Bướu cổ có mấy loại? Các phương pháp điều trị bướu cổ hiện nay
Tuyến giáp là cơ quan nội tiết lớn nhất, có chức năng chính tiết ra các hormon giúp điều hòa các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Bướu cổ hay còn gọi bướu tuyến giáp, là một bệnh khá phổ biến, với tỉ lệ mắc ở nữ nhiều hơn nam và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy bướu cổ có mấy loại và các phương pháp điều trị bệnh bướu cổ hiện nay là gì?
Nội dung bài viêt
1. Bướu cổ là gì?
Theo định nghĩa, bướu cổ là tình trạng phì đại bất thường của tuyến giáp. Bình thường về hình thái, tuyến giáp có dạng hình cánh bướm: 6 x 6cm. Eo tuyến giáp: Cao 1,5 cm, rộng 1cm. Mỗi thùy: Cao: 2,5 – 4cm, rộng 1,5 – 2cm, dày 1 – 1,5cm. Tuyến giáp bình thường nặng 10 – 20g. Bướu cổ có thể không gây cảm giác đau, tuy nhiên, nếu bướu to dần sẽ chèn ép các cơ quan xung quanh và dẫn đến tình trạng ho, viêm họng, nặng hơn có thể khó nói, khó thở,…
- Bướu cổ có mấy loại? Cách phân biệt như thế nào?
2. Bướu cổ có mấy loại? Phân loại các dạng bướu cổ
Có 3 loại bướu cổ thường gặp gồm: Bướu cổ lành tính, bướu cường giáp và bướu cổ ác tính. Dấu hiệu bệnh bướu cổ thường kín đáo, không đặc hiệu, hay xuất hiện muộn nên người bệnh thường chủ quan, không đi khám. Tùy theo phân loại bướu cổ, tình trạng bệnh và nguyên nhân để xác định mức độ ảnh hưởng của bướu cổ tới sức khỏe, cũng như việc điều trị bệnh.
2.1. Bướu cổ đơn thuần (bướu cổ lành tính)
Bướu giáp đơn thuần hoặc bướu giáp không độc còn được gọi là bướu bình giáp, được định nghĩa là tình trạng tuyến giáp lớn nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp, không bị viêm hoặc u. Tên gọi bướu giáp đơn thuần, nhưng bệnh xuất hiện trong nhiều bất thường khác nhau. Bệnh thường gặp ở nữ giới, tỷ lệ có cao hơn trong các giai đoạn dậy thì, thai kỳ, tuổi mãn kinh.
Bướu giáp đơn thuần bao gồm 3 thể như sau:
– Thể một nốt.
– Thể nhiều nốt.
– Thể lan tỏa.
Có 2 nguyên nhân chính gây ra bệnh bướu cổ đơn thuần: Do thiếu iod tuyệt đối và tác dụng của các chất làm phì đại tuyến giáp (thức ăn: Quả su, bông cải trắng …, hay một số chất: Thiocyanat, acid para-amino-salicylic (PAS), muối lithium, cobalt, thuốc kháng giáp tổng hợp). Ngoài ra, rối loạn nội tiết tố nữ ở nữ giới tuổi dậy thì, phụ nữ có thai, phụ nữ tiền mãn kinh,… cũng có thể gây bệnh.
Bệnh thường xảy ra một cách kín đáo và ít có triệu chứng cơ năng, được phát hiện tình cờ khi nhìn thấy hay sờ lên cổ thấy khối to bất thường hoặc khi đi khám sức khỏe tổng quát bởi với tuyến giáp bình thường, bạn không bao giờ có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy dù có thể trạng rất gầy.
Bướu lớn có thể chèn ép các cơ quan và tổ chức xung quanh gây nên tình trạng khó thở (do chèn ép vào khí quản), nói khó, nói khàn (do chèn ép vào dây thần kinh quặt ngược), phù mặt, cổ, ngực, hai tay kèm tuần hoàn bàng hệ ở ngực (do chèn ép tĩnh mạch chủ trên).
Trường hợp bướu giáp nhỏ, không có triệu chứng lâm sàng, bạn chỉ cần theo dõi định kỳ bằng khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp để có thể đánh giá độ lớn và sự phát triển của bướu. Một số trường hợp, bướu giáp ổn định trong nhiều năm.
Điều trị thuốc yêu cầu quá trình lâu dài, đáp ứng tốt với thuốc ở những bệnh nhân trẻ tuổi hơn, tình trạng bướu còn nhỏ được phát hiện sớm, và bướu giáp đơn thể nốt thường đáp ứng kém hơn thể bướu giáp đơn lan tỏa. Không nên phẫu thuật bướu giáp đơn thuần vì sau đó có thể gây suy giáp. Chỉ thực hiện phẫu thuật trong trường hợp bệnh nhân điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp khác theo chỉ dẫn của bác sĩ không đáp ứng sau 6 tháng và dự phòng tái phát.
2.2. Bướu cường giáp
Là tình trạng tuyến giáp tăng khả năng tổng hợp và giải phóng các hormon giáp do nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn chức năng các cơ quan và tổ chức trong cơ thể, dẫn đến nhiễm độc hormon tuyến giáp. Biểu hiện chung là hội chứng cường giáp: Tim đập nhanh, thay đổi tính tình (hay nóng tính), run tay, gầy sút cân mặc dù ăn nhiều,… Bệnh thường xảy ra ở nữ giới từ 20-45 tuổi.
Điều trị bệnh cường giáp chủ yếu bằng các thuốc kháng giáp và thuốc điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp điều trị bằng thuốc không có hiệu quả cần thực hiện phẫu thuật, hoặc phóng xạ iod kết hợp với việc dùng thuốc để đạt hiệu quả tốt hơn. Khi được điều trị, bệnh có thể khỏi hoàn toàn, song cũng có thể tái phát hoặc suy giáp do tai biến điều trị.
2.3. Ung thư tuyến giáp (bướu cổ ác tính)
Là bệnh ung thư tuyến nội tiết hay gặp và đa dạng nhất. Bệnh có tiến triển thầm lặng và giai đoạn ẩn bệnh kéo dài 15-20 năm, thường gặp ở người trẻ nhiều hơn với độ tuổi <55 tuổi, nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh lớn hơn nam giới và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, di căn. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp bao gồm: Nhiễm phóng xạ, người có tiền sử mắc bệnh bướu giáp, gia đình đã có người mắc bệnh,…
Điều trị bệnh bao gồm phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch xung quanh, xạ trị và hóa trị (ít có tác dụng). Có thể kết hợp điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau và kết hợp với việc uống thuốc kích giáp suốt đời trong trường hợp bạn cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp 2 bên.
Đa số người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa nếu được phát hiện và điều trị sớm, tích cực sẽ có tiên lượng tốt.
3. Các phương pháp điều trị bướu cổ hiện nay
- Bướu cổ có mấy loại thì có những cách điều trị khác nhau
3.1. Uống thuốc
Sử dụng thuốc giúp đưa hormone tuyến giáp về trạng thái bình thường. Phương pháp này được áp dụng để điều trị bướu cổ có biểu hiện do rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc sử dụng sau xạ trị và phẫu thuật tuyến giáp. Bệnh nhân sử dụng thuốc tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ, sau những lần tái khám, bệnh nhân sẽ được kiểm tra lượng hormone để kiểm tra hiệu quả sử dụng thuốc.
3.2. Phóng xạ iod
Đây là phương pháp sử dụng i-ốt phóng xạ với mục đích làm giảm đi kích thước của tuyến giáp.
Ưu điểm: – Là phương pháp hiện đại.
– Hiệu quả điều trị rất tốt.
Nhược điểm: – Giá thành cao.
– Có thể gây nên tình trạng hoạt động tuyến giáp kém.
Xem thêm
3.3. Phẫu thuật
Là một phương pháp được ưu tiên lựa chọn trong trường hợp ung thư tuyến giáp hoặc các loại bướu cổ có kích thước lớn gây chèn ép cơ quan xung quanh mà điều trị bằng những phương pháp khác không đạt hiệu quả.
Tùy thuộc tình trạng, bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp và bệnh nhân phải sử dụng hormon thay thế tuyến giáp sau phẫu thuật nếu có biến chứng suy giáp.
3.4. Chăm sóc
Bệnh bướu cổ chủ yếu do tình trạng thiếu iod, vì vậy bạn nên ăn các thực phẩm chứa nhiều iod như hải sản, rong biển,… và những loại thực phẩm như sữa chua, các loại đậu, trái cây họ cam quýt và rau màu xanh đậm.
Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, giảm bớt công việc và nghỉ ngơi đầy đủ.
Tuân thủ đúng và đủ lời dặn của bác sĩ, tái khám theo đúng lịch hẹn để có thể chẩn đoán và điều trị hiệu quả các triệu chứng phát sinh.
BS. Hà Linh