Cách phá thai bằng thuốc và những lưu ý
Thực tế hiện nay thì việc có thai ngoài ý muốn vẫn xảy ra hàng ngày và khi đó người phụ nữ sẽ tìm đến những biện pháp phá thai. Một trong những phương pháp phá thai được cho là an toàn nhất hiện nay đó là cách phá thai bằng thuốc. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không nên tự ý dùng thuốc phá thai tại nhà, vì đôi khi có thể gặp phải tác dụng phụ và cần cấp cứu kịp thời. Vì vậy, tốt hơn hết cần đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám và thực hiện phương pháp này được hiệu quả.
Nội dung bài viêt
1. Cách phá thai bằng thuốc là gì?
Cách phá thai bằng thuốc
Phá thai bằng thuốc là cách sử dụng thuốc để chấm dứt thai kỳ. Phương pháp này hoạt động tương tự như cơ chế gây sảy thai: thuốc sẽ làm cho thai ngừng phát triển và gây co bóp dạ con để đẩy thai ra ngoài.
Cách phá thai bằng thuốc là phương pháp được sử dụng nhiều tại nhiều nước trên thế giới và khi tuân thủ theo đúng quy trình dùng thuốc của bác sĩ thì tỷ lệ thành công cao trên 90%.
Phương pháp này có ưu điểm là an toàn, nhanh chóng, chi phí phá thai bằng thuốc thường thấp, không can thiệp đến tử cung, tránh được tình trạng chảy máu tử cung, dính tử cung, thủng tử cung,…Tuy nhiên chị em không được tự ý thực hiện cách phá thai bằng thuốc tại nhà để tránh những biến chứng xấu cho sức khỏe. Tốt nhất, nên được bác sĩ chuyên khoa thăm khám để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện và giám sát chặt chẽ.
2. Một số loại thuốc phá thai
Hiện nay thuốc phá thai có rất nhiều loại, tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Tại Việt Nam có 2 nhóm thuốc phá thai được sử dụng:
Nhóm thuốc có tác dụng ức chế, làm thai ngừng phát triển: thai bong ra khỏi buồng tử cung do hiện tượng thoái hoá niêm mạc, làm mềm tử cung và tử cung vào trạng thái chuyển dạ.
Nhóm thuốc có tác dụng khởi phát sự chuyển dạ tự nhiên: giống như hiện tượng sảy thai tự nhiên, gây kích thích cổ tử cung làm mềm tử cung, gây co bóp để đẩy bào thai ra ngoài.
Thông thường, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp hai thuốc khác nhau để kết thúc thai kỳ:
- Mifepristone: có tác dụng ngăn chặn hormone progesterone, giúp ngừng sự phát triển của nhau thai, làm mềm cổ tử cung và đưa tử cung vào trạng thái sẵn sàng chuyển dạ.
- Misoprostol: có tác dụng giúp tử cung co bóp, dùng để thu và đẩy bào thai ra khỏi tử cung gây chảy máu trong vòng 24 giờ sau đó.
- Kết hợp Mifepristone và Misoprostol: đầu tiên, uống một viên mifepristone. Sau 48 giờ, uống loại thuốc thứ hai là misoprostol.
- Ngoài ra, còn có Methotrexate ngăn cản sự phát triển của nhau thai. Tuy nhiên, Methotrexate mất nhiều thời gian để phá thai hơn và hiệu quả của nó thường không bằng Mifepristone.
3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc phá thai
Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc phá thai mà phải được sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ khi sử dụng bởi không phải ai cũng có thể dùng thuốc phá thai được. Trước khi muốn thực hiện cách phá thai bằng thuốc, bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra tổng quát để đảm bảo được thai phụ có đáp ứng được những điều kiện phá thai bằng thuốc.
Thai phụ cần đi khám tổng quát để đảm bảo đủ điều kiện phá thai bằng thuốc
Vì vậy, để tránh những biến chứng có thể xảy ra, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này, thai phụ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín chất lượng, thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để quá trình bỏ thai bằng thuốc diễn ra an toàn, bạn cần lưu ý trước khi dùng thuốc:
- Ăn uống đủ dinh dưỡng đặc biệt là bổ sung thực phẩm giàu sắt bởi vì thai phụ thường mất máu, sức khỏe giảm sút sau phá thai.
- Chế độ sinh hoạt điều độ để chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh
- Thai phụ cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng: không nên quá lo lắng hay căng thẳng. Đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công việc phá thai. Cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ trước và chăm sóc sau khi phá thai bằng thuốc.
Sau khi áp dụng cách phá thai bằng thuốc, cơ thể người phụ nữ sẽ rất yếu, sức đề kháng giảm nên cần được chăm sóc kỹ càng. Để cơ thể hồi phục nhanh chóng, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Bác sĩ thường sẽ chỉ định một số loại thuốc bổ, thuốc kháng viêm cho bạn, do đó hãy uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Giữ gìn vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, thay băng vệ sinh đúng cách 3 – 4 giờ/lần. Nên vệ sinh vùng kín bằng nước ấm sạch để ngăn ngừa viêm nhiễm phụ khoa. Không thụt rửa âm đạo hoặc cho bất cứ thứ gì vào âm đạo.
- Chế độ dinh dưỡng: bổ sung các loại thực phẩm giàu protein, vitamin, canxi, sắt…cho cơ thể.
- Chế độ nghỉ ngơi hợp lý từ 1-2 tuần sau khi sử dụng thuốc phá thai, tránh vận động, làm các công việc nặng nhọc.
- Kiêng quan hệ tình dục tốt nhất từ 1 tháng trở lên cho đến khi bộ phận sinh dục ổn định trở lại.
4. Một vài hiện tượng bạn có thể gặp khi phá thai bằng thuốc
Cần chú ý theo dõi các biểu hiện dưới đây của cơ thể có thể gặp khi sử dụng thuốc phá thai:
4.1. Chảy máu âm đạo
Hiện tượng chảy máu âm đạo, đau bụng có thể gặp sau khi sử dụng thuốc phá thai
Hiện tượng chảy máu âm đạo thường diễn ra sau khi uống viên thuốc thứ 2, giống như một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Khoảng 2-3 ngày sau đó, do sự co bóp của tử cung thai sẽ bắt đầu được đẩy ra ngoài. Máu chảy có kèm theo cục máu đông chứng tỏ bào thai đang đào thải ra ngoài theo âm đạo. Lúc này, máu chảy từ âm đạo ra với số lượng nhiều. Các ngày sau đó, lượng máu giảm dần và hết hẳn.
4.2. Đau bụng
Hiện tượng này xuất hiện đồng thời với hiện tượng chảy máu ở âm đạo. Tuy nhiên, thời gian cảm thấy đau bụng ở mỗi người là khác nhau. Trong 30 phút tới 4 giờ, sau khi uống loại thứ 2 sẽ khiến đau bụng nhiều hơn và bị ra những cục máu. Thông thường có biểu hiện đau thắt vùng bụng dưới do tử cung co bóp để đẩy thai ra ngoài. Đây là một trong những triệu chứng bình thường và sẽ qua đi trong thời gian ngắn mà không cần điều trị đặc biệt gì. Bạn có thể được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau để giảm cơn đau bụng. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng chai nước nóng, khăn ấm để chườm bụng.
4.3. Sốt, ớn lạnh, buồn nôn
Một số phụ nữ sẽ có những triệu chứng: sốt nhẹ, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy trong 2 – 3 ngày do cơ thể phản ứng lại với tác dụng của thuốc phá thai. Tuy nhiên, những hiện tượng này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và nhanh chấm dứt.
4.4. Dị ứng thuốc tránh thai
Dị ứng với thuốc tránh thai là nguy cơ thường gặp khi phá thai bằng thuốc. Phá thai bằng thuốc có tỷ lệ thành công rất cao tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Các biểu hiện có thể gặp từ nhẹ đến nặng như nổi mề đay, mẩn ngứa, khó thở, choáng hay tụt huyết áp.
Nếu gặp các biểu hiện bất thường, có thể là dấu hiệu của phá thai bằng thuốc không thành công nên nhanh chóng tái khám:
- Cảm thấy đau bụng dữ dội kể cả khi bạn đã uống thuốc giảm đau co thắt tử cung cũng không giảm. Đây có thể là biểu hiện của sót thai, sót rau thai trong buồng tử cung.
Đau bụng dữ dội không thuyên giảm có thể là dấu hiệu phá thai bằng thuốc không thành công
- Âm đạo chảy máu ồ ạt không có dấu hiệu thuyên giảm: tình trạng chảy máu kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu trầm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Nếu bị ra nhiều máu thấm đẫm 2 miếng băng vệ sinh chỉ trong 1 giờ hoặc có các cục máu đông lớn chảy ra trong 2 giờ liên tục cần thông báo với bác sĩ để khám lại và theo dõi.
- Một số trường hợp sau khoảng 8 ngày kể từ khi uống thuốc phá thai không thấy có máu cục ra ngoài, khả năng cao bào thai chưa được tống ra ngoài. Khi siêu âm ổ bụng còn thấy tàn dư của nhau thai, thai nhi còn sót lại.
- Một số hiện tượng khác cũng có thể gặp phải khi phá thai bằng thuốc: sốt cao (từ 38ºC), buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ sau khi uống thuốc. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng, tuy nhiên tốt nhất bạn vẫn nên đi khám để xác định chắc chắn.
Với ưu điểm bởi tính tiện dụng và kín đáo, cách phá thai bằng thuốc hiện nay đang là biện pháp được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, quá trình này có thể gây những nguy hiểm như băng huyết, nhiễm trùng, thai chết lưu…Do đó, cần được khám và lựa chọn phương pháp tối ưu nhất với sự theo dõi và giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa.
BS Chu Thị Thanh Hoài