Bệnh trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?

Trầm cảm sau sinh là bệnh tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau khi trải qua giai đoạn “vượt cạn”. Bệnh thường có các biểu hiện như: Chán nản, mệt mỏi, trầm buồn,… thậm chí xuất hiện những suy nghĩ, hành động tiêu cực với bản thân và những người xung quanh. Nắm rõ các thông tin về bệnh trầm cảm sẽ giúp chị em phòng tránh, nhận biết sớm và vượt qua trầm cảm sau sinh.

1. Bệnh trầm cảm sau sinh là gì?

Sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ có những thay đổi về nội tiết dẫn đến sự thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ và hành vì. Người phụ nữ sau khi sinh bị rối loạn cảm xúc thường có những suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng nhiều vấn đề trong cuộc sống gọi là bệnh trầm cảm sau sinh. Những cảm giác tiêu cực lâu ngày không được chú ý đến có thể tiến triển thành các hành vi cực đoan gây hại cho chính bản thân người mẹ và những người xung quanh.

Bệnh trầm cảm sau sinh nguy hiểm như thế nào?
Bệnh trầm cảm sau sinh nguy hiểm như thế nào?

2. Những biểu hiện của bệnh trầm cảm sau sinh

Các biểu hiện của trầm cảm sau sinh có thể bao gồm:

Về cảm xúc

  • Cảm thấy trống rỗng, tuyệt vọng, chán nản.
  • Mệt mỏi, kiệt sức, thiếu năng lượng.
  • Luôn cảm thấy bản thân kém cỏi, bất tài, vô dụng.
  • Cảm giác hối hận, tội lỗi.
  • Lo lắng quá nhiều, xuất hiện nhiều suy nghĩ trong đầu nhưng phần lớn đều mơ hồ, không rõ ràng.
  • Sợ hãi, luôn có cảm giác bản thân mình làm tổn thương đứa trẻ.
  • Sợ bị bỏ rơi một mình.
  • Sợ phải đi ra bên ngoài.

Về hành động

  • Suy giảm hoặc mất hoàn toàn sự yêu thích, hứng thú, quan tâm mọi thứ xung quanh.
  • Không muốn thực hiện bất cứ hoạt động nào, sau khi làm xong bất kỳ việc gì đều cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi.
  • Ăn uống quá mức hoặc không muốn ăn.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Không quan tâm, chăm sóc bản thân.
  • Ngại gặp gỡ, tiếp xúc với người khác.

Về suy nghĩ

  • Khó khăn để đưa ra quyết định, kể cả những việc đơn giản nhất.
  • Hay nhầm lẫn, trí nhớ suy giảm.
  • Giảm tập trung, chú ý khi làm việc, chăm sóc con cái,…
  • Có ý nghĩ hoặc hành vi làm tổn thương con trẻ hay những người thân.
  • Có ý định hoặc hành vi tự sát.

Triệu chứng khác

  • Hồi hộp.
  • Vã mồ hôi.
  • Đau đầu.
  • Giảm hứng thú hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục.

3. Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh

Tương tự như các bệnh rối loạn tâm thần khác, trầm cảm sau sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó sự thay đổi hormone đột ngột được xem là yếu tố chủ yếu. Dưới đây là một số nguyên nhân đã được xác định dẫn tới bệnh trầm cảm sau sinh:

Sự thay đổi đột ngột của hormone.

Sự suy giảm đột ngột của estrogen, progesterone, hormone tuyến giáp khiến phụ nữ sau sinh dễ cáu gắt, chán nản, buồn phiền dẫn tới trầm cảm.

Mất ngủ hoặc thiếu ngủ

Đây là vấn đề thường gặp ở phụ nữ sau sinh do phải chăm sóc con cái, suy nghĩ quá nhiều. Mất ngủ/ thiếu ngủ đã được chứng minh làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần.

Sang chấn tâm lý

Tâm lý bị kích động bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, gia đình, lo lắng quá mức về con cái, phải chăm sóc con cái một mình, trẻ sinh ra bị mắc bệnh nan y hoặc tử vong ngay sau khi sinh,… sẽ gây ra sang chấn tâm lý cho người mẹ. Đây là nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh phổ biến chỉ sau rối loạn hormone.

Một số nguyên nhân gây trầm cảm
Một số nguyên nhân gây trầm cảm

Do di truyền

Người mẹ sinh ra trong gia đình có người thân mắc bệnh trầm cảm có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng mắc bệnh trầm cảm sau sinh:

  • Tiền sử trầm cảm, rối loạn lo âu trước đó.
  • Tiền sử rối loạn lưỡng cực
  • Tiền sử lạm dụng ma túy và nghiện rượu.

4. Các giai đoạn của bệnh trầm cảm

Bệnh trầm cảm được chia thành bốn giai đoạn từ nhẹ đến nặng gồm: Trầm cảm cấp độ 1, trầm cảm cấp độ 2, trầm cảm cấp độ 3, trầm cảm cấp độ 4.

Trầm cảm cấp độ 1 – giai đoạn nhẹ

Người bệnh ở giai đoạn này thường ít được để ý và nhận ra. Các triệu chứng thường xảy ra bao gồm: Đau nhức cơ thể, đau khớp, hồi hộp, khó thở,… khiến người bệnh hiểu nhầm mình đang mắc các bệnh lý khác mà không nghĩ tới trầm cảm. Khi có 2 trong số các triệu chứng dưới đây tối thiểu 2 tuần thì có thể xác định được bạn đang bị trầm cảm nhẹ:

  • Khí sắc trầm, hay khó chịu, tức giận.
  • Mất quan tâm, hứng thú.
  • Mệt mỏi, thiếu sức sống.
  • Thiếu động lực.
  • Khó tập trung.
  • Không muốn giao tiếp với người khác.
  • Mất ngủ.
  • Thay đổi vị giác.
  • Thay đổi cân nặng.

Trầm cảm cấp độ 2 – giai đoạn vừa

Người bệnh có các triệu chứng tương tự như trầm cảm nhẹ nhưng ở mức độ nặng hơn. Sự khác biệt lớn nhất của giai đoạn này so với trầm cảm nhẹ là gây ra các vấn đề trong công việc, chăm sóc gia đình và giao tiếp xã hội.

Trầm cảm cấp độ 3 – giai đoạn trầm cảm nặng không kèm theo loạn thần

Người bệnh có các biểu hiện nghiêm trọng, người thân bên cạnh có thể phát hiện ra các dấu hiệu như:

  • Buồn bã kéo dài.
  • Chậm chạp hoặc dễ kích động.
  • Luôn cảm thấy tự ti.
  • Cảm thấy mình vô dụng hoặc có tội lỗi.
  • Tự làm tổn thương mình hoặc người xung quanh.
  • Có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử.

Trầm cảm độ 4 – giai đoạn trầm cảm nặng kèm theo loạn thần

Người bệnh trong giai đoạn này thường có kèm theo các triệu chứng hoang tưởng, xuất hiện ảo giác như: Nghe thấy tiếng nói, âm thanh lạ, tưởng tượng sắp có tai họa xảy ra,….

5. Bệnh trầm cảm sau sinh có chữa được không?

Người bệnh và gia đình hoàn toàn có thể yên tâm, trầm cảm sau sinh có thể chữa khỏi được. Dựa trên tình trạng sức khỏe, mức độ trầm cảm, khả năng đáp ứng,… các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Bác sĩ có thể sử dụng một phương pháp hoặc phối hợp nhiều phương pháp điều trị bệnh trầm cảm sau sinh dưới đây.

  • Thuốc chống trầm cảm: Nhằm giảm bớt tình trạng cáu kỉnh, mất ngủ, sự thiếu tập trung,… Sau một vài tuần sử dụng, các thuốc này sẽ bắt đầu cho thấy hiệu quả.
  • Liệu pháp tâm lý: Mục đích nhằm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của người bệnh trở nên tích cực hơn bằng cách quản lý suy nghĩ, tâm trí tốt hơn.
  • Liệu pháp chống co giật: Đây là liệu pháp áp dụng trong trường hợp người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng nhưng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

6. Cách vượt qua trầm cảm sau sinh

Tự vượt qua trầm cảm sau sinh không hề đơn giản, bởi không phải cứ ép bản thân vui lên là có thể vượt qua. Trầm cảm sau sinh là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố sinh học, xã hội, tâm lý. Thực hiện từng bước cụ thể khi chiến đấu với căn bệnh này.

  • Tìm hiểu về bệnh trầm cảm sau sinh khi có những dấu hiệu khác thường như buồn bã, tuyệt vọng, mất ngủ, có ý định tự tử,…
  • Nói chuyện với chuyên gia tâm lý để ổn định cảm xúc của bản thân.
  • Giải tỏa cảm xúc theo hướng tích cực, chấp nhận mình đang có những tâm trạng không tốt. Bằng cách viết nhật ký, nói chuyện với người thân cận để kể lại mọi chuyện, bộc lộ quan điểm, tâm trạng của bản thân.
  • Nhìn nhận điểm mạnh và điểm yếu của bản thân thay vì chỉ luôn tập chung vào lỗi lầm của mình.
  • Làm điều mình thích hoặc tạo thói quen mới để tự vượt qua trầm cảm như chơi đàn, vẽ tranh, nghe nhạc, đi bộ, đạp xe,… để tránh xa khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
  • Tập thể dục có khả năng kích thích tâm trạng, giúp bạn thoát khỏi trạng thái lo âu.
  • Duy trì chế độ ăn đủ dinh dưỡng và khoa học sẽ tác động tích cực đến thể chất cũng như tinh thần của bạn.
  • Rèn luyện giấc ngủ bằng cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời gian sẽ giúp bạn hình thành nên giấc ngủ ngon, sâu giấc hơn để có tinh thần thoải mái.
  • Dành thời gian cho người thân yêu thay vì tự cô lập bản thân khỏi gia đình, bạn bè. Phụ nữ sau sinh thường phải ở cữ và bận rộn chăm sóc con trẻ dần dần khiến bản thân rơi vào trạng thái cô lập. Hãy gặp mặt hoặc nhắn tin với bạn bè, anh chị em để trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện vui buồn với người thân.

Xem thêm

Điều trị bệnh trầm cảm: Nguyên tắc và phương pháp

7. Các biện pháp phòng tránh trầm cảm sau sinh

Cũng như các bệnh khác, phòng ngừa là phương pháp tốt nhất để đối phó với bệnh trầm cảm sau sinh. Điều quan trọng nhất là chủ động nhận biết nguy cơ và nhận sự tư vấn của bác sĩ trước, trong và sau khi sinh để làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, thói quen sống lành mạnh giúp hạn chế tình trạng trầm cảm sau sinh:

  • Tăng cường bổ sung vitamin B6, B1, acid folic có lợi cho hệ thần kinh.
  • Tập thể dục: Đi bộ, bơi, yoga,… làm tăng nồng độ hormone serotonin giúp giảm các giác chán nản, khó chịu.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc.
  • Uống đủ nước sẽ giúp giảm tình trạng lo lắng và thiếu năng lượng.
  • Hạn chế sử dụng rượu và các chất kích thích.
  • Ăn uống đủ chất, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cả mẹ và bé.
  • Suy nghĩ thoải mái, không tự gấp áp lực cho bản thân.
  • Chia sẻ tâm trạng với người thân, bạn bè, đặc biệt là với chồng.

Trầm cảm sau sinh nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh quay trở về cuộc sống bình thường nhanh chóng. Người chồng và gia đình hãy tạo điều kiện tốt nhất để người mẹ được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, được giải trí và trò chuyện với mọi người sẽ giúp người bệnh hạn chế mắc phải căn bệnh này. Nếu phụ nữ có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh hãy dành nhiều thời gian để động viên, chia sẻ và đưa họ đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.

BS. Vũ Thị Anh Đào

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận