Cách dự phòng bệnh viêm xoang

Việc thiếu hiểu biết cùng thái độ chủ quan của người dân khi gặp phải các các triệu chứng thông thường như nghẹt mũi, ho, đau họng… mà không được tìm nguyên nhân và chữa trị dứt điểm dẫn tới bệnh viêm xoang kéo dài, khó chữa trị. Dự phòng bệnh viêm xoang giúp ngăn ngừa cũng như hạn chế sự phát triển của bệnh.

Các nguyên nhân gây viêm xoang và yếu tố nguy cơ

Các rất nhiều yếu tố gây nên triệu chứng của viêm mũi xoang, cụ thể như sau:

Nhiễm trùng

Phần lớn các trường hợp viêm xoang cấp tính là do nhiễm virus. Do vi khuẩn chỉ gặp dưới 1% viêm xoang. Các tác nhân gây viêm xoang cấp tính phổ biến nhất bao gồm Streptococcus Pneumonia, Haemophilus Influenza, và Moraxella Catarrahalis.

Viêm mũi xoang do nhiễm khuẩn cấp thường bắt đầu với nhiễm virus đường hô hấp trên kéo dài hơn 10 ngày. Trong một số trường hợp thứ phát do hậu quả của sự bít tắc lỗ thông mũi xoang (do phù nề niêm mạc) hoặc cũng có thể do sự tổn thương hệ thống màng nhầy lông chuyển. Kết quả là ứ đọng chất nhầy trong xoang, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Ngoài ra, nấm cũng có thể là yếu tố gây nên tình trạng viêm xoang. Chúng xâm nhập và phát triển trong xoang làm tổn thương tế bào lông chuyển lớp niêm mạc xoang. Chất nhầy ứ đọng, luồng khí lưu thông giảm, xuất hiện các tình trạng viêm nhiễm.

Các nguyên nhân khác

Nguyên nhân gây viêm xoang
Nguyên nhân gây viêm xoang 
  • Dị ứng phấn hoa, thời tiết chuyển mùa, lạnh hoặc các tác nhân khác như con mạt nhà, lông vật nuôi (chó, mèo…)
  • Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
  • Hít phải các chất kích thích (khói thuốc lá, hoá chất, bụi bẩn,…).
  • Các bất thường về giải phẫu mũi xoang (vẹo vách ngăn, quá phát mỏm móc, bóng sàng, xoang hơi cuốn giữa)
  • VA quá phát
  • Các chấn thương mũi – xoang.
  • Các khối u vòm mũi – họng.
  • Mắc một số bệnh toàn thân: rối loạn chức năng lông chuyển, suy giảm miễn dịch, bệnh xơ nang (Cystic fibrosis)
  • Thay đổi áp suất khí quyển khi lặn, đi máy bay.. hoặc đi bơi cũng làm tăng nguy cơ của viêm xoang.
  • Sức đề kháng kém: Sức đề kháng bị suy yếu dẫn đến không làm tốt việc ngăn chặn các tác nhân từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Suy yếu niêm mạc đường hô hấp, gia tăng các bệnh đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi dị ứng…

Triệu chứng thường gặp của người bệnh viêm xoang

Các biểu hiện mà người bệnh hay gặp phải như:

  • Đau đầu vùng thái dương, vùng trán
  • Ho nhiều, ho dai dẳng đặc biệt vào ban đêm
  • Có thể bị nghẹt mũi, tắc một hoặc cả hai bên mũi
  • Xuất hiện ngứa mũi, hắt hơi liên tục
  • Có thể có sốt, ngửi mùi kém hoặc không ngửi thấy mùi…

Viêm xoang có phải bệnh di truyền không?

Các chuyên gia giải đáp rằng, viêm xoang hoàn toàn là bệnh tự phát do các yếu tố môi trường sống, sức đề kháng kém…(như ở phần nguyên nhân bên trên đã đề cập) vì vậy không có khả năng di truyền. Do đó, các bậc cha mẹ khi mắc viêm xoang không nên quá lo lắng bệnh sẽ di truyền tới con. Tuy nhiên, con có khả năng cao mắc bệnh do cùng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, điều kiện thời tiết của cha mẹ nên cần chú ý.

 Viêm xoang có lây không?

Viêm xoang có lây không?
Viêm xoang có lây không là câu hỏi của rất nhiều người

Phần lớn bệnh viêm xoang thường do nhiễm trùng đường hô hấp gây nên. Vì vậy có khả năng làm lây nhiễm sang người khác, nhất là các trường hợp nhiễm virus cúm. Tuy nhiên, mức độ lây nhiễm còn tùy vào mức độ tiếp xúc và sức khỏe của người đối diện cũng như khả năng cơ thể tự kháng lại các tác nhân gây bệnh.

Nếu viêm xoang do dị dạng, tắc nghẽn ở đường mũi hoặc do dị ứng… thì không lây nhiễm.

Cách phòng tránh bệnh viêm xoang

Phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên

Nhiễm trùng đường hô hấp trên là một trong các nguyên nhân quan trọng gây ra viêm xoang. Do vậy, phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên là một biện pháp cần thiết để phòng tránh bệnh viêm xoang phát triển. Các biện pháp bao gồm:

  • Hạn chế tiếp xúc với những người mắc cảm cúm hoặc nghi mắc cảm cúm.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chăm sóc người bệnh.
  • Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý khi mắc bệnh.
  • Tiêm vắc xin phòng cúm, phế cầu để có sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh này.

Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích, tác nhân dị ứng

  • Một người có cơ địa dị ứng cần hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên gây nên tình trạng dị ứng. Các tác nhân gây dị ứng có thể kể đến như phấn hoa, lông chó mèo…
  • Hạn chế tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm, hóa chất độc hại. Đeo khẩu trang khi ra đường hoặc đeo khi làm công việc phải tiếp xúc với nhiều bụi bặm.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Giữ gìn vệ sinh môi trường nhà ở, nơi làm việc và môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.

Vệ sinh mũi họng hàng ngày

Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch và giữ ẩm. Cần lưu ý khi vệ sinh cần nghiêng đầu và dùng lực xì nhẹ để nước muối từ một bên đi sang bên mũi còn lại để ra ngoài. Ngoài ra súc họng bằng nước muối hàng ngày cũng là các biện pháp hữu hiệu giúp đảm bảo sức khỏe cho vùng mũi xoang.Nên thực hiện vào buổi sáng và tối sau khi ra ngoài về.

Kể cả khi không bị viêm xoang, bạn cũng nên vệ sinh mũi họng thường xuyên để diệt trừ vi khuẩn xâm nhập gây các bệnh về hô hấp như viêm  xoang, viêm mũi họng… Vệ sinh mũi họng cần thực hiện đúng cách, nếu không sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập ngược và gây bệnh.

Tránh hít phải không khí lạnh khô

viêm xoang
Tránh hít phải không khí lạnh khô để phòng bệnh viêm xoang 

Hít phải không khí lạnh khô có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang. Do vậy không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh hoặc quạt khi ngủ hoặc làm việc. Nên để điều hòa trong phòng ở 25-28 độ là phù hợp. Có thể sử dụng máy tạo ẩm để tăng cường độ ẩm không khí giúp phòng tránh bệnh viêm xoang. Thêm nữa, mọi người cần giữ ấm cơ thể khi thay đổi thời tiết đề phòng nhiễm lạnh.

Điều trị trào ngược dạ dày – thực quản

Do một số trường hợp trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân gây nên bệnh viêm xoang. Do vậy nếu có các dấu hiệu của bệnh như ợ hơi ợ chua, nóng rát thượng vị… thì cần đi khám và điều trị dứt điểm.

Giải quyết các bất thường về giải phẫu mũi xoang

Khám chuyên khoa tai mũi họng và xử lý các bất thường về giải phẫu mũi xoang như vẹo vách ngăn, xoang hơi cuốn giữa, quá phát mỏm móc, bóng sàng…

Nạo VA quá phát

Khi VA – một tổ chức lympho ở vòm mũi họng – bị viêm và quá phát thành khối to thì sẽ gây cản trở tới việc hít thở không khí. Biến chứng của viêm VA là viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm thanh quản, áp xe thành sau họng và viêm mũi xoang. Do vậy cần điều trị kịp thời để tránh biến chứng viêm mũi xoang xảy ra.

Ngoài các cách dự phòng bệnh viêm xoang trên đây, mọi người cần có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo âu. Khi làm việc quá sức hoặc lo lắng nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, rất dễ bị nhiễm trùng, nhất là mũi xoang – cơ quan lọc không khí trước khi đưa vào cơ thể. Tích cực tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể chống lại bệnh tật và các tác nhân gây bệnh.

BS Huyền Hương

Theo Hội Nội khoa Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận