Các bệnh về khớp hay gặp trong mùa đông
Mùa đông tiết trời lạnh khí hậu lúc khô hanh, lúc lại ẩm ướt, kèm theo các cơn mưa phùn rả rích là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Với thời tiết như vậy tình trạng bệnh của những người bị khớp trở nên nặng hơn. Viêm khớp dạng thấp, thấp tim và gút là 3 bệnh dễ lên những đợt cấp tính nhất trong mùa đông.
Thấp tim (thấp khớp cấp biến chứng vào tim)
- Thấp tim dễ gặp vào mùa lạnh ( Ảnh st)
Là bệnh hay gặp ở trẻ em trên 5 tuổi và người trẻ tuổi. Thời tiết lạnh, ẩm là nguyên nhân khiến liên cầu khuẩn phát triển, gây nên viêm họng, sau đó tiến triển thành viêm đường hô hấp trên.
Loại liên cầu khuẩn này kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp, thần kinh và gây nên bệnh thấp tim. Biểu hiện của bệnh: trẻ bị sốt, đau họng, ho, tiếp đến là sưng, nóng các khớp, đặc biệt là sưng khớp gối, khớp khuỷu và chạy từ khớp này sang khớp khác. Sưng khớp và khớp di chuyển từ khớp này sang khớp khác là một yếu tố quan trọng để nhận biết nguy cơ bị thấp tim ở bệnh nhân.
Khi trẻ có những dấu hiệu trên, phải đưa trẻ đến viện ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bệnh thấp tim có thể phòng được bằng phương pháp tiêm chậm peniciline. Phương pháp này có tác dụng làm cho bệnh không tái phát được và không biến chứng vào tim. Tuy nhiên, trước khi tiêm phòng, cần có sự thăm khám của bác sĩ để xác định nhiều yếu tố liên quan. Tất cả những trẻ dù chỉ bị thấp khớp cấp một lần cũng phải tiêm phòng chậm peniciline đến năm 21 hoặc 25 tuổi.
Nội dung bài viêt
Viêm khớp dạng thấp
Là bệnh khớp mãn tính kéo dài trong nhiều năm và có thể gây những di chứng nặng nề như: dính, biến dạng khớp. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này chiếm 0,3% – 0,5% dân số, trong đó 80% là nữ giới ở độ tuổi từ 30 trở lên.
Triệu chứng của bệnh là viêm nhiều khớp (khớp cổ tay, bàn tay, đốt tay, khớp chân…) và diễn biến kéo dài. Người bệnh cũng có thể bị cứng khớp vào buổi sáng, gây khó cử động các khớp và kéo dài hằng giờ.
Viêm khớp dạng thấp diễn biến từng đợt, ở giai đoạn đầu, nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn hai, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động của khớp.
Bệnh gút
- Bệnh gut dễ gặp ở nam giới ( Ảnh st)
Gút là bệnh chủ yếu ở nam giới trên 30 tuổi, sống tại thành thị. Biểu hiện: Khớp bị sưng, đặc biệt là sưng đau ngón chân cái. Giai đoạn đầu thường bị viêm một cách đột ngột, khớp bị sưng vù, nóng đỏ, bị đau dữ dội, đến mức không đi lại được. Có thể chỉ sau 1 đêm, các khớp từ bình thường đã bị sưng tấy, nóng đỏ.
Những cơn gút đầu tiên có thể tự hết, sau đó 1 năm có thể tái phát một, hai lần. Bệnh càng biểu hiện nặng hơn khi uống rượu nhiều và ăn quá nhiều chất béo…
Khi trời lạnh, kèm theo mưa phùn thì người bị thấp tim, viêm khớp dạng thấp không nên ra ngoài, phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt là chân tay. Người bị gút hãy tránh xa rượu và các đồ nhắm giàu chất béo nếu không muốn bị lên những đợt viêm khớp cấp tính.
Những trường hợp dễ mắc khớp
Thời tiết mùa đông lạnh, ẩm sẽ khiến tình trạng đau khớp nặng nề hơn. Nếu không biết cách vận động và tự giảm đau, dễ dẫn tới đau nhức toàn thân.Bệnh âm ỉ kéo dài, triệu chứng chung là đau mỏi các khớp thường kèm theo các rối loạn khác như rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, ăn uống kém… Những trường hợp hay dễ mắc bệnh khớp nhất:
Sức đề kháng yếu cũng gây đau khớp
Nguyên nhân của bệnh là do ổ khớp có rất ít mạch máu, chủ yếu hoạt động là do thẩm thấu. Vì vậy, những ổ khớp nào có nhiều mạch máu lưu thông thì ít bị đau và ngược lại.
Đặc biệt vào mùa đông, khi thời tiết vừa ẩm thấp, lại lạnh gây co mạch, làm máu lưu thông kém làm khớp bị loạn dưỡng và gây đau, tê cứng… Ngoài ra, nguyên nhân gây đau khớp là do sức đề kháng và khả năng tự bảo vệ của cơ thể không đầy đủ, các yếu tố gây bệnh là phong – hàn – thấp cùng phối hợp tác động xâm phạm đến kinh lạc – cơ – khớp, làm cho sự vận hành của khí huyết bị tắc nghẽn không thông gây ra sưng đau, hoặc không sưng mà chỉ đau tê mỏi nặng ở một khu vực khớp xương hoặc toàn thân. Đặc biệt, ở người già, các chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu, làm cho khí huyết cũng giảm sút không nuôi dưỡng được cân mạch gây nên tình trạng thoái hóa khớp xương và gây nên đau.
Nữ giới thoái hóa khớp bàn tay nhiều hơn nam
Theo các bác sĩ khoa Khớp, Bệnh viện Bạch Mai, một trong các bệnh khớp thường gặp ở người có tuổi là thoái hóa khớp bàn tay. Bệnh cũng gây đau, ảnh hưởng đến chức năng vận động và sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Tại Việt Nam, thoái hóa khớp bàn tay chiếm tỷ lệ 14%, đứng thứ tư trong các vị trí thoái hóa khớp thường gặp.
Tuổi trung bình của bệnh nhân thoái hóa khớp bàn tay là 60 – 65 tuổi. Tuy nhiên từ độ tuổi 55 đã bắt đầu xuất hiện các biểu hiện của thoái hóa khớp bàn tay. Tỷ lệ thoái hóa khớp tăng dần theo tuổi, cao hơn ở nhóm tuổi từ 60 trở lên và cao nhất ở nhóm 70 – 79 tuổi.
Bệnh cũng thường gặp ở nữ giới (75%). Số lượng bệnh nhân nữ mắc thoái hóa khớp bàn tay nhiều gấp ba lần so với nam giới. Ngoài ra, những người béo phì cũng dễ bị thoái hóa khớp bàn tay. Có tới 1/3 bệnh nhân thoái hóa khớp bàn tay bị béo phì. Thoái hóa khớp bàn tay thường xuất hiện sau một số bệnh lý bàn tay như sau chấn thương, gãy xương khớp, hoại tử xương, viêm khớp dạng thấp, gút mạn tính, đái tháo đường…
Theo các chuyên gia về xương khớp, hiện chưa có thống kê chính xác nhưng ở Việt Nam có hàng trăm nghìn người bị viêm khớp. Đây là một trong những dạng bệnh mạn tính có tỷ lệ tàn phế cao nhất và thực tế có rất nhiều người đã trở nên tàn tật ở những mức độ khác nhau, dẫn đến giảm và mất khả năng lao động sinh hoạt, lao động hằng ngày.
Thầy thuốc Việt Nam tổng hợp xem thêm các bệnh khác tại https://thaythuocvietnam.vn/benh-thuong-gap/