Biểu hiện và biến chứng của bệnh sởi
Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát – sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại một số biến chứng nguy hiểm.
⇒ Bệnh sởi
⇒ Điều trị và dự phòng bệnh sởi
Nội dung bài viêt
BỆNH SỞI LÀ GÌ?
Sởi là bệnh nhiễm siêu vi qua đường hô hấp, gặp chủ yếu ở trẻ em, với những đặc điểm như sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ và phát ban đỏ dạng dát sẩn. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm phải một loại siêu vi RNA thuộc họ Paramyxoviridae (chủng Morbillivirus, trong đó có siêu vi sởi) chỉ sống trên người. Siêu vi này lây truyền rất nhanh theo đường hô hấp qua dịch tiết nhiễm siêu vi của mũi – miệng.
NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA BỆNH SỞI
- Biểu hiện của bệnh sởi
Theo quy luật chung của các bệnh nhiễm trùng, bệnh sởi tiến triển qua 4 giai đoạn:
Thời kỳ ủ bệnh:
Thời kỳ ủ bệnh không triệu chứng, từ khi nhiễm siêu vi sởi đến khi có triệu chứng đầu tiên khoảng 8 – 12 ngày.
Thời kỳ viêm long:
Thời kỳ viêm long kéo dài 3 ngày, với sốt nhẹ, ho, sổ mũi, mắt đỏ. Trong miệng có thể thấy ở niêm mạc má đối diện răng hàm dưới các nốt trắng xám, lớn bằng hạt cát 9goij là các nốt koplik). Các nốt nội ban này (hay ban niêm mạc) xuất hiện trước khi phát ban sởi toàn thân.
Thời kỳ phát ban:
Thời kỳ phát ban từ ngày 3 – 7. Trẻ thường sốt cao 40 – 40,5 C kèm phát ban. Ban dạng dát – sẩn là những nốt nhỏ đường kính vài mm, hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, chồng lên nhau dạng giống hoa cúc trên nền da bình thường, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ. Trường hợp nặng, ban có thể có dấu hiệu xuất huyết (sởi đen). Vị trí ban đầu tiên là đường chân tóc phía sau tai, sau đó xuất hiện ở mặt rồi lan xuống thân và cuối cùng đến tay chân sau 24 giờ. Các biến chứng nhiễm trùng nặng của sởi thường gặp trong thời kỳ phát ban này.
- Thời kỳ phát ban từ ngày 3 – 7. Trẻ thường sốt cao 40 – 40,5 C kèm phát ban
Thời kỳ hồi phục:
Khi ban xuống đến chân thì sốt cũng đột ngột giảm đi nếu không có biến chứng. Sau đó, ban cũng nhạt dần và mất đi đúng theo tuần tự nó đã xuất hiện, để lại trên da những dấu màu sậm lốm đốm như vằn da báo.
- Tổng thời gian phát ban khoảng 9 ngày nên còn gọi là sởi 9 ngày. Hầu hết, các bệnh phát ban khác có thời gian ngắn hơn, như rubella (sởi Đức) ban chỉ tồn tại 3 ngày (sởi 3 ngày).
BỆNH SỞI CÓ THỂ NHẦM VỚI NHỮNG BỆNH NÀO?
Bệnh sởi có thể nhầm với nhiều bệnh nhiễm khuẩn có sốt và phát ban khác như: bệnh sởi Đức (rubella), bệnh ban đào (roseola), bệnh tay- chân-miệng, các nhiễm siêu vi khác không đặc hiệu. Một số bệnh hiếm gặp nhưng nặng như: bệnh Kawasaki (một bệnh làm viêm các mạch máu và có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử), bệnh ung thư máu cũng có thể phát ban dạng sởi trong giai đoạn đầu.
CÁC BIẾN CHỨNG CỦA SỞI
Các biến chứng khá phổ biến thường thấy ở bệnh nhân sởi là tiêu chảy, viêm phổi (trực tiếp do siêu vi sởi hay do nhiễm vi khuẩn thứ phát), viêm tai giữa, viêm não sớm do siêu vi xâm nhập trực tiếp gây tổn thương nhu mô não hoặc viêm não muộn do cơ chế miễn dịch làm hủy myelin, loét giác mạc. Ở trẻ suy dinh dưỡng, bệnh sởi gây suy giảm miễn dịch dẫn đến các biến chứng nói trên nặng hơn, có thể hoạt hóa bệnh lao hay gây khô mắt do thiếu vitamin A. Cá biệt hơn, có bệnh nhân sau khi mắc sởi 8 – 10 năm thì bị viêm toàn bộ não xơ hóa tăng dần gây thoái triển hành vi trí tuệ dần dẫn đến tử vong. Các biến chứng ở người lớn mắc bệnh sởi thường nặng hơn so với ở trẻ em.
- Các biến chứng khá phổ biến thường thấy ở bệnh nhân sởi là tiêu chảy, viêm phổi, …
Tỷ lệ tử vong trong các năm của thập niên 1920 vào khoảng 30% ở những người viêm phổi do sởi. Từ năm 1987 đến năm 2000, tỷ lệ tử vong do sởi ở Hoa Kỳ là 0,3%. Ở các nước kém phát triển, do suy dinh dưỡng và trình độ y tế thấp, tỷ lệ này chiếm đến 28%. Ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch (ví dụ AIDS), tử vong khoảng 30%. Có thể nói, bệnh sởi nguy hiểm trước hết do các biến chứng của sởi thường nặng hoặc sởi xảy ra ở các trẻ suy dinh dưỡng, hay do những bất cập trong điều trị (như thiếu điều trị nâng đỡ).
NGUY CƠ BÙNG PHÁT DỊCH SỞI TẠI VIỆT NAM
Từ cuối tháng 12/2013 đến nay, bệnh sởi ở trẻ em đang liên tục bùng phát và tăng nhanh tại nước ta. Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi đã xuất hiện ở 24 tỉnh thành. Trong tháng 1/2014 có 241 trường hợp bệnh sởi. Trong tháng 2/2014, tại TPHCM, trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 30 trẻ điều trị sởi và tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 24 trẻ điều trị sởi. Đến ngày 17/2, cả nước ghi nhận có 7 trẻ tử vong vì sởi. Phần lớn trẻ em bị sởi trước 5 tuổi.
Mùa bệnh sởi ở nước ta thường xảy ra từ tháng 1 đến tháng 5. Nguyên nhân bệnh sởi tăng cao năm nay có thể liên quan đến thời tiết đông xuân lạnh khác thường và trẻ chưa được tiêm phòng sởi đầy đủ. Tuy nhiên, giống như trên thế giới, gần đây sởi thỉnh thoảng thường hay bùng phát tại Việt nam. Gần nhất là tháng 2/2009, ở miền Bắc có 505 trường hợp với tỷ lệ biến chứng cao, trong đó Hà Nội có đến 160 ca.
TS BS Bùi Quang Vinh
Chuyên khoa Nhi – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
Trích Tạp chí “Sống khỏe” số 02 – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
⇒ Một số bệnh da do virus thường gặp ở trẻ em
⇒ Bệnh Rubella và hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin