Cách phá thai an toàn khi đang cho con bú và các biện pháp tránh thai hiệu quả
Phá thai là một quyết định nhằm chấm dứt quá trình phát triển thai nghén tự nhiên. Các phương pháp phá thai có thể được áp dụng trong việc kế hoạch hóa gia đình hoặc phá thai do bệnh lý. Hiện nay, các phương pháp được sử dụng như: hút chân không, dùng thuốc, nong và nạo,… Các phương pháp phá thai an toàn cần được thực hiện bởi người có chuyên môn, làm đúng chỉ định và kĩ thuật phù hợp nhằm đảm bảo an toàn nhất cho đối tượng phá thai. Bài viết dưới đây đề cập tới một số cách phá thai an toàn khi đang cho con bú và các phương pháp tránh thai hiệu quả để người đọc có thể tham khảo:
Nội dung bài viêt
1. Phá thai bằng thuốc khi cho con bú có an toàn không?
Phá thai bằng thuốc là một phương pháp phá thai nội khoa, sử dụng thuốc để chấm dứt thai kỳ mà không cần phải phẫu thuật hay gây mê. Nó có thể được bắt đầu tại một cơ sở y tế đảm bảo uy tín và theo dõi thêm tại nhà với các lần tái khám với nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều phác đồ phá thai bằng thuốc như sử dụng Misoprostol đơn thuần, kết hợp Methotrexate – Misoprostol,… nhưng thông dụng nhất vẫn là phác đồ kết hợp Mifepristone và Misoprostol để chấm dứt thai kỳ. Nó an toàn và hiệu quả nhất trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Tuy nhiên, trong trường hợp bà mẹ đang cho con bú yêu cầu phá thai, thuốc thường chỉ được dùng liều một lần để hạn chế mọi nguy cơ tích lũy ở trẻ sơ sinh do phơi nhiễm qua sữa mẹ.
Dữ liệu hạn chế cho thấy mức độ Mifepristone trong sữa thấp, đặc biệt là khi sử dụng liều 200mg nên việc cho con bú có thể được tiếp tục một cách an toàn mà không bị gián đoạn trong thời gian ngừng dùng thuốc [1]. Misoprostol được bài tiết vào sữa mẹ với một lượng nhỏ và nhanh chóng được đào thải, do vậy không cần gián đoạn việc cho con bú khi sử dụng Misoprostol theo bất kỳ đường nào. Nhưng để phòng ngừa, mẹ nên ngừng cho bú 5-7 ngày sau khi sử dụng thuốc phá thai và theo dõi các tình trạng buồn nôn, nôn và bú kém của trẻ khi cho bú trở lại.
Phụ nữ cho con bú phá thai bằng thuốc cần theo dõi các triệu chứng ở trẻ
2. Cách phá thai an toàn khi đang cho con bú
Với thai nhi dưới 9 tuần tuổi, có hai cách phá thai an toàn khi đang cho con bú được gợi ý áp dụng là phá thai bằng thuốc và nạo hút thai.
- Phương pháp phá thai bằng thuốc: Bạn có thể cho con bú trong quá trình phá thai nội khoa, tuy nhiên nên ngừng cho con bú 5-7 ngày sau khi sử dụng thuốc phá thai do thường có các triệu chứng đi kèm với quá trình phá thai, cụ thể là chuột rút, ra máu âm đạo, buồn nôn, đau bụng,… Sau đó sẽ theo dõi các tình trạng buồn nôn, nôn và bú kém của trẻ khi cho bú trở lại.
- Phương pháp nạo hút thai truyền thống: do dữ liệu về phương pháp phá thai bằng bằng thuốc còn hạn chế nên phương pháp nạo hút thai truyền thống vẫn được cho là an toàn hơn. Khi sử dụng phương pháp này người mẹ sẽ được bác sĩ kê dùng thêm kháng sinh để phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm.
Phá thai bằng phương pháp nạo hút truyền thống được cho là an toàn hơn
Như vậy, cách phá thai an toàn khi đang cho con bú nào cũng khuyến cáo bà mẹ tạm ngừng việc cho con bú khi tiến hành quá trình phá thai và việc ngừng cho con bú có thể có khả năng làm mất sữa mẹ. Vì thế người phụ nữ đang cho con bú muốn phá thai nên đi khám bác sĩ chuyên khoa phụ sản càng sớm càng tốt để bác sĩ tư vấn đưa ra hướng xử lý tốt nhất.
3. Sử dụng biện pháp tránh thai để tránh mang thai không mong muốn
Mặc dù hiện nay với sự tiến bộ của y học đã có các cách phá thai an toàn khi đang cho con bú, tuy nhiên phá thai vẫn có ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe sinh sản, tâm lý của người phụ nữ. Do vậy, việc kế hoạch hóa gia đình là điều cần thiết để các cặp vợ chồng điều chỉnh số con và khoảng cách sinh con. Để tránh mang thai ngoài ý muốn, các cặp đôi có thể áp dụng các biện pháp tránh thai gợi ý dưới đây:
Đối với nam giới:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ: đây là một phương pháp tránh thai phổ biến, dễ sử dụng, khá hiệu quả và có thể giúp hạn chế các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Xuất tinh ngoài âm đạo: phương pháp này không cần chi phí chuẩn bị dụng cụ tránh thai nhưng đòi hỏi sự chủ động, dứt khoát của nam giới khi quan hệ và không phù hợp với những người bị xuất tinh sớm. Do vậy tỉ lệ thất bại khá cao.
- Đình sản nam: đây là phương pháp tránh thai chỉ áp dụng với người đã có đủ số con mong muốn, các con khỏe mạnh và tự nguyện dùng một biện pháp tránh thai vĩnh viễn và không hồi phục.
Các biện pháp tránh thai về phía nam giới
Đối với nữ giới:
- Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (phương pháp vô kinh cho bú): vừa cung cấp nguồn dinh dưỡng phù hợp nhất cho hệ tiêu hóa của trẻ vừa giúp tránh thai. Phương pháp này chỉ hiệu quả khi người mẹ chưa có kinh nguyệt trở lại sau khi sinh, phải nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và áp dụng khi đứa trẻ dưới 6 tháng tuổi và đảm bảo người mẹ phải cho con bú đúng cách như hướng dẫn.
Phương pháp vô kinh cho bú giúp ngừa thai
- Sử dụng thuốc tránh thai chỉ có Progestin (Exluton): là biện pháp tránh thai không làm ảnh hưởng tới sữa mẹ. Thuốc được uống liên tục không có ngày nghỉ thuốc, bắt đầu uống vào ngày đầu tiên của kì kinh, mỗi ngày một viên và uống trong cùng một giờ trong ngày. Nếu bị thay đổi 2 giờ thì phải áp dụng biện pháp tránh thai khác trong 2 ngày.
- Đặt vòng tránh thai: sau khi hết thời kì hậu sản (sau sinh 6 tuần), người phụ nữ có thể cân nhắc phương pháp tránh thai này vì phương pháp này không gây ảnh hưởng tới sữa mẹ và hiệu quả tránh thai có thể lên tới 5 năm.
- Đình sản nữ: tương tự phương pháp đình sản nam, phương pháp này chỉ áp dụng với người đã có đủ số con mong muốn, các con khỏe mạnh và tự nguyện dùng một biện pháp tránh thai vĩnh viễn và không hồi phục.
Các phương pháp tránh thai an toàn khi cho con bú về phía nữ giới
Hiện nay có rất nhiều các biện pháp tránh thai đạt hiệu quả cao, ít có tác dụng không mong muốn, chi phí ở mức độ chấp nhận được. Do vậy, để tránh tình trạng phá thai ngoài ý muốn đặc biệt phá thai khi cho con bú, các cặp vợ chồng cần lựa chọn các biện pháp tránh thai sao cho phù hợp hoặc tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn cụ thể.
Đoàn Thị Nhung
Tài liệu tham khảo: 1. Sääv, I., Fiala, C., Hämäläinen, J. M., Heikinheimo, O., & Gemzell-Danielsson, K. (2010). Medical abortion in lactating women–low levels of mifepristone in breast milk. Acta obstetricia et gynecologica Scandinavica, 89(5), 618–622. https://doi.org/10.3109/00016341003721037.