Biến chứng của bệnh loét dạ dày tá tràng?

Nếu không được điều trị đúng, sẽ các các biến chứng có thể xảy ra như chảy máu, thủng, hẹp môn vị, loét ung thư hoá – tuy nhiên với loét tá tràng hiếm khi gặp ung thư hoá. Trong đó chảy máu và thủng ổ loét là hai biến chứng hay gặp nhất.

Chảy máu: là biến chứng thường gặp nhất nhưng khó đánh giá tần số chính xác. Khoảng 15 – 20% bệnh nhân loét có một hoặc nhiều lần chảy máu; loét tá tràng thường chảy máu cao hơn so với loét dạ dày, người già chảy máu nhiều hơn người trẻ. Biến chứng chảy máu thường xảy ra trong đợt loét tiến triển nhưng cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên. Thường là chảy máu ẩn và rỉ rả làm bệnh nhân và thầy thuốc khó phát hiện, nếu tình trạng kéo dài sẽ gây thiếu máu mạn. Nếu chảy máu nặng  sẽ làm bệnh nhân nôn và đại tiện ra máu.

Nguyên nhân của bệnh loét dạ dày tá tràng. (Ảnh: St)
Nguyên nhân của bệnh loét dạ dày tá tràng. (Ảnh: St)

Thủng ổ loét: Đây là biến chứng đứng thứ nhì sau chảy máu, nam giới nhiều hơn phụ nữ. Biểu hiện bằng cơn đau đột ngột, dữ dội vùng thượng vị như dao đâm, sau đó là dấu viêm phúc mạc và nhiễm trùng nhiễm độc. Chụp phim bụng không chuẩn bị hoặc siêu âm có liềm hơi dưới cơ hoành. Điều trị cấp cứu bao gồm hút dịch vị, truyền dịch, kháng sinh. Trong phần lớn trường hợp cần mổ khâu lỗ thủng.

Loét xuyên thấu dính vào cơ quan kế cận: Thường là tụy, mạc nối nhỏ, đường mật, gan, mạc nối lớn, mạc treo đại tràng, đại tràng ngang thường gặp là loét mặt sau hoặc loét bờ cong lớn. Các loét này thường đau dữ dội ít đáp ứng với điều trị, loét xuyên vào tụy thường đau ra sau lưng hoặc biểu hiện viêm tụy cấp, loét thủng vào đường mật chụp đường mật hoặc siêu âm có hơi trong đường mật hoặc baryt vào đường mật. Nếu rò dạ dày đại tràng gây đi ngoài phân sống và kém hấp thu, cần điều trị phẫu thuật.

Hẹp môn vị: Thường gặp nhất khi ổ loét nằm gần môn vị. Do loét dạ dày hoặc tá tràng hoặc phản ứng co thắt môn vị trong loét dạ dày nằm gần môn vị, hẹp có thể do viêm phù nề môn vị. Biểu hiện đa dạng tùy theo từng giai đoạn, nhưng có một số triệu chứng gợi ý: cảm giác đầy, nặng bụng sau ăn; Nôn ra thức ăn cũ > 24 giờ; có dấu hiệu óc ách lúc đói, cơ thể gầy và dấu hiệu mất nước. Chẩn đoán dựa vào nội soi. Tùy theo nguyên nhân mà có chỉ định điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa

Loét ung thư hóa: Tỉ lệ loét ung thư hóa thấp 5 – 10% và thời gian loét kéo dài > 10 năm. Hiện nay người ta thấy rằng viêm mạn hang vị nhất là thể teo thường đưa đến ung thư hóa nhiều hơn (30 %), còn loét tá tràng rất hiếm khi bị ung thư hóa.

ThS.BS Nguyễn Bạch Đằng

Bệnh viện 103

(Bài trích từ cuốn “Cẩm nang bệnh loét dạ dày hành tá tràng” – Chương trình Vì sức khỏe người Việt)

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận