Huyết áp cao gây ra các biến chứng gì? Đâu là cách phòng tránh hiệu quả
Tăng huyết áp (cao huyết áp) thường âm thầm hủy hoại cơ thể trong nhiều năm trước khi xuất hiện các triệu chứng. Bệnh thường được ví như “Kẻ giết người thầm lặng”. Nếu không được điều trị sớm, huyết áp cao có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, gây tổn thương động mạch, thậm chí gây suy tim, đau tim hoặc đột quỵ khiến người bệnh tử vong. Cùng khám phá các biến chứng khi bệnh nhân bị huyết áp cao và cách phòng ngừa các biến chứng đó trong bài viết dưới đây
Nội dung bài viêt
- Như thế nào được coi là huyết áp cao?
- Huyết áp cao nguy hiểm như thế nào?
- Làm thế nào để phòng ngừa các biến chứng khi huyết cao?
Như thế nào được coi là huyết áp cao?
Cao huyết áp được xem là bệnh lý mãn tính xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Người bệnh sẽ được chẩn đoán là huyết áp cao khi 1 trong 2 chỉ số huyết áp đo tại phòng khám cao hơn ngưỡng cho phép: huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.
Huyết áp cao nguy hiểm như thế nào?
Các biến chứng có thể gặp phải khi bị huyết áp cao
Khi huyết áp cao không được kiểm soát, người bệnh sẽ gặp phải một hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm sau:
Huyết áp cao có thể gây tổn thương tại tim
Bệnh mạch vành
Huyết áp tăng làm tổn thương các tế bào lớp lót bên trong động mạch. Các động mạch bị tổn thương có thể tích tụ chất béo, mảng bám (xơ vữa động mạch), bị thu hẹp, kém đàn hồi và làm giảm lưu thông máu đến tim. Khi tim không được tưới máu đầy đủ có thể dẫn đến các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim.
Suy tim
Đây là một trong những biến chứng tim mạch của tăng huyết áp gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Suy tim thường được định nghĩa là tình trạng tim không cung cấp đủ máu cho các bộ phận trong cơ thể. Áp lực do tăng huyết áp lên tim có thể khiến cơ tim yếu đi và hoạt động kém hiệu quả hơn. Lâu dần gây ra suy tim ở người bệnh có huyết áp cao.
Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là biến chứng rất nguy hiểm của tăng huyết áp
Đây là biến chứng thường gặp khi huyết áp cao. Khi máu di chuyển trong cơ thể với áp lực lớn có thể tạo ra các vết rách nhỏ trong mạch máu. Các vết rách này hình thành nên các mô sẹo trên thành mạch, từ đó tạo điều kiện cho cholesterol bám vào.
Các mảng bám trong lòng mạch (xơ vữa động mạch) lại cản trở quá trình lưu thông máu đến tim. Trong nhiều trường hợp, điều này có thể khiến nguồn cung cấp máu đến các mô cơ tim bị giảm đột ngột và gây ra các cơn đau tim (nhồi máu cơ tim cấp) nguy hiểm tính mạng.
Dày thất trái
Huyết áp cao buộc tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến phần còn lại của cơ thể. Điều này khiến một phần của tim (tâm thất trái) dày lên. Tâm thất trái dày lên lại làm tăng nguy cơ đau tim, suy tim và đột tử do tim.
Huyết áp cao có thể gây tổn thương tại não
Cơn thiếu máu thoáng qua
Cơn thiếu máu thoáng qua TIA là tình trạng cung cấp máu của não bị gián đoạn trong một thời gian ngắn. Huyết ấp cao làm xơ cứng đông mạch hoặc hình thành cục máu đông có thể gây ra cơn thiếu máu thoáng qua. Đây cũng là dấu hiệu cảnh bảo nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ
Huyết áp tăng có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu làm suy giảm lượng máu lên não. Các mạch máu bị tổn thương do tăng huyết áp có thể bị hẹp, vỡ, rò rỉ. Điều này hình thành nên các cục máu đông trong các động mạch. Khi não bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng làm chết các tế bào não và có khả năng gây ra đột quỵ (tai biến mạch máu não).
Huyết áp cao có thể dẫn tới đột quỵ
Đột quỵ là một trong các hậu quả của tăng huyết áp có thể gây tử vong nhanh chóng. Do đó người bệnh phải đặc biệt lưu ý.
Sa sút trí tuệ
Các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn làm hạn chế lưu thông máu đến não. Thiếu máu não làm ảnh hưởng đến tư duy và trí nhớ của người bệnh. Lâu dần gây ra tình trạng sa sút trí tuệ do mạch máu, suy giảm nhận thức, thậm chí mất trí nhớ.
Huyết áp cao có thể gây tổn thương mạch máu
Phình động mạch
Theo thời gian, áp lực liên tục của máu di chuyển qua động mạch bị suy yếu có thể khiến một phần thành của nó to ra và tạo thành một chỗ phình. Phình mạch có thể gây vỡ và chảy máu trong đe dọa tính mạng người bệnh.
Phình mạch có thể hình thành ở bất kỳ động mạch nào, nhưng phổ biến nhất là phình động mạch chủ. Nếu không được chẩn đoán hoặc không được điều trị, phình động mạch có thể gây ra đột quỵ xuất huyết, chảy máu não đe dọa đến tính mạng.
Bệnh động mạch ngoại biên
Các mảng bám tích tụ trong mạch máu do tăng huyết áp có thể làm giảm lượng máu đến các động mạch ngoại biên ở chân. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như đau, chuột rút, tê bì. Sau khi hoạt động nhẹ, ở chân, bàn chân, mông có thể xuất hiện các triệu chứng này với mức độ nặng nề hơn.
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là biến chứng của tăng huyết áp ít khi được chú ý do nhiều người thường coi đó là các triệu chứng bình thường. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị sớm có nguy cơ dẫn đến đột quỵ, đau tim, hoại tử và cắt cụt chi.
Huyết áp cao làm tổn thương tại thận
Thận có chức năng lọc các chất thừa trong máu và thải ra ngoài cơ thể. Quá trình này đòi hỏi các mạch máu phải khỏe mạnh. Tăng huyết áp có thể làm tổn thương các mạch máu của thận.
Các mạch máu trong thận khi bị suy yếu và thu hẹp khiến thận khó thực hiện chức năng của mình hơn. Thận không thể loại bỏ các chất thải ra ngoài cơ thể hiệu quả. Các chất thải tích tụ lại trong cơ thể có thể gây suy thận (bệnh thận mạn tính, bệnh thận giai đoạn cuối).
Huyết áp cao khiến mắt dễ bị tổn thương
Trong mắt chứa nhiều các mạch máu li ti dễ bị tổn thương. Ở người có huyết áp cao, các mạch máu mắt dễ bị căng hoặc tổn thương, thậm chí là vỡ mạch máu. Đây được gọi là bệnh võng mạch do tăng huyết áp.
Tăng huyết áp cũng có thể gây sưng dây thần kinh thị giác. Các chất dịch tích tụ trong võng mạc có thể gây biến dạng hoặc làm giảm giảm thị lực, hỏng dây thần kinh thị giác hoặc gây mất thị lực.
Huyết áp cao dẫn đến rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương là biến chứng của bệnh tăng huyết áp ít người ngờ tới.HUyết áp cao làm làm suy giảm lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục gây rối loạn cương dương. Lượng máu không được cung cấp đầy đủ rất khó để đạt được và duy trì sự cương cứng. Huyết áp cao cũng có thể cản trở quá trình xuất tinh và giảm ham muốn tình dục.
Làm thế nào để phòng ngừa các biến chứng khi huyết cao?
Uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ
Khi bị tăng huyết áp, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên áp dụng cùng lúc các lời khuyên sau để giảm nguy cơ biến chứng:
- Uống thuốc đầy đủ, đều đặn theo phác đồ điều trị, không tự ý dừng, thay đổi thuốc khi chưa được sự tư vấn của bác sĩ.
- Tái khám định kỳ hàng tháng hoặc bất cứ khi nào có triệu chứng bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, đỏ bừng mặt…)
- Theo dõi huyết áp tối thiểu 1 lần/ngày. Ghi chép lại chỉ số huyết áp để tiện theo dõi hàng ngày.
- Thư giãn tâm lý, tránh căng thẳng thần kinh, lo âu.
- Tích cực giảm cân nếu thừa cân, tối ưu nhất là duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
- Hạn chế natri. Natri là thành phần của muối. Hàm lượng Natri khuyến cáo cho người có huyết áp cao là dưới 2300mg/ngày, tương đương với dưới 5g muối. Có thể giảm bớt natri bằng cách giảm lượng nước mắm, muối thêm vào khi nấu nướng. Pha loãng nước chấm. Hạn chế dưa muối, cà muối, xúc xích, thịt hun khói… có chứa nhiều muối.
- Ăn uống lành mạnh: Người bệnh tăng huyết áp nên ăn các thực phẩm giàu magie, kali, canxi, đồ ăn chứa protein ít chất béo, các loại ngũ cốc, trái cây và rau xanh. Đồng thời, hãy hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hay cholesterol (mỡ, nội tạng, da động vật, lòng đỏ trứng gà, các thực phẩm chiên, rán), thịt đỏ, bánh ngọt, không sử dụng hoặc hạn chế uống bia, rượu, cà phê, nước ngọt…
- Luyện tập thể dục với cường độ vừa phải. Dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập luyện có thể giảm huyết áp từ 5-8 mmHg. Các bài tập phù hợp cho người có huyết áp cao bao gồm đi bộ, đạp xe, tập thể dục nhịp điệu.
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống rượu bia.
- Giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.