Bệnh tim mạch vành: Nguyên nhân – Triệu chứng – Cách điều trị
Bệnh tim mạch vành có tỷ lệ người mắc khá cao, gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới. Bệnh tim mạch vành nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm thì có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời được xem là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người bệnh.
Nội dung bài viêt
1. Bệnh tim mạch vành là gì?
Bệnh tim mạch vành là bệnh nguy hiểm gây tử vong cao
Bệnh tim mạch vành là tình trạng xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị cản trở do bị nghẽn bởi các mảng xơ vữa hình thành và tích tụ bên trong, dẫn đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Khi lưu lượng máu và oxy đến tim giảm gây nên nhồi máu cơ tim, các cơn đau thắt ngực và làm tim bị tổn thương vĩnh viễn. Bệnh tim mạch vành còn có các tên gọi khác như: bệnh tim do xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, bệnh tim thiếu máu cơ tim cục bộ,…
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch vành?
– Nguyên nhân chính gây nên bệnh tim mạch vành là do mảng xơ vữa làm nghẽn lòng động mạch vành và co thắt mạch vành.
– Các yếu tố nguy cơ của bệnh gồm:
+ Tuổi: tuổi càng cao thì nguy cơ bị xơ vữa động mạch và hẹp các động mạch càng tăng.
+ Tiền sử gia đình: một người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao nếu trong gia đình có cha, anh em trai mắc bệnh trước 55 tuổi; hoặc mẹ /chị em gái bị mắc bệnh trước 65 tuổi.
+ Thừa cân – béo phì: những người có chỉ số BMI >23 dễ có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch chuyển hóa, trong đó có bệnh tim mạch vành.
+ Ít vận động: những người ít vận động hoặc tập thể dục thể thao sẽ dễ mắc các hội chứng chuyển hóa như tăng huyết áp, tăng đường máu, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng nguy cơ bị bệnh mạch vành.
+ Chế độ ăn uống không lành mạnh:thức ăn chiên xào, thực phẩm chứa chất béo, thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, nhiều muối và chất bột, đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
+ Hút thuốc lá: đây là nguyên nhân hàng đầu, hay gặp ở nam giới và một bộ phận nữ giới. Khói thuốc gây co thắt động mạch, tăng nguy cơ các bệnh nguy hiểm khác như ung thư phổi, ung thư vòm họng…
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về tim mạch
+ Nghiện bia, rượu, chất kích thích: Chất cồn có trong bia rượu làm giảm khả năng tuần hoàn của máu, đây cũng là nguyên nhân chính gây xuất hiện các cơn đau thắt ngực và thiếu máu cục bộ cơ tim. Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý về gan mật.
3. Phân loại bệnh tim mạch vành như thế nào?
Các chuyên gia chia bệnh tim mạch vành thành 3 loại:
– Bệnh tim mạch vành co thắt: Bệnh dễ khởi phát khi người bệnh sử dụng chất kích thích như bia rượu, bị căng thẳng kéo dài, tiếp xúc với không khí lạnh đột ngột, hút thuốc lá,…làm cho một hoặc nhiều động mạch vành bị thu hẹp tạm thời.
– Bóc tách động mạch vành tự phát: Đây là hiện tượng tạo nên khi các lớp của thành mạch vành bỗng nhiên rách ra và làm cho máu bị chảy một phần vào khe rồi bị giữ lại. Điều này làm cho lượng máu đến tim bị chặn hoặc chậm hơn, gây ra tình trạng nhịp tim bất thường, đau thắt ngực và thậm chí dẫn đến tử vong.
– Bệnh tim mạch vành do mảng xơ vữa: Mảng xơ vữa có thể mềm hoặc cứng, hình thành từ cholesterol, triglyceride, canxi và tế bào viêm ở trên thành mạch vành. Những mảng cứng sẽ khó nứt vỡ, khó tạo thành cục máu đông vì nó ổn định hơn còn những mảng mềm dễ nứt vỡ tạo thành cục máu đông gây ra bệnh nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
4. Triệu chứng thường gặp của bệnh tim mạch vành
Cơn đau thắt ngực là triệu chứng phổ biến trong bệnh tim mạch vành
Cơn đau thắt ngực, đau ở vùng tim hoặc khó thở khi gắng sức là những triệu chứng phổ biến thường gặp nhất trong bệnh tim mạch vành. Tình trạng này xảy ra khi hoạt động gắng sức như đi bộ leo dốc, leo cầu thang, stress, căng thẳng, cơn đau kéo dài chừng 3 – 5 phút, thường dưới 15 phút, ít khi xảy ra trong vài giây. Người bệnh có cảm giác nặng nề vùng ngực, khó thở, đè nén ở tim, nghẹn, thắt, bóp nghẹt ở trong lồng ngực, thường bên ngực trái hoặc sau xương ức. Cơn đau có tính chất lan, thường lan lên cổ, hàm, hai vai, cánh tay trái hoặc lan sau lưng. Cơn đau trong bệnh tim mạch vành giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc nitrate. Các triệu chứng của bệnh tim mạch vành ở nam giới thường nặng hơn so với nữ giới.
5. Phương pháp điều trị bệnh tim mạch vành
Phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh tim mạch vành sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau:
– Thay đổi lối sống: Đây là một biện pháp rất cần thiết để giảm các biến chứng và tình trạng nặng lên của bệnh. Người bệnh hay hút thuốc phải ngưng thuốc lá ngay, tập thể dục đều đặn hàng ngày, giảm cân nếu cơ thể thừa cân hay béo phì, thiết lập chế độ ăn chứa các loại thực phẩm tốt cho tim mạch, giảm rượu bia, các chất kích thích.
– Điều trị bằng thuốc
Người bệnh cần uống thuốc đều đặn và lâu dài theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Các loại thuốc hay dùng trong bệnh tim mạch vành:
+ Thuốc giảm mỡ máu, giảm xơ vữa động mạch: simvastatin, pravastatin, atorvastatin, rosuvastatin.
+ Thuốc chống kết tập tiểu cầu: clopidogrel, ticagrelor, aspirin, prasugrel
+ Thuốc chống đau thắt ngực: như chẹn kênh calci, chẹn beta, nitrate, ranolazine, trimetazidine, nicorandil,…
+ Thuốc điều trị các bệnh đi kèm như cao huyết áp, đái tháo đường,…
Đặt stent là một phương pháp điều trị bệnh tim mạch vành
– Can thiệp động mạch vành qua da và đặt stent: Stent động mạch vành là những khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào trong lòng mạch vành, nhằm mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ cho lòng mạch không hẹp lại.
– Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
Dùng một đoạn động hoặc tĩnh mạch làm cầu nối bắc qua vị trí của động mạch vành bị tổn thương, nối phía sau đoạn hẹp; giúp cho vùng cơ tim sau chỗ hẹp bị thiếu máu sẽ được cung cấp đủ máu thông qua cầu nối mới.
Người bệnh sau khi đặt stent hoặc mổ bắc cầu động mạch vành, cần uống thuốc đều đặn, thay đổi lối sống để tránh bị tái hẹp, tắc trong stent hay cầu nối mạch vành.
– Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu thêm nhiều cách để điều trị bệnh tim mạch vành, bao gồm:
+ Phương pháp phản xung động ngoại biên tăng cường: Đây là phương pháp sử dụng vòng ở chân thổi phồng và làm xẹp, nhằm làm tăng sự cung cấp máu cho động mạch vành. Nếu bệnh nhân bị bệnh tim mạch vành trong thời gian dài và tình trạng đau thắt ngực đã trở nên mãn tính, các thuốc nhóm nitrat không đem lại hiệu quả hoặc bệnh nhân không đủ điều kiện để tiến hành các thủ thuật trên thì đây là một phương pháp tối ưu mà bác sĩ sẽ áp dụng để chữa trị cho bệnh nhân.
+ Sử dụng chất sinh mạch: Phương pháp này áp dụng các tính chất liên quan đến tế bào gốc và các vật liệu di truyền khác. Chất sinh mạch được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc đưa trực tiếp vào mô tim đang bị tổn thương.
BS Lê Thị Hạnh