Mụn đinh râu: Cách nhận biết và xử lý đúng để tránh gặp nguy hiểm
Mụn đinh râu là mụn gì? Mụn đinh râu là tình trạng mụn không quá xa lạ với người lớn và cả trẻ em. Tuy nhiên nhiều người trong chúng ta chưa hiểu rõ về tình trạng mụn đinh râu, đa phần bị nhầm lẫn với mụn trứng cá. Bản chất mụn đinh râu là mụn nhiễm trùng nên có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có nhiều thông tin bổ ích về mụn đinh râu và cách xử lý mụn đinh râu đúng cách.
Nội dung bài viêt
1. Mụn đinh râu là mụn gì, biểu hiện ra sao?
1.1 Mụn đinh râu là loại mụn gì?
Mụn đinh râu
Mụn đinh râu là tên thường gọi để chỉ loại mụn mủ phát sinh vùng quanh miệng, nơi có râu như quanh mép, môi trên, môi dưới, vùng cằm. Mụn gây cảm giác đau nhức rất khó chịu, nhất là khi cử động cơ mặt vùng có mụn. Mụn đinh râu xuất phát từ một nang lông bị viêm và viêm lan rộng ra tổ chức quanh nó. Đinh râu có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả nam và nữ.
1.2 Các biểu hiện của mụn đinh râu?
Mụn đinh râu diễn biến qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn viêm tấy: Vùng quanh miệng xuất hiện mụn đinh râu nhỏ, đỏ và đau, sờ thấy cứng, nằm ở dưới da. Tổn thương này dần dần nổi dày lên trên bề mặt da, tạo thành mụn mủ, tạo ngòi. Toàn thân xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng: sốt cao 39- 40 độ C, có thể kèm rét run, mệt mỏi, ăn uống kém.
Giai đoạn mụn đinh râu hóa mủ, hình thành ngòi mủ: Tổn thương từ dạng cứng cộm chuyển sang mềm, mưng mủ. Vùng tổn thương đỡ đau hơn, dần dần hình thành ngòi mủ như đầu của chiếc đinh. Toàn thân có thể vẫn biểu hiện nhiễm trùng nhưng không còn nặng nề như giai đoạn đầu.
Mụn đinh râu hóa mủ
Giai đoạn thoát mủ: Giai đoạn này mụn đinh râu sẽ mềm nhũn, vỡ mủ và thoát ngòi ra ngoài. Sau đó vết thương dần dần ổn định và lành sẹo. Các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân cũng khỏi hẳn.
2. Tác nhân gây nên mụn đinh râu
Tác nhân gây nên mụn đinh râu là nhiễm khuẩn các nang lông. Phần lớn các trường hợp bị mụn đinh râu là do nhiễm vi khuẩn Staphylococcus. Đây là một loại vi khuẩn sống ký sinh trên da và niêm mạc. Chúng dễ dàng xâm nhập vào sâu trong da qua lỗ chân lông hoặc các tuyến dưới da. Các hành động gây tổn thương da như nhổ râu, cạo râu, nặn mụn trứng cá, đưa tay lên gãi da vùng quanh miệng, xây xát vùng da mặt, vệ sinh da mặt không đúng cách,… đều có thể là tạo điều kiện hình thành mụn đinh râu.
3. Mụn đinh râu nguy hiểm không?
3.1 Tính chất nguy hiểm của mụn đinh râu
Tuy hình dáng gần giống nhau nhưng bản chất mụn đinh râu khác với mụn trứng cá thông thường. Bạn có thể tự nặn mụn trứng cá thông thường mà không nguy hiểm, nhưng khi tự ý nặn mụn đinh râu dẫn đến nặng hơn tình trạng nhiễm trùng, gây ra nhiều biến chứng làm trầm trọng:
Viêm dây thần kinh: vị trí quanh miệng có rất nhiều dây thần kinh quan trọng. Khi tình trạng viêm từ vị trí mụn đinh râu lan rộng sang những dây thần kinh có thể gây viêm dây thần kinh. Hậu quả là bệnh nhân đau rất nhiều, kèm theo triệu chứng do tổn thương dây thần kinh: lệch nhân trung, méo miệng,… do co kéo cơ vùng mặt.
Mụn đinh râu gây viêm dây thần kinh dẫn đến liệt dây thần kinh VII trên mặt
Viêm tĩnh mạch: tình trạng viêm lan tỏa theo các mạch máu có thể lây lan sang các tĩnh mạch, làm viêm các tĩnh mạch lân cận. Tổn thương viêm lúc này sẽ lan rộng hơn và lâu hồi phục.
Nhiễm trùng huyết: là tình trạng vi trùng từ ổ viêm của mụn đinh râu lan vào máu của toàn cơ thể. Lúc này tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. Người bệnh sốt cao, rét run, mệt mỏi nhiều, hơi thở có mùi hôi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể tụt huyết áp, thậm chí là tử vong.
3.2 Cách xử lý với mụn đinh râu
Khi bị mụn đinh râu, bạn không nên nặn mụn ngay. Nặn mụn đinh râu quá sớm hoặc nặn mụn đinh râu không đúng cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng sau này. Xử trí mụn đinh râu cần có phương pháp an toàn và hợp lý. Tương ứng với 3 giai đoạn của mụn đinh râu thì sẽ có những cách xử trí khác nhau:
Với giai đoạn mụn viêm tấy: Vệ sinh sạch sẽ da mặt, hạn chế dùng mỹ phẩm, kem che khuyết điểm, kem nền… để che phủ mụn. Cũng cần lưu ý là bạn nên làm sạch da một cách nhẹ nhàng, không chà xát lên vùng có mụn đinh râu, khi lau mặt cần lau bằng khăn mềm và sạch.
Lau mặt nhẹ nhàng bằng khăn mềm và sạch
Giai đoạn mụn đinh râu hóa mủ, hình thành ngòi mủ: Giai đoạn này không nên nặn mụn hoặc dùng tay cạy mụn hay kiểm tra mụn. Vẫn cần phải vệ sinh da mặt sạch sẽ và nhẹ nhàng, ngoài ra bạn có thể chấm cồn 1-3 % vào vị trí mụn đinh râu để làm sạch. Có thể dùng một số loại kem trị mụn, tuy nhiên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Tránh trường hợp tự ý điều trị bằng những loại thuốc không phù hợp có thể gây tác dụng không mong muốn.
Giai đoạn thoát mủ: Nếu mụn nhỏ có thể tự vỡ thì bạn không cần can thiệp gì thêm, lưu ý giữ vệ sinh đề phòng vi khuẩn xâm nhập thêm qua đường rò sau khi vỡ mủ. Nếu mụn quá to không thể tự vỡ, bạn cần phải đi khám để được các bác sĩ xử trí đúng cách, tránh tình trạng viêm lan rộng và tổn thương để lại sẹo sau này.
Trong 3 giai đoạn bị mụn đinh râu lưu ý chung là giữ vệ sinh da thật sạch, không chà xát vùng mụn, không tự ý nặn mụn, không nên dùng mỹ phẩm trên vùng mụn đinh râu, không chườm nóng, chườm ấm, kể cả chườm đá lên mụn, hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, không đắp lá, bôi thuốc nam, bôi tỏi lên vùng bị mụn có thể gây bội nhiễm vi khuẩn khác và tổn thương da nặng hơn,…
Tóm lại, mụn đinh râu là loại mụn tuy nhỏ nhưng không nên chủ quan khi mắc phải. Mụn trải qua nhiều giai đoạn và có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy khi bị mụn đinh râu hoặc nghi ngờ mụn đinh râu cần xử trí mụn đúng cách để tránh hậu quả đáng tiếc sau này.
BS Hoàng Ngọc Anh