[Bí quyết] – Cách chữa bệnh béo phì tại nhà hiệu quả
Tình trạng thừa cân ở trẻ ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Để xây dựng cho con sức khỏe tốt bạn cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe của con và hướng dẫn cho bé có một chế độ sinh hoạt khoa học. Các bậc phụ huynh hãy cùng đọc bài viết dưới đây để có thêm thông tin bổ ích về cách giảm cân cho trẻ béo phì tại nhà.
Nội dung bài viêt
1. Làm sao để phát hiện sớm con bị thừa cân, béo phì?
Theo WHO: thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng “ nên có” so với chiều cao. Còn béo phì là là sự tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm sau này.
Ảnh minh họa trẻ béo phì.
Để đánh giá chính xác trẻ có thừa cân béo phì hay không, cần dựa vào chỉ số cân nặng, chiều cao, độ dày lớp mỡ dưới da cũng như sự phân bố mỡ trong cơ thể. Khi bạn không phải là một chuyên gia dinh dưỡng hay có chuyên môn về y khoa, có một số cách đơn giản để phát hiện sớm trẻ béo phì như:
Đo độ dày lớp mỡ dưới da: chỉ số này dùng để ước tính lượng mỡ chung của cơ thể cũng như đặc điểm phân bố mỡ trong cơ thể. Lớp mỡ dưới da của ở vùng bắp tay dùng để đánh giá mỡ ngoại vi. Lớp mỡ dưới da của vị trí dưới vai để đánh giá lượng mỡ của phần thân. Nếu nhận thấy con của mình có lớp mỡ dưới da dày hơn những trẻ cùng trang lứa, rất có thể trẻ đã bị thừa cân, béo phì.
Trẻ tăng cân quá nhanh hàng tháng khi đối chiếu trên biểu đồ tăng trưởng trong sổ khám sức khỏe.
Trẻ có khuôn mặt tròn, má phính xệ, cổ ngấn lớn, mỡ bụng, mỡ vùng đùi bẹn, ngực, nách dày…
2. Cách giảm cân cho trẻ béo phì tại nhà:
Với trẻ nhỏ thừa cân béo phì, mục tiêu không phải là giảm cân vì trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Điều cần làm với trẻ là tránh để trẻ tăng cân nhanh. Tức là vẫn đảm bảo trẻ tăng chiều cao theo đúng lứa tuổi nhưng tăng cân ít hơn hoặc chững lại không tăng cân nữa. Thật may là có nhiều cách để giúp trẻ kiểm soát mức tăng cân.
2.1 Khuyến khích trẻ tập thể dục, vận động:
Tập thể dục giúp trẻ không bị thừa cân
Mục tiêu của vận động cơ thể là đạt được hoạt động thể lực trung bình 60 phút mỗi ngày, ít nhất 20 phút mỗi ngày, và ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Tuy nhiên ở lứa tuổi trẻ nhỏ để tạo cho trẻ thói quen tập thể dục điều độ là một việc không dễ.
Chúng ta nên làm gì để khuyến khích và tạo thói quen vận động cho trẻ? Các ba mẹ có thể tham khảo những cách sau:
Cùng con tìm ra những hoạt động phù hợp. Thay vì cố gắng giải thích một cách cứng nhắc, bạn có thể cùng bé tìm hiểu đâu là sở thích vận động của con. Ví dụ: với một em bé thích âm nhạc, ba mẹ có thể dạy trẻ cách nhảy múa. Còn với một trẻ thích giải đố, ba mẹ gợi ý cho trẻ những trò chơi vận động đi tìm những đồ vật bị giấu đi trong nhà…
Khuyến khích trẻ duy trì những hoạt động chúng yêu thích. Khi ba mẹ đã cùng con tìm ra môn thể thao trẻ thích, hãy cố gắng để trẻ đưa những hoạt động đó trở thành một thói quen. Không quên khen ngợi và nhắc nhở trẻ, cũng như nói cho con rằng hoạt động yêu thích của con mang lại lợi ích về sức khỏe tinh thần cũng như thể chất.
Đăng ký cho trẻ những lớp học thể chất. Việc cố gắng một mình làm trẻ nhanh bị chán. Các lớp học sẽ giúp trẻ vừa nâng cao thể chất, vừa có thêm nhiều kiến thức xã hội và rèn luyện kỹ năng hoạt động nhóm.
2.2 Thay đổi thói quen ăn uống của trẻ:
Ngoài vận động thì hạn chế nguồn năng lượng trẻ hấp thu vào cơ thể cũng là cách giảm cân cho trẻ béo phì tại nhà.
2.2.1 Những việc ba mẹ nên làm để chữa bệnh béo phì tại nhà cho trẻ:
Xây dựng khẩu phần ăn cân đối: ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít đường, ăn giảm dầu mỡ, uống sữa gầy, sữa không đường…
Ăn đều đặn các bữa, ăn vào giờ cố định trong ngày.
Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, ăn vừa đủ no, tránh ăn quá nhiều.
Cho trẻ uống đủ nước để cân bằng lại lượng nước mất do tập luyện thể thao.
Đảm bảo cung cấp đủ lượng đạm, vitamin và khoáng chất theo nhu cầu của trẻ, tránh để trẻ béo phì thiếu chất dinh dưỡng.
2.2.2 Những việc ba mẹ không nên làm khi chữa bệnh béo phì tại nhà cho trẻ:
Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh
– Tránh cho trẻ ăn vặt, ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn. Những loại thực phẩm như khoai tây chiên, pizza, bìm bìm,… giàu năng lượng, hàm lượng muối cao và nhiều chất béo không có lợi cho thể.
– Ăn khuya: việc ăn khuya trong khi không vận động vào ban đêm làm cho năng lượng bị tích tụ, gây nặng thêm tình trạng béo phì.
– Tránh vừa ăn vừa xem TV, vừa ăn vừa chơi điện tử… sẽ làm giảm quá trình nhận thức về cảm giác no của trẻ, khiến trẻ ăn nhiều không kiểm soát được.
2.3 Những sai lầm mắc phải khi giảm cân cho trẻ béo phì tại nhà?
- Điều chỉnh mức cân nặng là một quá trình. Vì vậy ba mẹ không nên mang tâm lý lo sợ và nôn nóng để thúc ép trẻ. Việc bắt ép trẻ có một chế độ sinh hoạt khắt khe ngay từ đầu có thể khiến trẻ chán nản và dễ tăng cân hơn.
- Xây dựng một chế độ tập luyện nặng có thể khiến trẻ mệt mỏi, giảm sự linh hoạt, giảm chú ý.
- Chế độ ăn uống hợp lý với từng lứa tuổi cũng là điều rất quan trọng. Khi xây dựng chế độ ăn thiếu năng lượng so với nhu cầu của trẻ có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh do thiếu chất dinh dưỡng cần thiết.
- Vì trẻ em không phải người lớn thu nhỏ nên bạn cần có sự góp ý của các chuyên gia về y tế, dinh dưỡng trong việc duy trì một chế độ sinh hoạt phù hợp với từng trẻ.
3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Các bậc phụ huynh nên cho trẻ tới khám tại các cơ sở y tế trong những trường hợp sau:
- Nhận thấy tình trạng tăng cân rất nhanh ở trẻ.
- Trẻ béo phì và thường xuyên mệt mỏi, lờ đờ, kém linh hoạt…
- Trẻ thừa cân béo phì đã được ba mẹ khuyến khích thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn.
- Trẻ có kèm các bệnh lý khác như bệnh rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường…
- Trẻ nhịn ăn quá mức hoặc có mặc cảm tâm lý về cơ thể.
Béo phì là tình trạng gây hại cho trẻ chứ không phải “béo khoẻ, béo đẹp” như nhiều người thường nghĩ. Hơn nữa nó còn là dấu hiệu cảnh báo cho hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe của trẻ. Vì vậy các bậc phụ huynh cần có cái nhìn đúng đắn để đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và được các chuyên gia tư vấn kịp thời.
BS Hoàng Ngọc Anh.