Các bệnh tim thường gặp
Tim mạch là bệnh phức tạp, có tỉ lệ tử vong cao. Hiện nay, số người mắc bệnh tim mạch ngày một tăng nhưng các khái niệm cơ bản trong lĩnh vực này có nhiều người không hiểu. Thầy thuốc Việt Nam xin giới thiệu tới bạn đọc một số thuật ngữ thường gặp.
Nội dung bài viêt
Tật tim bẩm sinh ở trẻ
Trẻ có tật tim bẩm sinh là trẻ khi mới vừa sinh ra đã có những bất thường trong cấu trúc của buồng tim, các vách ngăn trong tim, các van tim, những mạch máu lớn xuất phát từ tim.
- Tim bình thường và tim bị dị tật
Tim bình thường và tim bị dị tật
Tại sao trẻ sinh ra lại có tim bẩm sinh?
Nguyên nhân của bệnh tim bẩm sinh:
– Do bất thường của các nhiễm sắc thể số 13, 18, 21 (hội chứng Down), 22 hoặc của các nhiễm sắc thể giới tính như XO (hội chứng Turner), XXY (hội chứng Klinefelter);
– Do di truyền trong gia đình khiến tim bẩm sinh xảy ra trong nhiều thế hệ của gia tộc. Nguyên nhân này chiếm khoảng 3% các trường hợp tim bẩm sinh.
– Do các yếu tố từ môi trường sống tác động lên cơ thể bà mẹ lúc mang thai như tia phóng xạ, tia quang tuyến X, hóa chất, rượu, thuốc (đặc biệt là các thuốc an thần, thuốc nội tiết tố); hoặc mẹ mắc một số bệnh do siêu vi trùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ như quai bị, rubéole, herpès…
– Do mẹ mắc một số bệnh như tiểu đường, lupus đỏ…
Làm thế nào nhận diện trẻ có tim bẩm sinh?
Trẻ thường bị ho, khò khè tái đi, tái lại nhiều lần, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm khi hít vào), trẻ rất hay bị sưng phổi.
Da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi, thường rất dễ mệt. Một số trẻ tím môi và đầu ngón tay, ngón chân khi khóc, khi rặn đi cầu hoặc tím ngay từ khi mới sinh, điều này khó nhận ra ở trẻ có nước da ngăm đen.
Các trẻ có tật tim bẩm sinh thường bú hoặc ăn kém, khi bú trẻ có vẻ rất mệt, đang bú phải ngưng lại, nghỉ một lúc để thở rồi mới bú tiếp. Do đó trẻ chậm lên cân, thậm chí không tăng cân, sụt cân, chậm mọc răng, chậm biết lật, biết bò, biết đi và đứng hơn so với trẻ bình thường.
Có một số tật khác cũng hay đi kèm với tật tim bẩm sinh như hội chứng Down, sứt môi – chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay – ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ…
1. Thông liên thất
- Thông liên thất
Thông liên thất là một trong những dị tật bẩm sinh của tim. Đây là sự tổn thương (tạo lỗ hở) 1 hay nhiều chỗ trên Vách Liên Thất làm cho sự lưu thông máu trong tim rối loạn, không theo quy luật bình thường.
Biểu hiện của bệnh nhân là tím tái, khó thở và ngất khi gắng sức (vì gây hiện tượng thiếu máu trầm trọng nuôi cơ thể).
Chứng bệnh này thường phải phẫu thuật sớm để bịt lỗ hở ở Vách Liên Thất, nếu không bệnh nhân càng lớn thì triệu chứng trầm trọng hơn.
Thông liên thất là bệnh tim bẩm sinh hay gặp nhất sau dị tật bẩm sinh ở van động mạch chủ, và chiếm khoảng 25% các bệnh tim bẩm sinh. Trẻ bị dị tật này thường chậm lớn và có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí sớm.
Vì sao lại có dị tật này?
Bệnh này thường phát sinh trong thời kỳ thai nhi hình thành tim nhưng chúng thường không có nguyên nhân rõ ràng.
Nếu một người bị bệnh TLT sẽ có hiện tượng máu giàu ôxy ở tâm thất trái (thường có áp lực cao hơn) chảy sang tâm thất phải (có máu đen nghèo ôxy hơn).
Tâm thất phải do đó bị quá tải, ngoài máu đen từ nhĩ phải xuống lại còn nhận thêm một lượng máu từ tâm thất trái đổ sang qua lỗ thông.
Hậu quả là tất cả lượng máu lớn đó dồn vào tâm thất phải, làm tâm thất phải bị vất vả hơn mới tống được máu lên động mạch phổi. Vì vậy, nó cũng dày lên, giãn ra và yếu đi dần dần dẫn đến suy tim.
Ở giai đoạn đầu, khi áp lực tâm thất trái còn cao hơn áp lực tâm thất phải, dòng máu qua lỗ thông là chiều từ tâm thất trái sang tâm thất phải. Đến giai đoạn sau sẽ là tăng áp động mạch phổi gây suy tim phải, máu trong tâm thất trái bị pha trộn máu nghèo ôxy nên tim bơm máu nghèo ôxy qua động mạch chủ đến các cơ quan. Khi đó bệnh nhân có biểu hiện tím môi và các đầu ngón tay, ngón chân.
Các yếu tố nguy cơ
Người ta nhận thấy ngoài nguyên nhân do mẹ bị cúm trong 3 tháng đầu, TLT hay gặp trong các hội chứng bệnh lý, đặc biệt là hội chứng có 3 nhiễm sắc thể 21, hội chứng do mẹ nghiện rượu khi mang thai… Bị nhiễm Rubella: nhiễm Rubella trong khi mang thai có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh, những người đái tháo đường mang thai mà đường huyết không được kiểm soát tốt, lạm dụng thuốc và các chất hóa học.
2. Thông liên nhĩ
- Thông liên nhĩ
Thông liên nhĩ là tim có một lỗ thủng ở vách liên nhĩ. Vì có lỗ thông như vậy, nên máu đỏ ở tâm nhĩ trái, thường có áp lực cao hơn, chảy sang tâm nhĩ phải có máu đen. Tuy có trộn lẫn hai loại máu, nhưng vì bên đỏ chảy sang bên đen nên máu ngoại vi vẫn đỏ không có tím môi trừ khi đã biến chứng.
Tâm nhĩ phải chứa máu từ tĩnh mạch đổ về, nay bị quá tải vì chứa thêm máu từ bên trái “chạy” qua . Hậu quả là tất cả lượng máu lớn đó dồn xuống tâm thất phải, làm tâm thất phải bị “vất vả” hơn mới tống được máu lên động mạch phổi. Vì vậy, nó cũng dày lên, rồi giãn ra và yếu đi, đó là suy tim.
Cách chữa của thông liên nhĩ trước đây bằng phẫu thuật, người ta phải mở lồng ngực, rồi khâu kín lỗ thông lại. Nhưng cách mổ đó đều nặng, nhất là đối với các lỗ thông liên nhĩ hoặc liên thất vì không những phải mở lồng ngực, lại còn phải cho tuần hoàn ngoài cơ thể, mở hẳn quả tim ra, cho nó ngừng đập rồi mới khâu được.
Hiện nay, đã có cách giải quyết không cần mổ: người ta cho một ống thông qua mạch máu vào đến tim, rồi đưa vào một dụng cụ riêng để lấp lỗ thông.
Thầy thuốc Việt Nam tổng hợp