Biến chứng nguy hiểm bệnh suy tim giai đoạn cuối
Nội dung bài viêt
1. Biểu hiện của bệnh suy tim giai đoạn cuối
Suy tim là hội chứng lâm sàng do có sự biến đổi cấu trúc hoặc chức năng của tim hoặc cả hai, hậu quả là giảm khả năng tống máu đi nuôi các cơ quan hoặc giảm khả năng chứa máu từ các cơ quan đổ về. Suy tim giai đoạn cuối là khi vận động thể lực nhẹ cũng gây khó thở, triệu chứng cơ năng xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi, chỉ vận động thể lực nhẹ cũng khiến cho triệu chứng cơ năng gia tăng.
Biểu hiện bệnh suy tim giai đoạn cuối
Các biểu hiện của suy tim giai đoạn cuối bao gồm:
- Triệu chứng khó thở, mệt mỏi xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc hoạt động nhẹ như đi bộ 6 phút (< 300m) hoặc ít hơn
- Chân tay lạnh nhợt nhạt
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Có ít nhất 1 lần nhập viện do suy tim trong 6 tháng gần đây
- Máy khử rung tim ICD đã cấy phải sốc điện thường xuyên
- Huyết áp, nhịp tim tăng giảm bất thường.
- Tiểu ít; chướng bụng, phù chân tay; có thể tăng cân bất thường do ứ dịch.
- Ho nhiều
- Chán ăn, tiêu hóa kém
- Khó ngủ
2. Các biến chứng thường gặp ở người mắc bệnh suy tim giai đoạn cuối
Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như sau:
2.1. Suy thận do suy tim giai đoạn cuối
Biến chứng nguy hiểm suy tim giai đoạn cuối đầu tiên phải kể đến là suy thận. Do lúc này tim bơm máu đi khắp cơ thể đã yếu đi rất nhiều nên thận không được cung cấp đủ máu để hoạt động; thêm vào đó việc giảm lượng máu về tim có thể khiến co tiểu động mạch thận, càng làm giảm tưới máu thận; dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm, hoạt hóa hệ thần kinh giao cảm và hệ RAA (hệ thống các hormon điều hòa cân bằng huyết áp của cơ thể) gây viêm- giữ muối- giữ nước; dẫn đến suy thận.
2.2. Suy gan
Một biến chứng nguy hiểm khác của suy tim giai đoạn cuối là suy gan. Điều này xảy ra do một trong ba nguyên nhân: một là suy tim gây xung huyết gan do tim giảm khả năng chứa máu từ các cơ quan đổ về; hai là suy tim gây giảm khả năng bơm máu đến các cơ quan trong đó có gan, gây tổn thương gan cấp do thiếu máu, viêm gan; ba là xơ hóa tiến triển, từ xơ tim dẫn đến xơ gan.
2.3. Đột quỵ
Đột quỵ cũng là một biến chứng nguy hiểm của bệnh suy tim giai đoạn cuối
Đột quỵ cũng là một biến chứng nguy hiểm của bệnh suy tim giai đoạn cuối. Tim suy yếu, quá trình bơm máu yếu đi dẫn đến dễ hình thành các cục máu đông. Các cục máu đông này đi chuyển đến não gây nên tắc mạch máu não, đột quỵ.
2.4. Phù phổi cấp
Bệnh suy tim giai đoạn cuối có thể gây ứ dịch ở các cơ quan trong đó có phổi, gây nên phù phổi cấp.Bệnh nhân ho khan, khó thở nhiều, lo lắng hồi hộp, có thể đau ngực. Biến chứng này rất nguy hiểm bởi vì nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
2.5. Tử vong đột ngột do cơ tim quá yếu, ngừng co bóp
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh suy tim giai đoạn cuối. Theo thống kê 50% bệnh nhân suy tim chỉ sống được dưới 5 năm.
3. Làm thế nào để giảm triệu chứng và phòng biến chứng suy tim?
3.1. Theo dõi sát tình trạng bệnh
Để đề phòng biến chứng suy tim cần theo dõi sát tình trạng bệnh, khi có bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để có phương án giải quyết. Trường hợp khó thở hoặc phù nề ngày càng nghiêm trọng hoặc tăng > 2kg trong 3 ngày cần báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám và kê đơn thuốc hợp lý. Ngoài ra nếu có các biểu hiện của phù phổi cấp như ho khan, khó thở, cảm giác như phổi đầy nước, ho ra bọt hồng, đau ngực thì cần nhập viện ngay.
3.2. Điều trị tích cực bệnh suy tim
Sử dụng thuốc đều đặn, đúng và đủ liều giúp cải thiện các triệu chứng
- Sử dụng thuốc đều đặn, đúng và đủ liều giúp cải thiện các triệu chứng và hạn chế biến chứng của bệnh. Các thuốc thường được kê gồm
- Các thuốc điều trị nội khoa chính:
- Thuốc điều trị bổ sung
- Thuốc lợi tiểu: giúp hạ huyết áp, giảm phù giảm ứ dịch, hạn chế ảnh hưởng của suy tim đến thận
- Thuốc trợ tim làm tăng khả năng co bóp của tim
- Hydralazine/ISDN là thuốc giãn mạch giúp làm giảm biến chứng suy thận khi bị bệnh suy tim giai đoạn cuối
- Thuốc điều trị các bệnh mắc kèm hoặc điều trị các biến chứng suy tim
- Ngoài ra bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể được đặt máy khử rung cấy trong tim ICD để ngăn ngừa đột tử.
- Xem xét ghép tim: có khoảng 6300 ca ghép tim mỗi năm trên thế giới, bệnh nhân suy tim sau ghép tim có thời gian sống trung vị là 12,2 năm và >90% có lại được khả năng gắng sức bình thường. Đây là biện pháp điều trị tích cực và hiệu quả cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Tuy nhiên, cần cân nhắc áp dụng biện pháp điều trị này do chi phí điều trị lớn và không có sẵn nguồn tạng hiến.
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ hoặc giảm nhẹ gánh nặng cho tim
- Hỗ trợ tuần hoàn cơ học bằng máy móc: như máy hỗ trợ tâm thất cấy dưới da (VAD), tim nhân tạo (TAH), tim phổi nhân tạo (ECMO) có thể sử dụng để cải thiện khả năng sống của bệnh nhân trong khi chờ có tạng thích hợp để ghép.
- Truyền thuốc co bóp tim: biện pháp này có thể thực hiện tại nhà và keos dài thời gian sống ở bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối.
3.3. Tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người suy tim
– Về chế độ ăn uống cho người bệnh suy tim giai đoạn cuối:
- Người bệnh suy tim giai đoạn cuối nên hạn chế nước nạp vào qua thức ăn và nước uống ở mức không quá 30 ml/kg cân nặng và 35 ml/kg nếu trọng lượng cơ thể trên 85kg, không tự ý truyền dịch khi không có hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Ăn nhạt, lượng muối ăn <4g/ngày.
- Không nên ăn đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh; mì chính; đồ ăn lên men như cà muối, dưa chua,…
- Không uống rượu bia, đồ uống có cồn, nước tăng lực, không sử dụng các chất kích thích, không sử dụng chất gây nghiện, bỏ hút thuốc lá thuốc lào.
- Người bị bệnh suy tim nên ăn đủ chất dinh dưỡng và vitamin, ăn thêm chất xơ, giảm đồ ăn nhiều dầu mỡ, chế độ ăn cân đối để duy trì cân nặng hợp lý.
Chế độ ăn uống hợp lý góp phần làm giảm các triệu chứng và phòng biến chứng suy tim
– Về chế độ sinh hoạt cho người bệnh suy tim giai đoạn cuối:
- Người bệnh suy tim vẫn nên hoạt động thể lực nhẹ nhàng và an toàn, tránh những môn vận động mạnh hay cần sức bền như chạy, bơi, những môn thể thao đối kháng,…Hãy luyện tập thường xuyên, đều đặn; nếu nghỉ một thời gian thì bắt đầu lại với cường độ nhẹ sau đó mới tăng dần.
- Trong quá trình hoạt động thể lực nếu người bệnh suy tim có khó chịu nên nghỉ ngơi đến khi hết triệu chứng.
- Nếu hoạt động ngoài trời, người bệnh suy tim nên tránh thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng.
- Khi đi du lịch hoặc đi xa, người bệnh suy tim cần mang theo giấy tờ về bệnh, thuốc đang uống và các thuốc dự phòng.
- Giấc ngủ và hơi thở cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trái tim. Người bệnh suy tim giai đoạn cuối nên ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tạo môi trường để có giấc ngủ ngon, có thể kê cao gối nửa nằm nửa ngồi để bệnh nhân dễ thở khi ngủ; tập thiền, tập thở.
- Về sinh hoạt tình dục: bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối thích nghi hoạt động tình dục tùy theo năng lực thể chất; không tự ý sử dụng thuốc, rượu thuốc hay các loại thảo dược mà cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
3.4. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ làm tăng nặng tình trạng bệnh
Các yếu tố nguy cơ làm tăng nặng bệnh suy tim có thể kiểm soát gồm:
- Thói quen ít vận động:
Vận động làm tăng khả năng lưu thông máu, tăng chuyển hóa, hạn chế các bệnh mắc kèm và tăng sức khỏe của trái tim. Bệnh nhân suy tim nên vận động đều đặn, thường xuyên một cách nhẹ nhàng, phù hợp với khả năng.
- Các bệnh mắc kèm:
Cao huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường là những bệnh mắc kèm làm tăng nặng tình trạng bệnh tim. Để giảm triệu chứng và phòng biến chứng suy tim cần kiểm soát huyết áp, lipid máu, đường huyết, thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất và sử dụng thuốc điều trị các bệnh mắc kèm.
- Suy dinh dưỡng hoặc béo phì:
Suy dinh dưỡng khiến cơ thể luôn trong trạng thái mỏi mệt, thiếu chất, dễ mất sức khi hoạt động. Béo phì thường dẫn đến Cholesterol trong máu cao kèm theo nguy cơ tăng huyết áp và bệnh mạch vành. Chính vì thế chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng hoặc béo phì, kiểm soát nguy cơ tăng nặng tình trạng suy tim.
- Thuốc lá, rượu bia và chất kích thích:
Các chất này đều nguy hại cho sức khỏe của trái tim. Hãy bỏ thuốc lá, không sử dụng rượu bia và các chất kích thích để giảm các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng suy tim
- Cảm cúm hoặc viêm phổi: có khả năng gây ra viêm cơ tim, vì vậy khuyến cáo bệnh nhân suy tim nên tiêm phòng cúm và viêm phổi do phế cầu đầy đủ
- Tâm lý bệnh nhân:
Khoảng 22% bệnh nhân suy tim bị trầm cảm, ở bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối tỉ lệ này tăng lên đến 42%. Những bệnh nhân suy tim bị trầm cảm sẽ giảm tuân thủ điều trị, giảm sức khỏe và dễ tử vong hơn. Chính vì thế cần giải rõ về bệnh tật, suy nghĩ tích cực, vui vẻ, tạo tâm lý thoải mái cho cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nếu gặp vấn đề về tâm lý hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Trên thế giới có 5-10% bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối vẫn có thể hồi phục. Mặc dù tỷ lệ này thấp nhưng bệnh nhân vẫn có thể áp dụng các biện pháp kể trên để làm giảm triệu chứng và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh suy tim giai đoạn cuối.
DS Đỗ Thị Thủy