Bệnh trầm cảm là gì? Những dấu hiệu nhận biết sớm
Bệnh trầm cảm là gì? Đây là câu hỏi khá nhiều người thắc mắc, tò mò. Thực chất, trầm cảm là căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của mọi người. Khi nền kinh tế- xã hội và các phương tiện công nghệ truyền thông ngày một phát triển thì trầm cảm đang có xu hướng tăng lên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử. Bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về căn bệnh này.
- Bệnh trầm cảm là gì?
Nội dung bài viêt
1. Bệnh trầm cảm là gì?
Bệnh trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc gây ra cảm xúc đau buồn và mất hứng thú với những hoạt động đã từng thích. Trầm cảm khiến người bệnh cảm thấy khó tập trung, khó đưa ra quyết định ảnh hưởng tới kết quả công việc, thậm chí họ còn cảm thấy khó khăn ngay cả với việc sinh hoạt thường ngày như ăn uống, nghỉ ngơi.
Không đơn giản là những cảm xúc buồn rầu mà bạn có thể tự vượt qua bằng cách tìm đến những công việc yêu thích hay tâm sự giải tỏa với người thân để quên đi và lại tiếp tục cuộc sống bình thường. Trầm cảm mang đến những cảm xúc vô cùng tiêu cực nên cần liệu trình điều trị lâu dài. Khi mắc trầm cảm, có thể bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này không còn giá trị và có xu hướng muốn tự tử.
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm
Vậy, khi đã hiểu rõ được bệnh trầm cảm là gì, chúng ta xem nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm. Theo các chuyên gia, trầm cảm có rất nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Gia đình: Bạn có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nếu trong gia đình có người bị trầm cảm hoặc gia đình không hạnh phúc.
- Sang chấn tâm lý khi còn nhỏ: Một vài sự kiện xảy ra khi bạn còn nhỏ gây ra nỗi sợ, ám ảnh tâm lý lớn.
- Sử dụng chất kích thích hay rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm.
- Bệnh lý: Các bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm như các bệnh mạn tính, mất ngủ kéo dài, rối loạn tăng động-giảm chú ý ở người lớn, tiền sử mắc các bệnh về tâm thần…Ngược lại, một số bệnh có thể diễn biến trầm trọng hơn ở bệnh nhân có rối loạn cảm xúc như: Hen suyễn, ung thư, viêm khớp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì…
- Nội tiết: Sự thay đổi nội tiết cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, điển hình là phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai và sau sinh.
- Cấu trúc não bộ: Người có vùng thùy trán kém hoạt động sẽ dễ mắc trầm cảm hơn người bình thường, tuy nhiên nguyên nhân này vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác đến từ tính cách và hoàn cảnh xã hội:
- Tính cách mặc cảm, tự ti hay chỉ trích bản thân.
- Mất người thân, ly hôn, thất tình.
- Gặp khó khăn về kinh tế, gia đình phá sản, nợ nần.
Bệnh trầm cảm hình thành do nhiều nguyên nhân tác động, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố liên quan đến cảm xúc. Đôi khi, các chuyên gia cũng không thể xác định được nguyên nhân chính xác.
3. Những dấu hiệu phổ biến của bệnh trầm cảm
- Dấu hiệu phổ biến của bệnh trầm cảm
Dấu hiệu của trầm cảm khác nhau ở từng đối tượng. Không chỉ là biểu hiện cảm xúc đau buồn, mà còn có một loạt dấu hiệu khác ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng có thể diễn ra liên tục hoặc ngắt quãng. Nhìn chung, người bị trầm cảm sẽ có một số triệu chứng phổ biến sau đây:
- Cảm xúc buồn, trống rỗng, hết hy vọng.
- Giận dữ, cáu kỉnh, thất vọng với những vấn đề rất nhỏ.
- Mất hứng thú, niềm vui với các hoạt động thường ngày như quan hệ, thể thao hay sở thích.
- Hay lo lắng, kích động, bồn chồn.
- Cảm thấy vô dụng, tội lỗi, tự trách bản thân.
- Chán ăn, sụt cân hoặc thèm ăn và tăng cân không kiểm soát.
- Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hay ngủ quá nhiều.
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng khi làm việc ngay cả những việc nhỏ nhất.
- Chậm chạp trong suy nghĩ, lời nói, hành động.
- Gặp khó khăn trong suy nghĩ, tập trung, đưa ra quyết định và ghi nhớ.
- Thường xuyên nghĩ về cái chết, có ý nghĩ tự tử hoặc cố gắng tự tử.
- Các vấn đề về sức khỏe như: Đau đầu, đau lưng không tìm được nguyên nhân.
Những người bị trầm cảm nặng sẽ có các biểu hiện rõ ràng trong cảm xúc và hành động. Một số người bị ở mức độ nhẹ chỉ thấy sự thay đổi về tâm trạng mà không lý giải được. Nếu bạn hoặc người thân có những dấu hiệu này thì nên đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn.
4. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh
Mọi đối tượng từ trẻ em đến người lớn, phụ nữ hay nam giới đều có thể bị bệnh trầm cảm. Đặc biệt, ở những đối tượng có nguy cơ cao như:
- Tuổi thơ không hạnh phúc.
- Sống trong môi trường độc hại, luôn căng thẳng.
- Lạm dụng chất kích thích như ma túy, rượu…
- Mắc các bệnh tâm thần, mất ngủ…,
- Tính cách tự ti, mặc cảm.
- Sang chấn tâm lý do một sự kiện nào đó đột ngột xảy ra với gia đình, người thân, …
Những sự kiện diễn ra trong cuộc sống ít nhiều sẽ tác động đến tâm lý của mỗi người, nếu không biết cách kiểm soát và vượt qua nó thì chính bạn có thể là “nạn nhân” của căn bệnh này.
5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh trầm cảm
Trầm cảm là bệnh liên quan đến tâm lý. Khi bạn nghi ngờ bản thân hoặc người thân có dấu hiệu trầm cảm, hãy liên hệ với bác sĩ tâm lý uy tín để được khám và tư vấn. Trầm cảm được chẩn đoán qua các bài kiểm tra tâm lý. Trong đa số trường hợp, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh một chuỗi câu hỏi liên quan về:
- Tâm trạng, cảm xúc.
- Ăn uống.
- Thói quen ngủ.
- Mức độ hoạt động.
- Suy nghĩ.
Số điểm của các bài kiểm tra sẽ đánh giá mức độ cảm xúc của bạn và cho biết liệu bạn có bị trầm cảm hay không? Trầm cảm cũng liên quan tới tình trạng sức khỏe sinh lý nên bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm một số thăm khám và xét nghiệm. Các vấn đề về tuyến giáp, thiếu vitamin D có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.
Đừng bỏ qua các dấu hiệu của bệnh trầm cảm, hãy tìm đến trợ giúp của bác sĩ khi cảm thấy sức khỏe đang gặp. Trầm cảm là bệnh rối loạn tâm lý nghiêm trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được điều trị, bệnh dẫn đến tăng hoặc sụt cân không kiểm soát, xuất hiện cơn đau bất thường, lạm dụng thuốc, bất ổn trong các mối quan hệ, bị cô lập, thậm chí tự tử.
6. Các biện pháp điều trị
- Các biện pháp điều trị bệnh trầm cảm
Để tránh những hậu quả do bệnh trầm cảm gây ra, việc điều trị là rất cần thiết. Như đã nói ở trên, bạn không thể tự điều chỉnh cảm xúc để vượt qua trầm cảm, bởi bệnh cần quá trình điều trị lâu dài. Các biện pháp bao gồm: Dùng thuốc và các liệu pháp trị liệu.
- Thuốc: Bác sĩ có thể kê cho bạn các thuốc chống trầm cảm, chống lo âu và an thần.
- Liệu pháp ánh sáng: Tiếp xúc với ánh sáng ban ngày thường xuyên giúp điều chỉnh tâm trạng của bạn.
- Châm cứu, thiền định: Đây là cách thư giãn, giải phóng cảm xúc hiệu quả. Bạn nên xin ý kiến bác sĩ về vấn đề này.
- Tập cách chia sẻ câu chuyện, tâm trạng về cuộc sống với bác sĩ, người thân, bạn bè.
Ngoài ra, một số biện pháp khác để nâng cao chất lượng cuộc sống bao gồm:
- Tập thể dục, yoga, thư giãn hàng ngày 15- 30 phút. Các bài tập hít thở, giãn cơ, ngồi thiền sẽ có tác dụng tốt.
- Chế độ ăn uống hợp lý, ăn đủ và đúng bữa, tránh đồ ăn nhiều dầu, mỡ; Bổ sung các vitamin và khoáng chất từ cá, rau xanh, và hoa quả tươi như vitamin B, D, omega-3… Có thể sử dụng thêm các thực phẩm chức năng theo tư vấn của bác sĩ.
- Tránh sử dụng các chất kích thích, rượu bia.
Thay đổi lối sống là một trong những cách tốt nhất để điều trị trầm cảm. Cùng với nỗ lực của chính người bệnh, bác sĩ và người xung quanh sẽ giúp thời gian quá trình điều trị được rút ngắn. Không có mốc thời gian cụ thể nào để xác định việc điều trị đã hoàn tất.
Xem thêm
7. Cách phòng ngừa bệnh trầm cảm tái phát
Chưa có biện pháp chắc chắn nào có thể phòng ngừa sự quay lại của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, bằng cách cải thiện bản thân cũng như môi trường sống xung quanh có thể giúp bạn tránh xa căn bệnh này:
- Tập thể dục thường xuyên.
- Ngủ đủ giấc, không nên thức khuya.
- Xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè, tránh xa những căng thẳng gây ức chế tâm lý
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý, ăn nhiều hoa quả tươi và rau xanh
- Giảm căng thẳng, điều tiết nhịp độ công việc, có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa để tăng sự kết nối với môi trường bên ngoài.
Trầm cảm là mối quan tâm lớn của ngành y tế cũng như người dân. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và thể chất, mà còn tác động đến các mối quan hệ, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Do vậy, đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo trầm cảm. Hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chia sẻ với những người thân yêu để tìm được cách giải quyết hợp lý. Bài viết trên đã cung cấp kiến thức cần biết tổng quan trả lời cho câu hỏi bệnh trầm cảm là gì.
BS. Nguyễn Phương Thùy