Bị ngộ độc thực phẩm có nên truyền nước không?
Ngộ độc thực phẩm có nhiều cách điều trị khác nhau như gây nôn, bù nước, điện giải ở giai đoạn nhẹ của bệnh nhưng nếu nạn nhân ở giai đoạn nặng hoặc không thế uống nước để bù nước, điện giải vì lý do nào đó thì việc truyền nước trong ngộ độc thực phẩm rất quan trọng. Vậy để giải đáp cho câu hỏi: Ngộ độc thực phẩm có nên truyền nước hay không? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung bài viêt
1. Khi nào thì người bị ngộ độc thực phẩm cần truyền nước?
Khi nào thì người bị ngộ độc thực phẩm cần truyền nước?
Ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện chủ yếu bởi các triệu chứng đường tiêu hoá như nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần nên sẽ khiến người bệnh mất nước và điện giải. Nếu không bù nước điện giải kịp thời sẽ dẫn tới mất nước, muối khoáng trầm trọng ảnh hưởng nguy hiểm đến người bệnh. Nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể bổ sung nước, điện giải qua đường miệng vậy nên chúng ta phải truyền nước và điện giải qua đường máu, tức qua tĩnh mạch của người bệnh. Vậy những trường hợp ngộ độc thực phẩm nào cần truyền nước?
– Trường hợp người bệnh là trẻ em thường thì việc uống nước trẻ thường không hợp tác hoặc ăn uống gì đều nôn nấy, không hấp thu được qua đường miệng.
– Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng mất nước nặng dẫn tới lơ mơ, hôn mê, nếu uống nước sẽ không chủ động nuốt được dễ gây sặc nước vào phổi gây nguy hiểm nên việc truyền nước vào máu ở đối tượng này là rất cần thiết.
– Trường hợp người bệnh sốc do mất nước quá nhiều khiến mạch nhanh, huyết áp tụt xuống quá thấp, ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan quan trọng, thậm chí nguy hiểm tính mạng, cần lập nhiều đường truyền cung cấp dịch lượng lớn và tốc độ nhanh.
2. Tác dụng của việc truyền nước trong ngộ độc thực phẩm?
Nước đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể chúng ta trong việc duy trì hoạt động của từng tế bào, duy trì nhiệt độ cơ thể, chuyên chở, hấp thu các chất dinh dưỡng, loại bỏ các chất thải, là thành phần cấu tạo các cơ quan quan trọng… và rất nhiều tác dụng khác. Vì vậy, nếu bị mất nước nhiều trong ngộ độc thực phẩm, bạn cần truyền nước cơ thể nhanh chóng phục hồi.
Nước đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể
Một số vai trò của các ion muối khoáng trong dịch truyền.
– Natri: Giúp cân bằng nồng độ chất lỏng, giữ nước cho cơ thể, natri kết hợp với các ion khác để tạo sự cân bằng acid – kiểm, nhờ đó giúp thận hoạt động tốt, giúp duy trì huyết áp ổn định.
– Canxi: Giúp xương chắc khỏe, giúp dẫn truyền thần kinh cơ đảm bảo cho tim, thần kinh và cơ bắp hoạt động ổn định
– Kali: Cũng giống như Natri chúng giúp cân bằng nước trong tế bào, hỗ trợ dẫn truyền thần kinh tốt hơn, giúp tế bào cơ tim hoạt động ổn định.
Với những tác dụng trên khi bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm thường mất một lượng lớn nước và điện giải, nếu được truyền nước sớm và kịp thời sẽ nhanh chóng hồi phục sức khoẻ và tránh những biến chứng nguy hiểm.
3. Các loại dung dịch được sử dụng đường truyền tĩnh mạch khi ngộ độc thực phẩm
Có rất nhiều loại dịch truyền vào máu như nhóm dịch truyền cung cấp nước, nhóm cung cấp chất dinh dưỡng và một số nhóm đặc biệt khác nhưng trong ngộ độc thực phẩm, người bệnh mất nhiều nước và điện giải cho nên chúng ta đề cập đến một số loại dịch truyền sau:
– Nacl 0.9 %: Hay còn gọi là Normal Saline hay còn gọi là nước muối, thành phần chủ yếu bao gồm 2 ion Na + và Cl -. Dung dịch này bổ sung chủ yếu trong trường hợp cần bù thể tích tuần hoàn nhanh như sốt, sốc mất máu, sốc giảm thể tích.
– Ringer lactat: hay còn gọi là dung dịch Hartmann’s bao gồm các ion Na+, K+, Canxi 2+, Cl -, latat -, dung dịch này chứa nhiều thành phần điện giải thường bổ sung trong những trường hợp bệnh nhân mất nước điện giải qua đường tiêu hoá như nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần.
– Natri bicarbonat 1.4% bản chất là dịch truyền chứa Natri thành phần gồm Bicarbonate 7g cùng nước cất pha tiêm vừa đủ 500ml. Thuốc được chỉ định trong điều trị nhiễm toan chuyển hóa hoặc kiềm hóa nước tiểu. Loại dịch này dùng trong trường hợp bệnh nhân đã mất nước nặng dẫn tới rối loạn chuyển hoá trong cơ thể nặng, cần được chỉ định bởi bác sĩ trong cơ sở y tế khi đã có đầy đủ xét nghiệm.
Các loại dung dịch được sử dụng đường truyền tĩnh mạch khi ngộ độc thực phẩm
Lưu ý liều lượng và cách dùng các loại dịch trên cần được bác sĩ chỉ định, bệnh nhân không tự ý dùng với số lượng dịch lớn làm quá tải dịch trong cơ thể, đặc biệt đối với những người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch, thận,… sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng.
4. Khi bị ngộ độc thực phẩm cần bổ sung nước – điện giải đường uống như thế nào cho đúng cách?
Trong ngộ độc thực phẩm, tuỳ thuộc vào mức độ nặng của bệnh sẽ tương đương với mức độ mất nước khác nhau. Vậy nên khi bổ sung nước điện giải cần bổ sung theo nhu cầu, cân bằng lượng dịch vào ra cơ thể, người bệnh có thể cảm thấy đủ dịch khi bản thân sau khi uống nước không cảm thấy khát, khô môi, nhiệt độ ổn định, nước tiểu số lượng bình thường, màu vàng trong.
Để bổ sung nước, điện giải, trên thị trường có một loại bột pha nước gọi là Oresol. Hiện nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có những hướng dẫn về Oresol (ORS) loại mới có các thành phần thẩm thấu giống gói ORS thông thường nhưng hàm lượng thay đổi để có thể hòa với nước có nồng độ muối, đường thấp hơn, giúp rút ngắn thời gian tiêu chảy và giảm số trường hợp phải truyền dịch.
Bổ sung nước điện giải giúp cân bằng lượng dịch vào ra cơ thể
Thành phần ORS mới
Công thức: Mỗi gói 4,1g chứa:
Natri clorid …………………… 520 mg
Natri citrat …………………….. 580 mg
Kali clorid …………………….. 300 mg
Glucose khan ……………………. 2,7 g
Tá dược vừa đủ ………………… 1 gói
ORESOL 245
Cách pha và uống chuẩn:
– Pha 1 gói với 200ml nước đun sôi để nguội
– Uống dung dịch Oresol 245 từng ngụm theo khả năng và nhu cầu
– Pha gói Oresol ngay trước khi dùng, không để quá 24h vì dễ bị nhiễm khuẩn.
– Không pha oresol với nước khoáng và các dung dịch khác như canh, nước ngọt, … vì dễ làm sai lệch tỉ lệ điện giải trong Oresol.
– Không pha loãng hay chia nhỏ gói Oresol vì dễ gây sai lệch tỉ lệ
– Sau khi pha Oresol sẽ có màu trắng đục và lưu ý luôn lắc đều hoặc khuấy kỹ trước khi sử dụng.
Qua những phân tích trên ta thấy việc trong ngộ độc thực phẩm rất cần phải truyền nước để đảm bảo tốt sự hoạt động của các cơ quan quan trọng. Việc cấp nước đủ trong những trường hợp nặng hoặc trẻ em không uống được sẽ giúp cứu sống người bệnh.
BS Trần Hưng Trà