hiện chế độ ăn uống phù hợp. Người bị bệnh tim được khuyến cáo nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ và cân bằng các chất, duy trì cân nặng ở mức vừa phải. Tránh ăn quá nhiều muối (>5g/ ngày), hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, đồ ăn nhiều cholesterol, tăng cường rau xanh và hoa quả, giảm bớt các thức ăn chứa nhiều đường và tinh bột. Về đồ uống: bệnh nhân mắc bệnh tim nên hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn và các chất kích thích như cà phê, chè, nước tăng lực,… vì những thức uống này ngoài việc ảnh hưởng xấu đến tim còn có thể tương tác với thuốc tim mạch bệnh nhân đang dùng.

Trong một số trường hợp như bệnh nhân suy tim, cần hạn chế lượng nước nạp vào cơ thể( bao gồm cả nước uống và nước từ thức ăn) xuống 1,5-2 lít/ngày để giảm các triệu chứng phù nề và tắc nghẽn. Tuy nhiên khi thời tiết khô nóng, và/ hoặc khi nôn ói, tiêu chảy cần điều chỉnh cho phù hợp tránh mất nước.

2.2. Xây dựng thói quen sinh hoạt, luyện tập phù hợp với người bệnh tim

Người bị bệnh tim được khuyến cáo nên xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, cùng với chế độ luyện tập đều đặn nhưng vừa sức. Đây cũng là 1 cách điều trị bệnh tim hiệu quả.

Ngủ sớm và ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ giúp tinh thần bệnh nhân tốt hơn, cải thiện cả thể chất của người bệnh.

Việc tập luyện thể thao của người bệnh tim cần theo dõi và cân đối dựa theo tình trạng sức khỏe, nên tập các môn thể thao nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập yoga, tập dưỡng sinh, khiêu vũ,… Tránh các môn đối kháng, các môn thể thao cường độ vận động cao.

2.3. Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch

Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ của bệnh tim là một trong các cách điều trị bệnh tim hiệu quả. Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch có thể kiểm soát bao gồm:

  • Thừa cân béo phì

Kiểm soát cân nặng giúp ổn định bệnh tim mạch

Thừa cân béo phì thường dẫn đến Cholesterol trong máu cao, đồng thời bệnh nhân có nguy cơ tăng huyết áp và bệnh mạch vành. Thừa cân béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mắc kèm khác khi bị bệnh tim. Chính vì vậy kiểm soát cân nặng sẽ giúp kiểm soát và ổn định tình trạng bệnh tim mạch.

Bệnh nhân có thể theo dõi cân nặng và tính chỉ số BMI (Body mass index) theo công thức:

Ví dụ: cân nặng 72kg, chiều cao 1,65m thì BMI= 72/ (1,65)2 = 26.45

Chỉ số BMI của người lớn ở châu Á không mang thai theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì

+ BMI <18,5:  bạn đang gầy, nên ăn uống và luyện tập để tăng cân

+ BMI trong khoảng 18,5 – 24,9:bình thường, bạn nên duy trì cân nặng để BMI ở mức này.

+ BMI từ 25 – 29,9: bạn đang thừa cân, nên ăn uống và tập luyện để giảm số cân nặng đi một ít

+ BMI > 30: bạn đang béo phì, cần giảm cân ngay để có một sức khỏe tốt hơn

  • Nghiện thuốc lá

Nicotin trong thuốc lá làm tăng nhịp tim, làm tim hoạt động bất thường và có thể gây nên tình trạng loạn nhịp, gây co thắt các mạch máu lớn, khiến tim của bạn hoạt động khó khăn hơn. Carbon monoxide trong khói thuốc cũng làm tăng tích tụ mảng bám trong mạch máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Việc hút thuốc cũng làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ ở người huyết áp cao. Chính vì thế việc ngừng hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả thuốc lá điện tử là sẽ giảm đi yếu tố nguy cơ với bệnh tim mạch.

Thuốc lá là kẻ hủy diệt thầm lặng trái tim của bạn

  • Thiếu vận động thể chất

Việc hoạt động thể chất giúp tăng trao đổi chất, kích thích quá trình chuyển hóa trong cơ thể, hạn chế tích mỡ, kiểm soát mức Cholesterol. Hoạt động thể chất còn giúp tăng hoạt động của tim làm tim mạch khỏe hơn. Tuy nhiên người bệnh tim được khuyến cáo không hoạt động với cường độ cao trong thời gian ngắn, thay vào đó nên tập thể dục, chơi thể thao với cường độ trung bình và đều đặn để có một trái tim khỏe.

  • Cao huyết áp

Bệnh nhân bị tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg hoặc cả 2 trường hợp trên. Tăng huyết áp thường dẫn đến tăng gánh nặng cho tim mạch, tim phải hoạt động nhiều hơn, làm tăng nguy cơ suy tim và đột quỵ.

Chính vì vậy việc tự theo dõi huyết áp tại nhà và thông báo cho bác sĩ khi có bất thường là cần thiết đối với bệnh nhân bị bệnh tim, giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.

  • Cholesterol trong máu cao

Cholesterol là một chất béo có vai trò tạo thành màng tế bào và một số hormon trong cơ thể. Không phải loại chất béo nào cũng xấu, người ta thấy rằng khi chỉ số LDL Cholesterol cao mới gây nguy cơ cao cho bệnh tim mạch, vì LDL Cholesterol là những lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp, chứa nhiều cholesterol trong phân tử, dễ gây nên các mảng xơ vữa, bít tắc trong mạch máu, gây nên nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Ở người trưởng thành khỏe mạnh, LDL tối ưu là <100mg/dL, từ 100 – 129 mg/dL là bình thường (người bị bệnh tim mạch nên giữ LDL< 100 mg/dL), 130 – 159 mg/dL là ở giới hạn cao, 160 – 189 mg/dL là cao và từ 190 mg/dL trở lên là rất cao.

Để giữ cho LDL ở mức tối ưu, lời khuyên từ các chuyên gia là ăn đồ ăn chứa ít chất béo bão hòa, ít cholesterol, ít đường; ăn nhiều chất xơ; luyện tập đều đặn, hợp lý.

  • Tiểu đường

Đường trong máu cao làm tăng sự kết dính ở thành mạch máu, tiểu cầu dễ bám lại ở vùng mạch máu bị tổn thương. Bệnh tiểu đường cũng ảnh hưởng đến chuyển hóa chất béo (cholesterol và triglycerid). Bệnh nhân mắc tiểu đường dễ có nguy cơ xơ vữa động mạch, đặc biệt là động mạch vành nuôi tim. Chính vì vậy bệnh tiểu đường chính là một trong những yếu tố nguy cơ tăng nặng bệnh tim mạch. Kiểm soát đường huyết tốt cũng giúp trái tim bạn khỏe hơn.

2.4. Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh tim

Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh tim của bác sĩ

Các phác đồ điều trị bệnh tim đều dựa trên các nghiên cứu lớn, đánh giá trong thời gian dài. Việc tuân thủ điều trị sẽ đem đến những lợi ích được kỳ vọng. Đây là một trong những cách điều trị bệnh tim giúp kiểm soát tốt và giảm các biến chứng của bệnh.

 Việc tuân thủ phác đồ điều trị bệnh tim gồm:

  • Sử dụng thuốc đúng như đơn bác sĩ kê;
  • Uống đúng liều; có thể cài đặt nhắc nhở hoặc nhờ người nhà nhắc nhở để tránh quên thuốc;
  • Không tự ý ngưng thuốc khi thấy các triệu chứng đã giảm mà cần thăm khám và có sự đồng ý của bác sĩ;
  • Không tự ý dùng thuốc được kê cho người khác;
  • Hỏi bác sĩ dược sĩ  để tránh các thực phẩm, chất lỏng, hoặc các loại thuốc khác tương tác với thuốc bệnh nhân bệnh tim đang uống;
  • Bảo quản thuốc đúng cách, chú ý hạn sử dụng, tình trạng toàn vẹn
  • Thăm khám thường xuyên để có những đánh giá chính xác về tình trạng bệnh và hiệu chỉnh cho phù hợp.

Kết luận: Qua bài viết, chúng ta đã phần nào trả lời được câu hỏi: Bệnh tim có chữa được không? Bệnh tim nếu phát hiện sớm và thực hiện theo những cách điều trị bệnh tim kể trên hoàn toàn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh và hạn chế biến chứng.

DS Đỗ Thị Thủy

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận