Cách phòng bệnh béo phì hiệu quả mà bạn nên biết
Thừa cân, béo phì là tình trạng gặp ở mọi lứa tuổi. Tình trạng béo phì mang đến những bất tiện trong cuộc sống và tăng nguy cơ suy giảm sức khỏe về lâu dài. Do đó, có những cách phòng bệnh béo phì hiệu quả nào mà bạn nên biết?
Nội dung bài viêt
1. Những tác hại của bệnh béo phì
1.1. Ảnh hưởng đến tâm lý, khó khăn trong sinh hoạt
Các vấn đề liên quan đến cân nặng, đặc biệt khi mắc bệnh béo phì gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nhiều người mất thoải mái, thiếu tự tin khi giao tiếp vì thân hình quá khổ của mình. Tâm lý mặc cảm, tự ti lâu ngày ở người bệnh béo phì dễ dẫn đến bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, người bị béo phì thường có cảm giác mệt mỏi, thiếu tập trung, cơ thể nặng nề khiến vận động, các hoạt động trở nên chậm chạp hơn. Năng suất lao động cũng thấp hơn so với người bình thường.
1.2. Người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh gì?
Người béo phì có nguy cơ mắc những bệnh gì?
1.2.1. Bệnh lý tim mạch
Tình trạng hẹp động mạch, các mảng xơ vữa,…thường gặp do lượng mỡ dư thừa trong lòng các mạch máu. Tình trạng này kéo dài đòi hỏi tim phải hoạt động nhiều hơn, gây quá tải có thể dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ,…
1.2.2. Bệnh lý về chuyển hóa
Béo phì khiến cơ thể dễ dàng mắc bệnh tiểu đường type 2. Ở người béo phì, tụy phải đáp ứng tăng tiết insulin, đây là hormon có tác dụng trong việc giúp cơ thể hấp thu đường. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì hoạt động của tụy sẽ giảm sút.
1.2.3. Bệnh lý về xương, khớp
Hệ thống cơ, xương, khớp phải chịu lực nhiều hơn kho trọng lượng cơ thể tăng mạnh. Người thừa cân, béo phì dễ gặp phải các căn bệnh ở cột sống, khớp gối cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa khớp, loãng xương. Nhiều trường hợp hay gặp các tổn hại ở các sụn khớp, dây chằng,…
Ngoài ra, ở người béo phì nguy cơ mắc bệnh gout tăng lên rõ rệt do việc đào thải axit uric giảm đi rất nhiều, đồng thời còn kích thích việc tổng hợp axit uric.
1.2.4. Bệnh lý đường tiêu hóa
Nguy cơ gan nhiễm mỡ cũng tăng nhanh ở người bị béo phì. Các mức độ tổn thương tế bào gan khác nhau, nặng hơn có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư và suy gan.
Nhiều bệnh lý như táo bón, trĩ, sỏi mật do lượng mỡ thừa bám vào các thành mạch, các lớp niêm mạc ở cơ quan tiêu hóa.
1.2.5. Bệnh lý đường hô hấp
Tình trạng ngáy to rất dễ mắc phải ở người người béo phì
Tình trạng ngáy to rất dễ mắc phải ở người người béo phì. Nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp rất cao, nhất là ở trẻ em do hẹp đường thở, khó thở, viêm họng,…
2. Cách phòng bệnh béo phì
2.1. Cách phòng bệnh béo phì cho trẻ nhỏ
2.1.1. Dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ lúc mang thai
Mức tăng cân hợp lý trong thời gian mang thai của bà mẹ là 10 – 12 kg. Tuy nhiên, nếu người mẹ đang gặp phải tình trạng thừa cân, béo phì thì mức tăng cân trong thời gian có thai sẽ thấp hơn.
2.1.2. Tầm soát các bệnh lý đặc biệt về nội tiết
Tình trạng béo phì ở trẻ em có thể liên quan đến sự khởi phát sớm hơn của bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và mạch máu, trầm cảm. Và ngược lại, khi mắc các bệnh mạn tính có liên quan đến béo phì càng khó điều trị.
Ở những người có vấn đề về tâm lý hay mắc các bệnh về đường hô hấp dễ bị rối loạn chuyển hóa. Cơ thể có xu hướng tích tụ nhiều mỡ và gây ra tình trạng thừa cân, béo phì khi bị rối loạn chuyển hóa lipid (do hệ thần kinh và nội tiết tố điều khiển). Bên cạnh đó, những người bị suy giảm chức năng tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến yên hay gặp trong bệnh như suy giáp, hội chứng cushing,… cũng dễ bị thừa cân, béo phì.
Chính vì thế, việc kiểm tra sức khoẻ để đánh giá tổng quan tình trạng sức khoẻ, phát hiện các rối loạn về nội tiết, góp phần phòng bệnh béo phì.
2.1.3. Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng lứa tuổi
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Đối với trẻ nhỏ, mục tiêu của việc phòng bệnh béo phì là hạn chế cho trẻ tăng cân quá mức mà vẫn đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bình thường.
Đối với trẻ bú mẹ: cho trẻ bú sớm (trong vòng giờ đầu), bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú kéo dài cho đến 18 – 24 tháng tuổi.
Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý: khi trẻ 6 tháng tuổi cho ăn đủ số bữa theo lứa tuổi, khẩu phần ăn cân đối, phối hợp nhiều nhóm thực phẩm theo ô vuông thức ăn.
2.1.4. Xây dựng thói quen sinh hoạt thích hợp cho trẻ
Các bậc phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất với các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. Tăng cường các hoạt động như trượt trên cầu trượt, bập bênh, đu quay và các hoạt động ngoài trời sẽ mang lại lợi ích sức khỏe, giúp ngăn ngừa bệnh béo phì. Ngoài ra, tập thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc cho trẻ cũng là cách phòng bệnh béo phì cho trẻ nhỏ hiệu quả.
2.1.5. Theo dõi cân nặng, chiều cao định kỳ
Theo dõi chiều cao định kỳ cho trẻ nhỏ
Cha mẹ nên thường xuyên theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ, giúp xác định trẻ có đang vượt quá tốc độ tăng trưởng bình thường hay không. Với trẻ nhỏ, có thể đo chiều dài và cân nặng cho trẻ hàng tháng. Khi trẻ lớn hơn, nên theo dõi chiều cao và cân nặng 3 – 6 tháng/lần. Từ đó, có những biện pháp để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt và vận động thể lực phù hợp với trẻ.
2.2. Phòng ngừa béo phì cho trẻ lớn và người lớn
2.2.1. Xây dựng chế độ ăn lành mạnh
Đối với mỗi cá nhân, để phòng thừa cân, béo phì cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối giúp kiểm soát tốt lượng năng lượng đưa vào cơ thể. Giảm năng lượng ăn vào bằng cách hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo, muối và đường. Những thực phẩm có nhiều đường (đường mật, kẹo, bánh ngọt, socola, nước ngọt,…), nhiều muối (thức ăn nhanh, thịt hộp, xúc xích, mì ăn liền…) và các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa từ mỡ, thịt đóng hộp và nội tạng động vật nên hạn chế tối đa.
Thay vào đó, bạn nên ưu tiên lựa chọn thịt nạc, thịt gia cầm, cá, và đậu để cung cấp protein. Tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ: rau, củ, trái cây và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt. Nên ăn các món luộc, hấp, rau củ trộn salad, nấu canh, hạn chế các món chiên, xào.
Tạo thói quen ăn uống một cách khoa học: chia nhỏ bữa ăn, bắt đầu bằng bữa sáng đầy đủ. Nên chia ra mỗi ngày ăn 3 bữa chính và hai bữa phụ. Không nên ăn muộn và buổi tối trước khi đi ngủ. Lựa chọn nhiều loại thức ăn trong ngày để đang dạng thực đơn và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Béo phì ở trẻ em có nguy cơ dẫn đến béo phì khi trưởng thành và rối loạn bệnh lý khác liên quan tới béo phì. Vì vậy, cần đảm bảo chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng thức ăn dành cho trẻ. Bổ sung sữa, các sản phẩm từ sữa (pho mát, sữa chua) ít béo hoặc không béo giúp tăng trưởng chiều cao, phát triển về thể chất, trí não và tăng cường sức khỏe.
2.2.2. Luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên
Tập thể dục giúp tăng cường tiêu thụ năng lượng, đốt cháy lượng calo dư thừa mỗi ngày và là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tăng cân. Cần tập luyện với cường độ phù hợp và thời gian vận động đều đặn, thường xuyên và lâu dài thì tác động càng lớn kéo dài. Thời gian lý tưởng tập luyện là từ 30 – 60 phút mỗi ngày, hít thở đều đặn để cung cấp oxy cho cơ thể đốt cháy mỡ thừa.
Tập thể dục thường xuyên và kéo dài giúp giảm cân
Đối với người lớn, đặc biệt với những người làm việc văn phòng, tốt nhất nên giới hạn thời gian ngồi một chỗ. Thay vào đó, bạn có thể thực hiện các động tác khởi động nhẹ nhàng hoặc đi bộ trong vòng 3-5 phút trong khoảng thời gian phải làm việc kéo dài.
Đối với trẻ em nên có các biện pháp tạo sự thích thú, khuyến khích trẻ em tập luyện thể dục, thể thao từ sớm sau những giờ học tập căng thẳng, để giúp trẻ phát triển chiều cao, phòng chống được thừa cân, béo phì.
Các hoạt động thể lực nên được lựa chọn cho phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, cũng như bệnh lý của từng người. Với những trường hợp quá béo, cơ thể quá nặng nề, tốt hơn hết cần có bác sĩ tư vấn về chế độ tập luyện riêng.
Béo phì là tình trạng bệnh rất được quan tâm hiện nay do các tác hại của nó đang báo động đến sức khỏe và tuổi thọ của con người. Vì vậy, xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, thói quen sinh hoạt tốt để giữ cơ thể luôn có trọng lượng phù hợp, giúp phòng tránh bệnh béo phì cũng như có một sức khỏe và đời sống tốt nhất.
BS Chu Thị Thanh Hoài