Bệnh tim sống được bao lâu? Cách kéo dài tuổi thọ
Bệnh tim mạch là các tình trạng liên quan đến sức khỏe trái tim. Bệnh tim nằm trong danh sách những bệnh có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới. Vậy người bị bệnh tim sống được bao lâu? Cách để kéo dài tuổi thọ như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.
Nội dung bài viêt
1. Người bị bệnh tim sống được bao lâu?
Tuổi thọ của người bị bệnh tim phụ thuộc vào rất nhiều tố khác nhau
Thời gian sống của người mắc bệnh được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nặng nhẹ, thời gian chẩn đoán, độ tuổi, diễn tiến của bệnh và các bệnh nền có sẵn. Do có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bị bệnh tim nên rất khó để đưa ra một con số chính xác về thời gian sống của người bị bệnh tim.
Hiện nay, với sự phát triển của y học, việc kiểm soát bệnh tim để cải thiện tuổi thọ cho người mắc bệnh tim đã không còn quá khó khăn.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bị bệnh tim
2.1. Mức độ nặng của bệnh
Mức độ nặng của bệnh là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi thọ của người bệnh.
Bệnh động mạch vành
Bệnh mạch vành là tình trạng xuất hiện các mảng xơ vữa làm cản trở máu và oxy đến tim. Triệu chứng điển hình là các cơn đau thắt ngực. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài có thể làm cơ tim hoại tử, gây ra tổn thương vĩnh viễn ở tim, thậm chí là tử vong Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp thì người bị bệnh động mạch vành có thể sống thọ tới 70, 80 tuổi, thậm chí như người bình thường.
Suy tim
Suy tim là biến chứng cuối cùng của các bệnh lý tim mạch. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), khoảng 50% số người được chẩn đoán mắc bệnh suy tim vẫn sẽ có cơ hội sống hơn 5 năm, 25% người bệnh sống được hơn 10 năm nếu có phương pháp điều trị và chế độ chăm sóc hợp lý. Dữ liệu thống kê về tỷ lệ sống sau 5 năm đối với từng giai đoạn của bệnh suy tim như sau:
Suy tim có thể gây đe dọa đến tính mạng của người bệnh
Giai đoạn A: Đây là giai đoạn tiền suy tim. Người bệnh có nguy cơ bị suy tim hoặc gia định có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, đái tháo đường. Tỷ lệ sống sau 5 năm là 97%.
Giai đoạn B: Người bệnh trong giai đoạn này thường đã bị đau tim ở giai đoạn trước đó hoặc mắc một số dạng của bệnh lý van tim. Tỷ lệ sống sau 5 năm là 95,7%.
Giai đoạn C: Bệnh nhân đã được chẩn đoán suy tim và đang có các triệu chứng của suy tim như khó thở, sưng chân, thở dốc sau khi nằm, không thể tập thể dục. Tỷ lệ sống sau 5 năm là 74,6%.
Giai đoạn D: Tỷ lệ sống sau 5 năm là 20%. Ở giai đoạn này, suy tim đã tiến triển nặng mặc dù đã tối ưu hóa điều trị.
Bệnh lý van tim
Tuổi thọ của những người bị hở van tim phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hở van, phương pháp điều trị và bệnh lý đi kèm. Mức độ hở van càng cao thì tuổi thọ càng giảm, trong đó hở van động mạch chủ sẽ gặp nhiều rủi ro, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nhất. Ở những người hở van tim mức độ 1 là mức nhẹ nhất và ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ. Nếu phát hiện bệnh từ giai đoạn này thì người bệnh có thể thay đổi chế độ sinh hoạt và chung sống hòa bình với bệnh. Ở những người hở van tim mức độ nghiêm trọng như độ 3 và 4 làm rút ngắn tuổi thọ của bệnh nhân rất nhiều, thậm chí có thể cướp đi tính mạng của bệnh nhân bất cứ lúc nào. Trong trường hợp này, phẫu thuật thay van tim là phương pháp can thiệp ngoại khoa tối ưu nhất giúp cải thiện thời gian sống cho bệnh nhân.
Bệnh tim bẩm sinh
Bị bệnh tim bẩm sinh
Mặc dù mắc bệnh từ khi mới sinh ra nhưng những người bị bệnh tim bẩm sinh vẫn có thể sinh hoạt và sống cuộc sống bình thường nếu phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp. Theo thống kê, một người mắc bệnh tim bẩm sinh có thể sống đến 75 tuổi, trong khi đó trái tim người khỏe mạnh có tuổi thọ trung bình là 79, chỉ kém 4 tuổi so với người bình thường.
2.2. Bệnh lý đi kèm
- Đái tháo đường: Bệnh nhân bị bệnh mạch vành có tỷ lệ tử vong trong 15 năm là 65%, cao hơn nhiều so với nhóm bệnh nhân không mắc đái tháo đường.
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là nguyên nhân thúc đẩy xơ vữa động mạch, tổn thương mạch máu, khiến các mạch máu bị xơ cứng sẽ làm tăng mức độ nặng của tình trạng thiếu máu cơ tim ở người mắc bệnh mạch vành.
- Rối loạn mỡ máu: Tăng cholesterol là nguyên nhân chính gây ra các mảng xơ vữa động mạch. Vì vậy, nếu bị rối loạn mỡ máu thì những rủi ro về sức khỏe phải đối mặt cũng sẽ cao hơn.
2.3. Phương pháp điều trị
Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại đã hỗ trợ và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim một cách đáng kể.
Với bệnh mạch vành, đặt stent là phương pháp hiệu quả giúp mở rộng lòng mạch cho máu lưu thông đến vùng cơ tim thiếu máu, đồng thời tránh các nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cho bệnh nhân bị hẹp động mạch vành từ 70% trở lên. Thông thường, stent có thể ổn định trong mạch vành rất lâu, khoảng 10-15 năm hoặc có thể hơn nếu được chăm sóc tốt. Sau thời gian này, lòng mạch có thể bị hẹp trở lại và phải tiến hành đặt stent mới.
Trong trường hợp bệnh nhân suy tim, một số phương pháp như cấy ghép máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim hay thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD) giúp tăng nhịp tim, tăng phân suất tống máu, hỗ trợ chức năng thất trái để duy trì nhịp tim bình thường, đảm bảo lưu thông máu trong cơ thể khi tim đập quá chậm. Trong trường hợp bệnh nhân suy tim nặng giai đoạn cuối, phương pháp can thiệp ngoại khoa cuối cùng được sử dụng là ghép tim nhân tạo.
2.4. Chế độ chăm sóc
Chế độ chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ của người bị bệnh tim. Nếu người bệnh có chế độ ăn uống và tập luyện khoa học sẽ cải thiện được thời gian sống rất nhiều lần so với những người còn lại.
3. Làm thế nào kéo dài sự sống khi mắc bệnh tim?
Tập thể dục đúng cách sẽ giúp trái tim khỏe mạnh hơn
Sau khi xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ, sau đây là một số biện pháp giúp kéo dài tuổi thọ của người mắc bệnh lý về tim:
- Chế độ sinh hoạt khoa học: Những người mắc bệnh về tim cần hạn chế uống rượu bia, đồ uống có cồn, có ga, không hút thuốc lá. Có thể hạn chế lượng chất lỏng nạp vào (uống dưới 1,5-2 lít chất lỏng mỗi ngày, tính cả nước trong rau củ, canh, nước uống) để giảm tải gánh nặng cho thận.
- Tập thể dục thường xuyên: Lựa chọn các bài tập phù hợp theo sức khỏe và có sự tham vấn của bác sĩ. Nên ưu tiên các môn thể thao cường độ nhẹ như đi bộ, bơi lội, đạp xe, …
- Tái khám định kì thường xuyên ngay cả khi không có triệu chứng bất thường để phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.
Người bị bệnh tim hoàn toàn có thể sống thọ như người bình thường nếu được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị hợp lý
Tóm lại, không có một câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Bị bệnh tim sống được bao lâu” vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vì vậy, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tim, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị, thay đổi chế độ sinh hoạt và chăm sóc để kéo dài thời gian sống lâu nhất.
Đỗ Thị Hồng Huệ