Các loại thuốc tiêu chảy cho bé thông dụng nhất

Học hàm, học vị:
Tỉnh/TP:

Vì sao trẻ em hay bị tiêu chảy hơn người lớn? Làm thế nào bạn có thể điều trị bệnh tiêu chảy của con bạn? Việc sử dụng thuốc tiêu chảy cho bé sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, tuổi tác và sức khỏe chung của con bạn, và tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng như thế nào.

1. Bù đủ nước, điện giải cho trẻ khi bị tiêu chảy

Mất nước là mối quan tâm chính khi bị bệnh tiêu chảy. Trong hầu hết các trường hợp, điều trị chỉ bao gồm bổ sung nước và điện giải. Bà mẹ có thể sử dụng nước cháo loãng, nước dừa hoặc dung dịch Oresol – một  thuốc tiêu chảy cho bé phổ biến. Trung bình một ngày bé cần uống 8-12 cốc nước, tương đương với 2-3 lít nước để bù lại lượng nước và điện giải đã mất đi.

Khi bị tiêu chảy từ trung bình đến nặng, trẻ cần uống dung dịch bù nước đường uống (ORS) như để giúp ngăn ngừa mất nước. ORS thay thế chất điện giải và chất lỏng bị mất đi.

Lưu ý:

  • Không pha ORS với sữa công thức.
  • Sử dụng nước đun sôi với tỷ lệ theo quy định, dùng hết gói hoặc viên trong một lần pha.
  • ORS không nên là chất lỏng duy nhất được cung cấp trong hơn 6 giờ. Không sử dụng nước uống thể thao và các biện pháp khắc phục tại nhà thay cho ORS.

Mất nước là vấn đề cần quan tâm khi trẻ bị tiêu chảy

Liều dùng:

  • Trẻ từ 1 tháng tuổi đến 1 tuổi: 1 đến 1,5 thể tích 1 lần bú bình thường.
  • Trẻ từ 1 đến 12 tuổi: 200ml sau mỗi lần mất nước do nôn hoặc tiêu chảy.
  • Trẻ từ 12 đến 18 tuổi: 200ml – 400ml sau mỗi lần mất nước do nôn hoặc tiêu chảy

Xem thêm: Bị tiêu chảy uống thuốc gì nhanh khỏi? Tham khảo 7 loại phổ biến

2. Sử dụng thuốc hấp phụ, bao phủ niêm mạc ruột

Các loại thuốc hấp phụ bao phủ niêm mạc ruột có tác dụng cách ly các chất gây kích ứng, ngộ độc khỏi bề mặt niêm mạc ruột. Smecta là loại thuốc chỉ định điều trị các triệu chứng đau của bệnh thực quản – dạ dày – tá tràng và đại tràng, tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, đối với nhóm trẻ dưới 2 tuổi, việc sử dụng hết sức thận trọng do các nghiên cứu về tác dụng phụ còn hạn chế

Smecta – thuốc tiêu chảy cho bé

Liều dùng trẻ em:

  • Dưới 1 tuổi: 1 gói/ ngày.
  • Từ 1 đến 2 tuổi: 1 – 2 gói/ ngày
  • Trên 2 tuổi: 2 – 3 gói/ ngày.

Thuốc không sử dụng với bất kỳ đối tượng nào dị ứng với Diosmectit hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.. Hiếm gặp, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ như phát ban, táo bón, viêm, ngứa, phù mạch… Do đó, không tự sử dụng thuốc tiêu chảy cho bé mà không có chỉ định của các bác sĩ.

3. Sử dụng men vi sinh cho trẻ khi bị tiêu chảy

Men vi sinh giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột

Men vi sinh là những vi sinh vật “tốt” còn sống, chẳng hạn như vi khuẩn, chúng giúp giữ cho hệ tiêu hóa của chúng ta khỏe mạnh, cân bằng giữa hệ vị sinh vật tốt và xấu trong hệ tiêu hóa:

Lactobacillus acidophilus:

  • Chỉ định: các tiêu chảy do loạn khuẩn ở ruột
  • Người lớn uống mỗi lần 1gói/1g, ngày 3 lần. Trẻ em uống mỗi ngày 1- 2 gói.

Saccharomyces boulardii: Là nấm men có tác dụng tổng hợp vitamin nhóm B, kìm khuẩn, diệt Candida albicans, hỗ trợ điều trị tiêu chảy cho bé trong các trường hợp:

  • Chỉ định: dự phòng và điều trị tiêu chảy khi cho trẻ dùng kháng sinh, tiêu chảy cấp.
  • Vì nấm men là các tế bào sống nên không đươc trộn vào nước hay thức ăn nóng (trên 500C), quá lạnh hoặc có cồn, rượu. Không dùng cùng với các thuốc chống nấm.

Xem thêm: Phòng tiêu chảy qua đường ăn uống

4. Bổ sung kẽm cho trẻ bị tiêu chảy

Bổ sung sớm kẽm cho trẻ giúp giảm nhẹ tình trạng tiêu chảy

Kẽm có thể được dùng dưới dạng xi-rô hoặc viên nén, tùy theo công thức nào có sẵn và giá cả phải chăng. Bằng cách cho trẻ dùng kẽm ngay khi bắt đầu bị tiêu chảy, thời gian và mức độ nghiêm trọng của đợt tiêu chảy cũng như nguy cơ mất nước sẽ được giảm. Bằng cách tiếp tục bổ sung kẽm trong 10 đến 14 ngày, lượng kẽm bị mất trong quá trình tiêu chảy sẽ được bù đắp hoàn toàn và nguy cơ trẻ mắc các đợt tiêu chảy mới trong 2 đến 3 tháng tiếp theo sẽ giảm đi. Một nghiên cứu ở Bangladesh cho thấy việc bổ sung kẽm làm giảm đáng kể thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy ở trẻ em mắc bệnh tả.

Liều dùng:

  • Trẻ em <6 tháng tuổi: 10 mg /ngày trong 10 đến 14 ngày
  • Trẻ em >6 tháng tuổi: 20 mg /ngày trong 10 đến 14 ngày

Lưu ý: Nên bổ sung lượng kẽm theo khuyến nghị, tránh bổ sung quá mức gây ra các vấn đề sức khỏe khác.

5. Sử dụng thuốc tiêu chảy cho bé và những điều cần lưu ý

Loperamid là loại thuốc được sử dụng phổ biến để cầm tiêu chảy. Tuy nhiên không khuyến cáo dùng Loperamid quá thường xuyên cho trẻ em bị tiêu chảy cấp. Bên cạnh đó, Loperamid không được khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Liều dùng:

  • Trẻ từ 6 – 12 tuổi: dùng Loperamid với liều 0,08-0,24 mg/kg/ngày, chia 2 hoặc 3 liều.

Hoặc:

  • Trẻ từ 6 – 8 tuổi: 2mg/lần, 2 lần/ngày.
  • Trẻ từ 8 – 12 tuổi: 2mg/lần, 3 lần/ngày.
  • Trẻ trên 12 tuổi: dùng như người lớn.

Loperamid chống chỉ định trong các trường hợp như:

  • Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc;
  • Táo bón;
  • Cần tránh việc ức chế nhu động ruột;
  • Tổn thương gan (nếu sử dụng sẽ dẫn đến quá liều do thuốc tích lũy);
  • Viêm đại tràng nặng, viêm đại tràng giả mạc;
  • Hội chứng lỵ, bụng chướng;
  • Đau bụng nhưng không tiêu chảy;
  • Trẻ em dưới 6 tuổi.

Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ – cần tham vấn bác sỹ

Loperamid là thuốc tiêu chảy cho bé chỉ điều trị triệu chứng của bệnh tiêu chảy, muốn điều trị triệt để phải điều trị được nguyên nhân. Loperamid được bác sĩ chỉ định cầm tiêu chảy sau khi biết rõ nguyên nhân và sử dụng các thuốc điều trị thích hợp, người bệnh không được tự ý sử dụng Loperamid. Tiêu chảy là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, việc dùng thuốc cầm tiêu chảy khi chưa giải quyết ổ nhiễm trùng sẽ làm chất độc và vi khuẩn bị tích tụ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đồng thời làm gia tăng tình trạng trầm trọng của bệnh, gây trướng bụng, táo bón hoặc liệt ruột, ức chế hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây co cứng bụng, táo bón, kích thích đường tiêu hóa, buồn nôn và nôn nếu quá liều.

Xem thêm: Bé bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng gì? – Thầy Thuốc Việt Nam

6. Khi nào cần bổ sung kháng sinh cho trẻ bị tiêu chảy?

Không nên điều trị kháng sinh thường xuyên cho trẻ bị tiêu chảy

Ngoại trừ những trường hợp được liệt kê dưới đây, không nên điều trị kháng sinh thường xuyên cho trẻ bị tiêu chảy. Cụ thể:

  • Các trường hợp tiêu chảy ra máu (kiết lỵ).
  • Các trường hợp nghi ngờ tả bị mất nước nặng, nên được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống hiệu quả chống lại bệnh tả.
  • Nhiễm Giardia tá tràng có triệu chứng đã xét nghiệm dương tính.
  • Khi tiêu chảy đi kèm với nhiễm trùng cấp tính khác (ví dụ: viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu), nhiễm trùng đó cũng cần điều trị kháng sinh đặc hiệu.

Một số loại kháng sinh:

  • Tả: Erythromycin 12,5mg/kg x 4 lần/ngày x 3 ngày
  • Lỵ trực khuẩn: Ciprofloxacin 15mg/kg/lần x 2 lần/ngày x 3 ngày
  • Campylorbacter: Azithromycin 6 – 20mg/kg x 1 lần/ngày x 1-5 ngày
  • Lỵ a míp: Metronidazole 10 mg/kg/lần x 3 lần/ngày x 5 – 10 ngày (10 ngày với trường hợp bệnh nặng), dùng đường uống
  • Giardia: Metronidazole 5 mg/kg/lần x 3 lần/ngày x 5 ngày, dùng đường uống

Lưu ý: sử dụng đúng phác đồ nhằm tránh hiện tượng kháng kháng sinh và bổ sung men vi sinh nhằm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.

BS Trần Tuấn Anh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận